Kỳ nhân mù mắt làm kinh ngạc xứ Mường

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Người dân sống tại thôn Khuyển (xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) lâu nay thường nhắc đến ông Bùi Văn Ngởi là người sống tại địa phương này như một "thần nhân".

Dù bị mù nhưng ông vẫn hàng ngày vào rừng... chặt cây, hái củi, mang ra chợ bán kiếm tiền. Thậm chí theo lời nhiều người: "Những việc này ông làm còn thạo hơn cả những người sáng mắt".

Ông Ngởi đang chặt củi

Tuổi thơ bất hạnh

Ông Ngởi kể: "Sinh ra trong gia đình có 5 anh em, năm lên 3 tuổi ông bị đau mắt hột, hai mắt mọc lên hai cái u nhọt. Năm đó cả xã chưa có bệnh viện hay trạm y tế. Muốn ra bệnh viện phải đi sang huyện Lạc Thủy hay sang huyện Nho Quan của tỉnh bạn Ninh Bình cách đó khoảng 30 cây số.

Sau khi gia đình cố hết sức tìm thuốc nam bằng lá cây để chạy chữa nhưng vẫn không hiệu quả. Cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào số phận định đoạt. Và thật nghiệt ngã, từ sau lần đó đôi mắt của ông suốt đời không mở ra được nữa. Nói về cảm giác lúc đó, ông bảo: "Vì còn bé nên cũng chỉ biết là hỏng mắt thôi, cũng không đi khám chữa gì nữa, càng lớn càng nhận thức được sự việc tôi càng thấy thất vọng".

Trưởng thành trong gia đình đông con, gia cảnh lại khó khăn. Ngay từ bé dù bị mù cả hai mắt, ông đã phải tập làm quen với mọi việc như người bình thường. Từ việc dễ nhất là ăn uống mặc quần áo cho đến làm cơm, phụ việc vặt trong nhà... Và thật bất ngờ, càng trưởng thành ông càng thính nhạy đến mức nhiều người cứ nói vui với nhau "cái lão Ngởi này hình như có một con mắt nữa giấu ở đâu đó" hoặc "có thể lão đã luyện được thần nhãn".

Trời lấy đi của ông đôi mắt thế nhưng cũng bù lại cho ông rất nhiều thứ. Từ khả năng thính nhạy để làm việc cho đến bản tính hiền lành, lại cần cù chăm chỉ. Nhiều khi ông làm việc còn hơn cả người thường. Năm 27 tuổi, có lẽ cũng nhờ duyên trời, ông tìm được một nửa của mình là một người phụ nữ rất hiền hậu, đảm đang.

Về vợ mình, tuy là phận lỡ bước sang ngang và đã có một con với người chồng trước. Thế nhưng khi nghe danh anh Ngởi dù bị mù nhưng hiền lành chất phác lại rất chăm chỉ làm ăn nên đã đem lòng yêu mến. Về làm dâu nhà ông, mấy chục năm nay, vợ ông chưa làm phật lòng với họ hàng, láng giềng bao giờ.

Là họ hàng gần với ông Ngởi, ông Bùi Văn Hạnh chia sẻ: "Nếu trước đây có bệnh viện thì bác ấy sẽ không bị mù đâu, chúng tôi tiếc lắm. Thế nhưng cũng may trời ban cho bác những khả năng mà bình thường sẽ khó ai có thể giải thích nổi".

"Tay dao có hạng" đốn tre, chặt củi

Khó khăn đến với ông từ khi lấy vợ. Phải làm lại từ đầu nên thiếu thốn đủ thứ và phải tự mình đứng ra chăm lo một cuộc sống mới. Biết là khó khăn đang ở trước mặt nhưng ông Ngởi cùng vợ quyết tâm vượt qua. Trước tiên là làm nhà, ngôi nhà sàn mà hiện giờ đang sử dụng cũng do hai vợ chồng gây dựng nên. ông nói: "Hồi đó vất vả lắm, tôi đã phải đi vào rừng sâu đốn gỗ, sau đó dùng trâu để kéo gỗ về, nhờ anh em và hàng xóm chung tay dựng giúp".

