Kỷ niệm nhớ đời của tôi khi suýt bị đuổi học vì đánh bạn

Kỷ niệm nhớ đời của tôi khi suýt bị đuổi học vì đánh bạn

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Thứ 2, 20/11/2017 17:13

Đã 15 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về thời học sinh, về lần suýt bị đuổi học do đánh bạn, tôi không bao giờ quên được.

Cách đây 15 năm, khi tôi còn là một cậu học sinh ngỗ nghịch còn ngồi trên ghế nhà trường. Hồi ấy, cả lớp có hơn bốn mươi học sinh, đa phần đều là những người chăm chỉ, học giỏi. Chỉ riêng tôi và một vài cậu bạn là không thiết tha sách vở, cả ngày chỉ thích trốn học đi chơi game, đi bẻ trộm xoài bên khu tập thể sát trường.

Hồi ấy, tôi bị liệt vào thành phần cá biệt. Cô chủ nhiệm lớp chúng tôi tên Trần Hải Vân, dạy Văn. Cô rất hiền, và chính vì thế mà những đứa học trò như chúng tôi chẳng một ai sợ cô cả. Giờ kiểm tra văn, bao giờ cũng vậy, mở bài, tôi luôn cố gắng viết cẩn thận, những phần sau, chỉ là chép lời bài hát.

Với một đứa chẳng thích học hành, nhất là chúa ghét những áng văn thơ lai láng, để bắt tôi viết cảm nhận về một tác phẩm nào đó, chẳng khác nào cực hình. Vì tôi luôn nghĩ “Ôi dào, đông học trò như vậy, chắc cô cũng chẳng đọc đâu. Chỉ cần viết chữ đèm đẹp, là kiểu gì cũng qua”.

Lần nào trả bài, bài của tôi cũng chỉ được 5. Chưa bao giờ biết đến điểm 6.

Cafe8 - Kỷ niệm nhớ đời của tôi khi suýt bị đuổi học vì đánh bạn

Nghề thầy giáo luôn được tôn vinh và trân trọng. Ảnh minh hoạ. 

Một lần, tôi và mấy cậu bạn rủ nhau trèo tường sang khu tập thể đằng sau trường bẻ trộm xoài. Tôi cởi phắt áo đồng phục, xung phong trèo lên hái, một lũ bạn ở dưới căng áo ra đỡ. Khi trèo xuống, phát hiện ra cái áo bị lôi ra đỡ xoài chính là áo của mình, nhựa xoài dính tèm lem lên cả.

Tôi hằn học, chửi rủa, thì một cậu bạn thách thức: “Tao đầu têu lấy áo mày đây này. Áo cháo lòng mà bày đặt như áo mới”. Máu anh hùng rơm, tôi lao vào đấm cho cậu bạn một cú giáng trời. Cậu bạn lăn ra bất tỉnh. Ngay lập tức, cả lũ nháo nhác rồi chạy về gọi thầy cô, đưa cậu bạn kia đi cấp cứu.

Cú đấm của tôi khiến bạn gãy xương mũi, phải nằm viện điều trị dài ngày, đồng nghĩa việc bị dở dang việc học. Thầy hiệu trưởng khi đó nổi tiếng là một người cương trực, thầy quyết định đưa ra một án kỉ luật để nhớ suốt đời là cho tôi thôi học.

Thầy bảo: “Không thể chấp nhận được một học sinh có thói côn đồ, ngỗ ngược”. Khi đó, dù không thích việc học hành, nhưng tôi ý thức được việc mình bị cho thôi học là một bản án nghiêm trọng thế nào. Tương lai của tôi, dường như đã mù mịt.

Tôi không khóc. Cũng chẳng dám van nài. Vì tôi biết mình là một học sinh luôn nằm trong sổ đen của nhà trường, lời nói của tôi chẳng hề có giá trị.

Thầy hiệu trưởng bảo sẽ triệu tập phụ huynh đến để cùng trao đổi tình hình. Chẳng cần để mọi chuyện phức tạp thêm, cũng chẳng đưa giấy mời cho bố mẹ, tôi tự động thu dọn sách vở và đi về. Từ hôm đó, tôi không đến trường nữa.

