Trong đó, có sự việc tôi bị hành hung, cản trở tác nghiệp Tòa soạn đã kịp thời vào cuộc, phối hợp với cơ quan điều tra khiến tôi nhớ mãi.
Cuối năm 2013, tôi phấn khích nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó, tôi rất vui mừng nhưng lại lo lắng, bởi trọng trách được giao không hề nhỏ, khi đảm nhiệm theo dõi bám sát và tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình kinh tế, xã hội nơi tôi thường trú. Biết tôi lo lắng, nhà báo Trần Thanh Thắng - Phó Trưởng Đại diện Cơ quan phía Nam - đã động viên giúp tôi vững tinh thần.
Sau khi chuẩn bị đủ những thứ cần thiết, từ TP.HCM tôi bắt đầu di chuyển thẳng về miền Tây bằng xe máy. Những ngày đầu về “vùng đất mới”, tôi gặp không ít những khó khăn trong việc nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của mình, cùng với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo Cơ quan đại diện phía Nam, tôi dần bắt nhịp, công việc bắt đầu trơn tru, thuận lợi. Hàng loạt tuyến bài phản ánh về tình hình an ninh trật tự, kinh tế xã hội,… của tôi lần lượt được xuất bản, với sự đón nhận tích cực của độc giả và các ngành chức năng tại địa phương.
Nhiều bạn đọc liên tục gọi về cơ quan Đại diện phía Nam, hoặc gọi riêng tôi khi họ có thông tin cần phản ánh. Ngày 28/1/2015, sau khi tiếp nhận thông tin một chủ tiệm vàng ở thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) có đơn phản ánh nhờ báo chí can thiệp về việc bị vợ gom nhiều vàng, tiền cùng xe SH trị giá gần 2 tỷ đồng để theo người tình trẻ, tôi đã trực tiếp đến tìm hiểu, xác minh. Tại buổi làm việc, ông P.T.T. (chủ tiệm vàng) nhiệt tình cung cấp thông tin liên quan, kèm theo hình ảnh của người vợ cùng với người tình trẻ, mong báo chí phản ánh để lấy lại tài sản nêu trên.
Tổng hợp đầy đủ thông tin, cùng ngày hôm đó, tôi khẩn trương viết bài chuyển về Tòa soạn để kịp thời xuất bản. Thứ Sáu, 30/1/2015, bài viết Chồng tố vợ ôm tiền tỷ bỏ trốn theo trai tơ xôn xao miền Tây của tôi được đăng tải trên báo có mặt trên tất cả các sạp báo của cả nước. Vụ việc gây xôn xao, nhiều bạn đọc tại miền Tây cố gắng tìm đến các sạp ở địa phương để mua báo nhưng không còn.
Niềm vui khi bài viết được độc giả đón nhận không lâu, thì trưa 31/1/2015, tức sau một ngày bài báo phản ánh, tôi bất ngờ bị ông T., người từng mong báo chí phản ảnh đã dàn dựng, hẹn tôi đến cung cấp tiếp thông tin mới, nhưng mục đích là để bắt giữ người trái pháp luật, hành hung, ép đưa tin sai sự thật, đổ lỗi cho Tòa soạn nhằm làm cơ sở kiện báo. Các đối tượng thuộc nhóm người của ông T. liên tục lăng mạ, đe dọa, thậm chí hành hung tôi.
Dù bị nhóm người của ông T. chốt cửa, tấn công, tịch thu tất cả giấy tờ và điện thoại cùng phương tiện tác nghiệp, nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh, bí mật dùng máy ghi âm dự phòng thứ hai đặt ở vị trí khó phát hiện để ghi lại. Sự việc nguy hiểm diễn ra hơn 20 phút, phải đến khi lực lượng Công an phường Cái Vồn (thị xã Bình Minh) đến hiện trường can thiệp và mời những người liên quan về trụ sở thì mọi việc mới dừng lại.
Tuy nhiên, tại Công an phường Cái Vồn, chỉ có ông T. và người chị vợ của ông, còn 3 người đàn ông hành hung không thấy đến. Chị vợ của ông T. giao toàn bộ phương tiện tác nghiệp đã “tịch thu” của tôi cho Công an phường Cái Vồn và viết giấy biên nhận trả, nhưng phủ nhận việc đánh phóng viên. Sau khi được Công an phường Cái Vồn trao trả các giấy tờ, cùng phương tiện tác nghiệp, tôi báo cáo ngay sự việc đến Cơ quan đại diện phía Nam, lãnh đạo Tòa soạn Đời sống & Pháp luật. Hàng loạt các báo có cơ quan thường trú tại miền Tây đồng loạt đưa tin vụ việc phóng viên bị chủ tiệm vàng hành hung.
Không thể chần chừ, tôi nhanh chóng trích xuất tất cả các đoạn ghi âm, cùng các chứng cứ liên quan chuyển nhanh về Tòa soạn. Đồng thời, viết đơn tố cáo về việc bắt giữ phóng viên trái quy định pháp luật gửi đến Công an tỉnh Vĩnh Long. Ngay lập tức, nhà báo Trần Thanh Thắng - Phó Trưởng Đại diện Cơ quan phía Nam - đã cử 2 phóng viên từ TP.HCM đến tỉnh Vĩnh Long trực tiếp làm việc với cơ quan điều tra. Thời điểm này, ngoài sự động viên của anh chị em đồng nghiệp cùng cơ quan, nhà báo Trần Thanh Thắng và chị Trịnh Thu Vân - Tổng Thư ký Tòa soạn (nay đã chuyển công tác) - liên tục điện thoại động viên và nắm tình hình.
Ngày 9/2/2015, Phó Tổng biên tập Đời sống và Pháp Luật Vương Tiến Thành ký công văn gửi đến Thiếu tướng Lê Văn Út - Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long (đã nghỉ hưu) đề nghị điều tra, xử lý hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí. Chỉ hơn 1 tuần sau khi nhận công văn của báo, Thiếu tướng Lê Văn Út đã chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc điều tra, xác minh xử lý.
Quá trình điều tra, xác minh diễn ra nhiều ngày liên tục, tuy nhiên sự việc bị dừng lại không như tôi mong muốn, cơ quan điều tra bất ngờ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Dù hụt hẫng, nhưng với sự quyết liệt của lãnh đạo cơ quan cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp đã tạo trong tôi một dấu ấn phó phai của người làm báo, như đã tiếp thêm động lực để tôi gắn kết với nghề và biết tiếp chặng đường phía trước, hứa hẹn chứng kiến nhiều sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước.
Cảm ơn lãnh đạo Đời sống & Pháp luật với những chỉ đạo sâu sát, luôn tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên như tôi hoạt động tác nghiệp, nhằm tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình kinh tế xã hội nơi tôi thường trú. Cảm ơn anh chị em đồng nghiệp luôn đoàn kết, gắn bó với “ngôi nhà Đời sống & Pháp luật” và đồng hành giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thanh Lâm