Làm việc nhà đối với ông là chuyện rất bình thường

Có nhà rồi thì phải làm ăn kiếm sống. Tuy không còn đôi mắt, thế nhưng ông Ngởi vẫn là trụ cột trong gia đình. Mỗi khi đến mùa vụ ông vẫn vác cày ra ruộng cày như bình thường. Cứ con trâu đi trước cái cày theo sau, vậy mà chẳng hiểu sao đường cày cứ thẳng tắp, chẳng bao giờ ông đi nhầm ruộng của mình; đến cả san ruộng, cuốc đất, phát nương ông cũng làm cả.

Nhìn mảnh vườn bên nhà với những hàng rào thẳng tắp, cọc tre được đóng một cách đều đặn và khá thẩm mỹ, vợ ông khoe: "Do ông ấy tự làm hết đấy, đóng cọc rào vườn không cần đo đạc gì mà hàng rào vẫn thẳng tắp và đều như được ngắm bằng mắt thợ".

Ngoài việc đồng áng, công việc khác của gia đình là chăn nuôi lợn và chặt nứa trong vườn để bán và những việc này cũng do một mình ông già mù đảm nhiệm. Ngoài ra ông còn gánh nước, nấu cơm, đun cám lợn; nhiều khi vợ con về đến nhà chỉ việc dọn cơm lên ăn.

"Từ điển sống" của làng

Trong xóm Khuyển, ông Ngởi được coi như là một cuốn từ điển sống bởi trí nhớ siêu phàm của mình. Tuy không thể học hành như người bình thường, thế nhưng chỉ cần nhờ vào cái đài phát thanh hay thỉnh thoảng con cháu đọc báo cho nghe mà ông Ngởi luôn nắm bắt rất chắc từng thông tin về đường lối chính sách của nhà nước. ông có thể kể một cách vanh vách trôi chảy từng nghị quyết, dự án đầu tư như chương trình 134, 135 hay như chính sách tăng lương cho cán bộ. Những chương trình, dự án được đầu tư vào xã nào, huyện nào trong vùng ông luôn là những người nắm bắt thông tin đầy đủ nhất để có thể tư vấn cho mọi người.

Về chuyện đi chặt nứa, vợ ông kể: Nhận thấy mình cũng có thể kiếm thêm thu nhập từ nguồn thu này nên ông tự mình cầm đồ nghề, nai nịt gọn gàng, đi vào rừng để chặt nứa. Chặt xong ông tự mình vác từng bó nứa xuống làng để bán. Không những vậy, sản phẩm của ông luôn là những đoạn đều nhau lạ thường, những mắt tre cũng được tuốt sạch không sót một cái nào.

Nhìn những cây tre nứa của ông, có lẽ kể cả nhiều người sáng mắt cũng phải "chắp tay mà bái phục". Khi ra chợ, không một ai bịp được tiền của ông. Chúng tôi đã thử ông bằng cách đưa ra mấy đồng tiền cotton và polimer. Chỉ cần lấy ngón tay chai sạn vì quen cầm dao, rà qua rồi vê vê mấy mép giấy là ông đã nhận ra ngay mệnh giá từng đồng tiền.

Trong những lần đi chặt nứa hay lấy măng phải đi xuyên rừng hàng cây số, ông Ngởi có thể băng rừng một cách nhẹ nhàng mà gần như chẳng vướng phải cây hay dây leo gì. Điều đó đối với một người bình thường còn cảm thấy khó.

Khi được hỏi là làm thế nào mà ông có thể làm được mọi việc mà trước lúc bị mù ông chưa từng làm, ông Ngởi chỉ cười hiền lành: làm nhiều thành quen thôi, chứ tôi có phải tập tành gì đâu. Chỉ tay về phía mấy cây xoan cây vải trước nhà, cây thấp nhất cũng phải lên đến trên 4 mét vậy mà ông bảo: Thỉnh thoảng vẫn phải trèo lên để cưa cành tỉa tán.

Biết được hoàn cảnh của gia đình ông, từ cuối năm 2007 chính quyền địa phương cũng đã xem xét và từ đó cho ông được hưởng chế độ của người khuyết tật. Ngoài phụ cấp hàng tháng ông cũng được hỗ trợ để xây dựng một ngôi nhà mới khang trang hơn.

Ông Ngởi tâm sự: "Người ta có đôi mắt nhìn thấy cuộc đời, thấy màu sắc, cảnh vật. Mình thì nhìn ngắm mọi thứ bằng tay, bằng chân, bằng tai, bằng mũi. Phải làm, phải động chân động tay mới thấy cuộc đời nó đẹp anh ạ".

Văn Khoa - Xuân Thái

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.