Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự vẫn không nguội tắt tình yêu “vẽ tranh bằng chỉ". Nghề làm tranh thêu đã chọn ông và ông vui với nghề, say với nghề.
Ông Sự vẫn say sưa thêu
Bậc thầy của thêu chân dung
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự sinh năm 1942, trong gia đình có truyền thống làm nghề thêu ren ở xã Thắng Lợi (Thường Tín, Hà Nội). Ông học nghề thêu từ lúc 10 tuổi để phụ giúp gia đình. Vài năm sau, ông được nhận vào làm cán bộ kỹ thuật (người trẻ nhất của HTX thêu Hợp Tiến”. Ông luôn trăn trở về hướng đi cho nghề thêu quê nhà, đồng thời tích cực tìm tòi và đổi mới kĩ thuật thêu. Năm 1972, trong chuyến về thăm xã Thắng Lợi, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn rất thích những bức tranh thêu và động viên các nghệ nhân hãy thêu chân dung Bác. Lúc đó, ông Sự nghe được, trong lòng liền ấp ủ dự định.
Ông được cử đi học thêm lớp hội họa để nâng cao kiến thức. Học xong, Nguyễn Quốc Sự thêu bức tranh đầu tay về Bác Hồ. Giờ bức tranh đó vẫn được lưu giữ tại gia đình. Ông Sự nói: "Để thêu được bức chân dung này, tôi đã mất gần một năm trời ròng rã, đêm nằm ngủ cũng bị ám ảnh về từng nét trên khuôn mặt Bác. Có lúc thêu rồi lại tháo ra. Thêu đã khó, tháo càng khó hơn, bởi gỡ từng sợi chỉ là điều cực kì phức tạp. Ngày nay, có nhiều người thêu chân dung Bác Hồ nhưng không có nhiều người thành công.
3 năm thêu một bức tranh
Những bức tranh thêu của ông Sự, đặc biệt là thêu chân dung luôn sống động, mềm mại tự nhiên và có sức hấp dẫn làm lay động lòng người. Theo ông, thêu chân dung là khó nhất. Thêu chân dung là phải giữ được cái hồn, cái thần, hình khối. Riêng bức thêu "Nàng Mona Lisa" của Leonardo Da Vinci, được đánh giá là đẹp đến kỳ diệu. Ông Sự đã dùng cả trăm màu chỉ và thêu trong gần 3 năm trời mới xong. Có người trả gần 300 triệu, nhưng ông Sự chưa bán. Nhiều du khách nước ngoài đến thăm, cũng phải khâm phục trước kĩ thuật và khả năng bài trí tranh thuần thục, cân đối đến sắc nét của ông.
Cái khó của nghề thêu ngoài việc phải vững tay nghề còn phải dựa vào cảm giác của nghệ nhân. Ông Sự nói: "Tôi may mắn được học căn bản về hội họa. Phải hiểu rõ cơ mặt biểu hiện trên khuôn mặt như thế nào, từ đó mà có những thể hiện phù hợp với từng chi tiết”. Những sản phẩm tranh thêu của Nguyễn Quốc Sự được bán tại thị trường trong nước và các nước bạn như các nước Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ, Đông Nam Á..
Ngoài làm nghề, ông Sự còn tham gia giảng dạy. Ngay từ năm 1975, ông được điều về Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế để dạy thêu. Giờ không còn đi xa giảng dạy, nhưng ông vẫn thường xuyên hướng dẫn cho những ai muốn đến học nghề. Nhiều học trò đã thành thợ nổi tiếng, hoặc chủ doanh nghiệp thêu có vị trí nhất định trong làng tranh thêu nước nhà. Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng ông Nguyễn Quốc Sự vẫn cặm cụi bên khung thêu, cẩn thận kỹ lưỡng với từng đường kim mũi chỉ để cống hiến, sáng tạo ra những tác phẩm tranh thêu làm đẹp cho đời.
Nhiều danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã đạt được nhiều giải thưởng và được biết đến khắp trong và ngoài nước. Niềm vinh quang đến với ông lần đầu tiên vào năm 1981 khi tác phẩm "Nhà sàn Bác Hồ" tham dự triển lãm Olimpic tại Liên Xô (cũ) tháng (10/1981). Ông được tặng thưởng Huân chương Lê Nin của Liên Xô và sau đó là Huy chương Vàng của ĐTNCS Hồ Chí Minh. Năm 1983, ông tham gia triển lãm tại Giảng Võ, Hà Nội và cũng đoạt Huy chương vàng. Cũng năm này, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân cao quý. |
Lộc Nguyễn