Sáng ngày 20/11, tại trường ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống khoa Ngữ văn, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1956-2016), 20 năm thành lập khoa Văn học, khoa Ngôn ngữ học trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (1996-2016).
Tới tham dự có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; PGS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia Hà Nội cùng đông đảo các cựu giáo chức, cựu sinh viên, sinh viên các khóa cùng các quan khách từ các đơn vị, đoàn thể đến chúc mừng.
Là một cựu sinh viên, có mặt trong buổi lễ kỷ niệm thành lập khoa, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ không giấu nổi sự xúc động và tự hào khi nhớ lại những hình ảnh của trường, của khoa Ngữ văn mấy chục năm về trước cùng tên tuổi lẫy lừng của các thầy Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Trường, Hoài Thanh, Trương Chính,…
“Đó là những năm tháng mà trường ta, Khoa ta luôn tự hào vì là “thầy ra thầy”, “trò ra trò”, “dạy ra dạy”, “học ra học” và “chơi ra chơi”. Nhiều thầy, cô ưu tú của khoa, của trường đã trở thành hình mẫu, thành thần tượng của các thế hệ sinh viên, thành phong cách “Ngữ văn Tổng hợp”, hay gọi tắt là “Tổng hợp Văn” rất khó lẫn, khó đánh đồng với ai khác, nơi khác.
Cũng vì thế mà mới có những câu thơ dí dỏm, sâu sắc về trường “trường ta có chuyện lạ kỳ…”, mới có những mối tình “Anh ở Cổ-Cận-Dân/Em ở Cao-Xà-Lá/ Gặp nhau cuối mùa xuân/ Cưới nhau đầu mùa hạ”, mới có sinh viên Trần Côn- trầm lặng, ngạo nghễ, và lạ lẫm… hằn sâu qua bao nhiêu khóa học, đi qua muôn vàn chuyện kể của thầy và trò khoa Ngữ văn, đã trở thành như một vĩ nhân.
Cái chất “Tổng hợp văn” của khoa, của các thầy, cô ưu tú, của những anh chị sinh viên xuất sắc và có thể cả một phần nào đó chất “Trần Côn” ấy, lạ kỳ thay, lại hóa thân vào trang viết của rất nhiều khóa, lớp sinh viên khoa Ngữ văn sau khi ra trường. Họ viết văn, làm thơ, viết báo, làm xuất bản, viết nhạc, làm kịch, làm điện ảnh, sân khấu,… làm cả những nghề khác tưởng rất xa xôi với bộ môn Ngữ văn. Nhưng đọc nghĩ, ngẫm kỹ là nhận ra họ. Điều này không còn là cảm nhận, suy diễn mà là những nhận định, những kết luận….
Cái chất “Tổng hợp văn”, chất “Ngữ văn tổng hợp” đó đã giúp, đã bồi đắp, tôi luyện nên nhiều thầy, cô giáo, nhiều sinh viên trưởng thành, tạo dấu ấn và thành công trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội”.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ với các lãnh đạo trường ĐH KHXH&NV, lãnh đạo khoa Văn học và Ngôn Ngữ học về việc nghiên cứu những hướng đi mới để làm sao khi sinh viên tốt nghiệp, ra trường có nhiều cơ hội về việc làm thiết thực hơn, bắt kịp với sự phát triển của đời sống, xã hội.
Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có hoa gửi tặng chúc mừng các thầy cô, các cựu giáo chức và các thế hệ sinh viên trường.
Đỗ Huệ