Cafe8 - Kỷ niệm nhớ đời của tôi khi suýt bị đuổi học vì đánh bạn (Hình 2).

Ký ức tuổi học trò bao giờ cũng đẹp. Ảnh minh hoạ.

Nghỉ học mấy hôm, bỗng cô Vân, cô giáo chủ nhiệm tới nhà và thông báo tôi đã được đi học trở lại. Mừng vui khôn xiết, tôi chạy đến ôm chầm lấy cô, không quên hỏi: “Vì sao em không bị kỉ luật”.

Cô Vân điềm đạm nói: “Cô đã mất mấy ngày để thuyết phục thầy hiệu trưởng rút lại quyết định. Vì cô biết, em là một cậu chàng nghịch ngợm, nóng nảy, nhưng trong tâm, em là người tốt. Nếu chưa tốt, việc của cô là dạy dỗ và giáo dục em nên người. Đó là trách nhiệm của những người làm thầy. Không thể đổ lỗi trò hư, mà chỉ có thể vì thầy chưa tốt”. Tôi nắm chặt tay cô thay cho lời cảm ơn, bởi khi đó, tôi chẳng biết nói thêm lời nào khác.

Cô bảo: “Em biết không? Những bài văn của em chỉ toàn được điểm 5. Điểm 5 ấy, không phải là điểm dành cho bài viết, mà là dành cho sự trung thực. Em hoàn toàn có thể gian lận, quay cóp, chép bài làm từ những sách bổ trợ, nâng cao, nhưng em đã không làm vậy. Cô đọc hết bài làm của các em, không sót chữ nào. Những bài hát em chép ở phần dưới, thực ra, cũng có phần nào nội dung thông điệp của bài giảng trong đó. Vì thế, cô để điểm 5. Cô biết em chỉ thích học Toán và Hóa, nên không thể ép em phải học giỏi văn. Cô chỉ cần ở em sự trung thực. Trung thực, mới là cái gốc để làm người”.

Sau đó, tôi được đi học trở lại, những bài kiểm tra văn, tôi không còn chép bài hát, mà cố gắng viết ra những điều mình cảm nhận. Có bài ngắn, có bài dài, và điểm tôi thường xuyên nhận được đã không chỉ là 5, mà đôi khi xuất hiện điểm 6.

Giờ đây, khi đã là một sĩ quan quân đội, được môi trường quân ngũ rèn rũa, tôi càng thấm thía hơn những gì ngày xưa cô chủ nhiệm đã nói. Vì thế, trong bất kì hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn làm những gì mà lương tâm mình cho phép. Với đồng chí, anh em, bạn bè, tôi luôn sống trung thực. Vì tôi biết, “Trung thực là cái gốc để làm người”.

Cafe8 - Kỷ niệm nhớ đời của tôi khi suýt bị đuổi học vì đánh bạn (Hình 3).

 

Mới đây, có dịp trở về thăm trường cũ, gặp lại các thầy cô đã từng giảng dạy, gặp lại cô chủ nhiệm. Thấy tôi, cô không khỏi ngỡ ngàng vì đứa học trò nghỗ nghịch khi xưa giờ đây đã trưởng thành, được đứng vào hàng ngũ của Đảng, là một sĩ quan quân đội đầy bản lĩnh. Cô ôm đầu tôi vỗ về: "Cô vui lắm. Cô biết mà. Tính cách con người là một chuyện, cái tâm con người lại là chuyện khác. Cô biết, em là người có tâm. Bởi thế, giờ đây, em cũng đã trở thành người có tầm. Cảm ơn em, vì đã chứng minh rằng cô đúng".

Mỗi năm đến ngày 20/11, lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của thời học sinh. Đó là cô Hải Vân, giáo viên chủ nhiệm. Đó là kỉ niệm về việc suýt nữa tương lai của tôi đóng sầm cửa khi bị kỉ luật thôi học. Đó là những lời răn dạy về việc làm người. Và đó cũng là những kí ức, mà suốt cuộc đời này, tôi chẳng thể nào quên.

Lạc Thành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.