Kỳ nhân săn kho báu tìm được những gì?

Thứ 6, 28/12/2012 00:03

Từ năm 1982 đến nay, ông Nguyễn Hồng Công bỗng bỏ hết công ăn việc làm, bỏ vợ con và cuộc sống êm ấm ở TP Hồ Chí Minh để một mình rúc sâu vào tận những hang hốc của rặng núi ở Hóa Sơn (Quảng Bình) để tìm kho báu của vua Hàm Nghi.

Điều tạo nên niềm tin mãnh liệt của ông Công chính là một bản đồ được cho là thể hiện vị trí kho báu của vua Hàm Nghi do anh trai của ông, một thủy thủ tàu viễn dương mang về.

"Dị nhân" Nguyễn Hồng Công sau một ngày đào hang tìm vàng trở về lán nghỉ

Tấm bản đồ lạ đưa về từ nước ngoài

Nguyễn Hồng Công sinh năm 1952, là con trai thứ hai trong một gia đình nông dân ở xã Hải Thượng (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Trước khi dấn thân vào cuộc săn tìm kho báu, ông là sĩ quan của một đồn biên phòng thuộc tỉnh Long An. Năm 1982, Nguyễn Văn Luật, anh trai của ông Công, là thủy thủ tàu viễn dương, sau một chuyến đi công tác nước ngoài có cầm về một tấm bản đồ nghi là bản đồ vị trí kho báu vua Hàm Nghi.

Tận dụng những ngày nghỉ phép năm đó, ông Công đã có mặt tại rừng núi Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) để thu mua trầm hương như anh nói nhưng thật ra là để phiêu lưu ngậm ngải tìm trầm. Trong khi sục sạo trong vùng núi Mã Cú, tình cờ Nguyễn Hồng Công tìm được một cục đá hình dạng giống như chiếc đầu lâu, một mặt có khắc chữ Vương, dấu vết y hệt như trong tấm bản đồ mà ông đang sở hữu.

Tò mò là chính, Nguyễn Hồng Công bỏ mấy ngày trời rà soát và phát hiện ra khá nhiều điều ngẫu nhiên có vẻ trùng hợp và thú vị. Ngọn núi nơi anh tìm ra cục đá có tên là Mã Cú hoặc Yên Ngựa, dưới chân núi có một gò đất rộng, khá bằng phẳng gọi là Động Quân áp, tương truyền là nơi cắm trại của đoàn hộ giá nhà vua. Tại đó, có một hòn đá rất to bị mòn vẹt một bên, dân địa phương bảo là do hàng trăm quân lính mài gươm nên mới vẹt đi. Từ hòn đá này, Nguyễn Hồng Công dễ dàng tìm thấy những cây lim xẹt, cây đa, cây bồ kết... cổ thụ mọc bên dòng suối chảy dưới chân núi mà theo anh thì tấm bản đồ và cuốn gia phả đã ghi rất rõ.

Chưa hết, câu chuyện về việc tình cờ tìm thấy kho báu vua Hàm Nghi năm 1956 tại Hóa Sơn vẫn còn được các bô lão nhắc lại, một số cán bộ, nhà nghiên cứu mà Nguyễn Hồng Công tìm đến hỏi cũng không phủ nhận. Vậy là Nguyễn Hồng Công lập tức xin xuất ngũ và bắt tay ngay vào cuộc săn lùng kéo dài hết toàn bộ thời trai trẻ.

Trò ú tim của trí tưởng tượng?

Ban đầu, để tránh bị người dân địa phương phát hiện, Nguyễn Hồng Công chỉ đào bới một mình. Ngày đào, đêm nghỉ, 5 năm ròng rã. Thay vì tìm được vàng ròng bạc nén, Công khẳng định rằng anh đã tìm ra được... quy luật xây dựng của kho báu(!). Theo anh thì toàn bộ kho báu được bố trí trên một mặt nghiêng hình chữ nhật sắp dài theo triền núi, dài 100 m, rộng 50 m.

Đường hầm đào xuống được kè chống trần bằng gỗ như thợ đào hầm lò

Dấu hiệu khởi đầu kho báu là dấu son ở gốc cây lim xẹt, từ đó đi về phía con suối sẽ bắt gặp hòn đá hình đầu lâu. Ba giao điểm của chữ Vương (gồm 3 nét ngang, một nét sổ) chính là 3 cửa của kho báu. Giao điểm chính giữa chính là cống thoát nước, nét sổ chính là con suối, người xưa dùng suối nước để ngụy trang cho hầm báu vật. Muốn mở hầm kho báu, theo anh việc dứt khoát phải làm là tháo hết... các mạch nước tự nhiên chảy ngầm trong núi!.

Càng ngày, Nguyễn Hồng Công càng lún sâu hơn vào niềm tin của chính mình. ông cho rằng, con suối đổ từ lưng chừng núi Mã Cú xuống ban đầu chia làm hai nhánh. Chôn kho báu xong, người ta nắn dòng để hai con suối nhập lại làm một, vì ngụy trang bằng nước là kín đáo nhất, không thể phá được. Dẫn khách sục sạo vào những hố đá mà mình đã ròng rã đào tung lên suốt gần 30 năm.

Ông Công bảo: "Hầm vàng được xây dựng theo kiểu cuốn chiếu, có 12 hố. Đào xong hố này, bỏ báu vật xuống, lấp lại xong mới đào hố khác nên không để lại vết tích. Hố này chính là nắp cống nước của hố kia. Do đó, kẻ săn lùng kho báu mà thiếu kiến thức thì chỉ công toi, đào đến đâu nước ngập đến đó, chẳng bao giờ nhìn thấy được kho báu.

