Tốt nghiệp đại học, tôi một mình khăn gói vào Tây Nguyên xin việc. Giai đoạn đầu ở đất khách quê người cuộc sống rất khó khăn do lạ nước, lạ cái. Đồng lương công chức ít ỏi, đời sống văn hóa tinh thần ở thời đó cũng khá buồn tẻ.
Các hoạt động vui chơi, giải trí hầu như không có gì và khá đơn điệu, Internet thì chưa có. Niềm vui duy nhất của chúng tôi lúc bấy giờ là đọc báo, xem tivi. Báo do cơ quan tôi đặt, thường là một vài tờ báo trung ương và báo đảng của địa phương.
Đọc một số báo thấy có các mục ý kiến bạn đọc, nhà nước và pháp luật hay một số chuyên mục khác có nhiều bạn đọc tham gia ý kiến, nêu quan điểm cũng như phản ảnh thực trạng hoạt động của ngành, địa phương mình được báo trân trọng đăng tải.
Lãnh đạo cơ quan động viên tôi nên viết báo để rèn luyện khả năng soạn thảo văn bản, nâng cao trình độ lý luận, khả năng sử dụng ngôn từ, lời văn để phục vụ công tác chuyên môn và có thêm thu nhập để chi tiêu lặt vặt do lương công chức quá thấp.
Thế là tôi bắt đầu viết. Viết và gửi đi tương đối nhiều nhưng không có bài nào được đăng. Một hôm thật bất ngờ tôi nhận được báo biếu do báo Nhân dân gửi. Tôi vui mừng tìm gặp ngay thủ trưởng để “khoe” nhưng khi thủ trưởng hỏi bài đăng ở đâu thì tìm mãi không thấy, mặc dù trên bì thư ghi rõ họ tên của mình!
Cuối cùng tôi cũng tìm ra và bài báo đầu tiên ấy nằm ở mục...“Thông tin đường dây nóng”. Tôi nhớ là mình viết rất dài khoảng trên 500 từ nhưng được biên tập, cắt ngắn chỉ vẻn vẹn hai dòng với chưa đầy... 40 chữ. Nhưng, niềm vui trong tôi lúc ấy thật khó có thể tả hết bằng lời.
Bắt đầu từ đó, tôi viết và gửi bài nhiều hơn cho các báo. Mỗi khi bài được đăng là tôi lại so sánh, dò từng câu, từng chữ mà báo đã biên tập, chỉnh sửa câu từ để rút ra những gì chưa logic, chưa hợp lý, chặt chẽ... để tiếp tục rèn luyện, sửa chữa khiếm khuyết nhằm nâng cao khả năng sử dụng lời văn, trình bày vấn đề sao cho mạch lạc, súc tích, dễ hiểu hơn.
Đặc biệt trong khả năng, lĩnh vực của tôi muốn viết được nhiều bắt buộc phải đọc nhiều văn bản pháp luật, đi nhiều hơn và phải quan sát, nhận định vấn đề từ nhiều khía cạnh, sâu sắc hơn. Chính vì vậy, “vô tình” đã hỗ trợ khá nhiều cho công tác chuyên môn, nghề nghiệp của tôi.
Hồi đó chưa có Internet nên cứ chiều đến là tôi lại thấp thỏm, trông ngóng nhân viên bưu điện đưa báo. Báo đến là mở ngay chuyên mục mà mình hay viết để xem mình có được đăng bài nào hay không? Mỗi khi có bài đăng là vui như tết!
Sau bài báo đầu tiên ấy đã tạo cho tôi thêm động lực để tiếp tục viết nhiều hơn, từ đó cũng giúp tôi dần hoàn thiện phương pháp nghiên cứu, kỹ năng viết, sử dụng ngôn ngữ phục vụ công tác chuyên môn được giao.
Báo chí không những trang bị, bổ sung cho tôi một lượng kiến thức rất phong phú, thiết thực, bổ ích mà còn giúp tôi có cái nhìn về sự việc, vấn đề khách quan, sâu sắc, sát đúng hơn trong cuộc sống lẫn công việc.
Nay tôi viết và được đăng nhiều hơn, đôi lúc nghĩ lại thấy rằng nếu không có bài báo đầu tiên được đăng hồi ấy chắc tôi khó có thể tiếp tục viết báo và trưởng thành như bây giờ.
Phạm Văn Chung