Những ngày này, trong mỗi chiến sỹ quân tình nguyện chúng tôi, kỷ niệm về những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia lại ùa về. Tôi cảm thấy nghẹn lòng khi nghĩ về những đồng đội thân yêu đã ngã xuống trên đất nước chùa tháp; bồi hồi về những kỷ niệm đã 40 năm qua nhưng vẫn còn nóng hổi, với niềm vinh dự và tự hào là chiến sỹ quân tình nguyện được tham gia chiến đấu giúp nhân dân Campuchia suốt 9 năm.
Đầu tháng 1/1979, trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, quân phản động PolPot tan rã từng mảng, chính quyền địch các cấp bỏ chạy. Những ngày sau đó bộ binh tiếp tục truy quét địch, có ngày hành quân 50-60km đường rừng. Vào mùa những cánh rừng Khộp không tìm đâu ra nước, có lần sư đoàn phải điều xe tiếp nước cho bộ đội rồi mới hành quân tiếp được.
Những năm tiếp theo, đơn vị Trung đoàn 271 làm nhiệm vụ cơ động hai cấp của Sư đoàn 302 và Mặt trận 479. Đảm nhiệm tuyến biên giới dài 490km (Campuchia-Thái Lan), sẵn sàng cơ động tăng cường cho các sư đoàn đảm nhiệm các hướng tiến công, các chiến dịch mùa khô. Tính cơ động cao trong khi mùa khô rất khắc nghiệt, đặc biệt là công tác đảm bảo nước uống cho bộ đội. Mỗi khi gặp nguồn nước, các chiến sỹ lại khoác lên vai 9-10 lít nước kèm theo quân tư trang lính vốn đã nặng. Nhiều khi không phải chiến đấu vất vả mà nhiều lần đơn vị phải chờ nước đến cấp cứu vì thiếu nước.
Mùa mưa tới, việc hành quân và truy quét địch trong nội địa Campuchia cũng rất khó khăn, bởi địa hình phẳng và chậm thoát nước. Nhưng may mắn, khi đi đến đâu quân đội ta cũng được nhân dân nước bạn hết lòng giúp sức, coi bộ đội Việt Nam như con em của mình.
Giai đoạn 1981-1987, đơn vị đóng quân ở Varin, một huyện xa xôi của tỉnh Xiêm Riệp, cứ mùa khô thì mở rộng tác chiến truy quét địch. Mùa mưa thì giúp chính quyền địa phương củng cố chính quyền, đào tạo cán bộ, phát hiện gián điệp địch đang cài cắm trong chính quyền…
Tháng 7/1984, lúc đó ở cương vị Tiểu đoàn trưởng, ông Chủ tịch xã Căn Đan trong sáng tinh mơ đến thông báo là trong đêm có 3 người dân chết bởi dịch tả. Tôi nhanh chóng triển khai lực lượng quân y, tập trung nỗ lực điều trị, ngay trong ngày hôm đó trực tiếp chữa trị cho 16 người, dịch tả dần được dập tắt trong năm đó.
Vào mùa khô 1986, ở cương vị cán bộ Trung đoàn cùng đơn vị trinh sát trở lại huyện Varin tác chiến, chúng tôi gặp lại chị Sa Nuôn. Chị mang theo nhiều trái cây, chị nói: "Trái cây của nhà trồng được, để dành mãi phần các anh bộ đội trở về...”. Chứng kiến tình cảm giản dị, mộc mạc của người dân nơi đây, ai nấy đều rưng rưng nước mắt.
Thời gian thấm thoát trôi đi, đã 40 năm kể từ ngày tháng lịch sử 7/1/1979, nhưng tình cảm Quân đội Nhân dân Việt Nam với nước bạn Campuchia không hề phai nhạt. Trước đó, tháng 12/2012 và tháng 9/2015, tôi cùng đồng đội có dịp trở lại thăm đất nước bạn, thăm lại chiến trường năm xưa.
Hơn 25 năm tôi đều ngỡ ngàng trước sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của đất nước chùa tháp. Tình cảm đồng chí chiến đấu với anh em nước bạn lại ùa về, gặp nhau ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ ôn lại những ngày "kề vai sát cánh" chiến đấu năm xưa.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng PolPot, tôi thành tâm chúc cho tình đoàn kết hữu nghị hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Đại tá Lã Văn Nho
(Tiêu đề bài viết do toà soạn đặt)
Đại tá Lã Văn Nho (SN 1955, quê Ba Vì, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Hiện ông là Phó chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, nguyên Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 271, Sư đoàn 302 (thuộc quân khu 7) cựu quân tình nguyện Mặt trận 479.
Năm 1975, theo tiếng gọi của Tổ quốc người lính trẻ Lã Văn Nho nộp đơn nhập ngũ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng đất nước.
Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, tiếng súng tưởng chừng sẽ mãi lùi xa. Nhưng trên nước bạn Campuchia, tập đoàn PolPot nổi dậy thực hiện chính sách diệt chủng, biến Campuchia thành một nhà tù lao động khổ sai.
Đầu năm 1979, theo lời đề nghị khẩn thiết của nước bạn, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, mở nhiều cuộc phản công chiến lược giải phóng thủ đô Phnom Penh, xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pốt.