Tôi đặt câu hỏi: "Đã là công trình xây dựng thì phải có vết tích xây dựng, vết tích vật liệu chứ?. Ông Công trợn mắt: "Người xưa có phải đám trẻ con đâu mà dại dột để dấu tích cho anh thấy?". Ông bảo, để xây kho báu, người xưa đã khôn khéo sử dụng vật liệu tại chỗ, thiếu kiến thức là đừng hòng phát hiện ra. Chỉ vào những vỉa đá xếp nghiêng nghiêng theo một thành hố sâu 18m, Công khẳng định: "Họ (người chôn kho báu) khôn lắm, sắp đá theo kết cấu nghiêng" để chúng tự ép vào nhau. Vì vậy, để càng lâu, công trình càng... chắc, đừng hòng sạt lở.

Ngay tại những hố mà ông Công đã khai quật, thỉnh thoảng cũng lộ ra những dấu tích có vẻ như là mạch hồ, vữa, do bàn tay con người dựng lên hơn là giống mạch đá tự nhiên. Chưa hết, lẫn trong đất, đá mà ông hất ra ngoài các đường hầm, người ta dễ dàng nhìn thấy những đống mốc xanh dấu hiệu của ôxít đồng. ông Công bảo: "Mỏ đồng nhỏ nhất cũng rộng hàng km2, ở đây, ôxít đồng chỉ tồn tại trong một khoảng đất 5.000m2, chệch ra khỏi chu vi này 2m có bói cũng chẳng thấy dấu vết mốc xanh nào cả. Không phải kho báu được chôn ở dưới thì là cái gì?".

Những dấu vết mà ông trưng ra quá mờ nhạt để có thể thuyết phục người khác. Nó giống như một trò ú tim trong trí tưởng tượng của chính ông. Trong khi đó, sức khỏe và tính mạng thực của ông thì như mành treo sợi tóc. Không ít lần, ông Công đã nhiễm khí độc ngất xỉu ngay trong địa đạo, may được dân địa phương phát hiện đưa ra cấp cứu kịp thời.

Nhiều lần khác, dưới những đáy hố sâu 15 - 17m, nhát cuốc chim của anh phá vỡ cả một mỏ nước ngầm. Chỉ trong phút chốc nước lạnh buốt trào lên nhấn ông chìm nghỉm. Nguy hiểm như vậy nên chính quyền địa phương đã nhiều lần phải huy động công an, biên phòng vào Hóa Sơn, kè Công ra khỏi núi. Đuổi thì ông Công đi. Nhưng, chỉ ghé về thăm nhà 10 ngày, nửa tháng, thấy hơi êm êm là người đàn ông này lại mò lên, lại lui cui một mình đào xới.

Đào đến hơi thở cuối cùng!

Gần 14 năm nay, ông cất chòi ở ngay tại nơi đào hầm vàng, trồng khoai lang, đu đủ... và ở lại luôn lưng chừng núi Mã Cú, quên luôn cả chuyện về thăm nhà như trước. Chính quyền địa phương trục xuất mãi cũng chỉ là bắt cóc bỏ đĩa. Anh Cao Minh Tiến, Phó Trưởng Công an xã Hóa Sơn bảo: "Xét ra thì anh ta cũng chẳng gây phiền hà gì đến ai, chẳng gây mếch lòng hay phá phách gì ai, thôi thì kệ. Về "công trình" của ông Công, anh Tiến nói vui: "Số địa đạo mà anh ta đã đào, nối lại với nhau chắc cũng đã ra đến... Thanh Hóa".

Một lần, tôi vào Hóa Sơn thăm ông Công. Vàng bạc vẫn chẳng thấy đâu, chỉ thấy hình hài của kỳ nhân này tàn tạ đi trông thấy. Nhưng nụ cười của anh vẫn hết sức tự tin. Vui chuyện, ông chui vào túp lều rách nát, xiêu vẹo lôi ra cho chúng tôi xem một số chiến lợi phẩm thu được.

Chỉ quả bóng tròn vo, nặng trịch, có lẽ bằng một thứ kim loại nào đó, vì nó nặng hơn nhiều so với đá, ông Công bảo: "Tôi quai búa tạ 3 ngày liền nó vẫn không chịu vỡ". Tôi nghe và tái mặt bởi khối kim loại kia trông không khác gì một quả đạn súng thần công! Đến lượt hai mảnh đá có nhiều đường vân hắt ánh kim, Nguyễn Hồng Công khẳng định, đó chính là một loại... ký tự cổ ông không đọc được nhưng hiểu rất rõ.

Dù sao, con người gầy gò ngồi trước mặt tôi cũng là hiện thân của một quyết tâm, một nghị lực phi thường. Đó là điều mà trong đời, không phải ai, không phải khi nào cũng có duyên gặp được. Thôi thì đành trôi theo ông trong một chút mơ mộng, dù hết sức viển vông. Chỉ mong sao có một phép mầu nào đó để điều không thể trở thành có thể, để ông sớm tìm ra cửa hầm huyền hoặc. Bạc vàng, châu báu, tôi không nghĩ tới và Nguyễn Hồng Công có lẽ cũng thế. Ông Công chia sẻ: "Bây giờ yếu rồi, mỗi ngày đào chừng ba tiếng đồng hồ là phải nghỉ. Sức khỏe không còn được khỏe như xưa. Tôi cố đào cho đến khi nào gặp được kho báu mới thôi...”

Bình Quang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.