Bị ép buộc thành kỹ nữ
Cuộc đời của Ambapali từ khi sinh ra đã không bình thường. Cha mẹ cô không sinh ra cô mà nhặt được cô dưới một gốc cây xoài. Chính vì thế, cha mẹ nuôi của cô mới đặt tên là Ambapali (Amba trong tiếng Phạn nghĩa là xoài, còn pali nghĩa là đường dây hay cầu).
Khi lớn lên, Ambapali là một cô gái rất xinh đẹp. Các vương công quý tộc tại thành Vesalo nơi cô sinh sống ai cũng muốn lấy cô về làm vợ. Không ai chịu ai nên cuối cùng đã xảy ra một cuộc tranh chấp giữa các chàng vương công quý tộc. Người ta đã phải tổ chức cả một cuộc thảo luận lớn để xem ai nên là người thắng. Cuối cùng, họ đưa ra quyết định rằng, do quá xinh đẹp nên cô không nên thuộc về bất cứ ai đến cầu hôn mà nên thuộc về tất cả mọi người, tất cả mọi người đều có quyền sở hữu cô.
Chính vì quyết định bất công này, cô trở thành cô gái chuyên mua vui cho các vương tôn quý tộc trong cung đình. Tuy nhiên, khác với những cô gái lầu xanh thông thường khác, sự thiện lương của cô khiến cho các vương công quý tộc trong hoàng cung Vesali cảm thấy an bình. Những tiền bạc do họ ban tặng, cô đều dùng làm từ thiện, cứu giúp những người dân nghèo. Chính vì vậy, mặc dù bị người đời coi như một công cụ mua vui, song trong giới quý tộc Vesali, cô giống như hoàng hậu không ngai.
Danh tiếng của cô nhanh chóng đồn tới tai vua Vesali. Quốc vương cảm thấy, bản thân mình cũng nên có một cô gái giống như thế để tăng thanh thế và sự ảnh hưởng của mình. Chính vì thế, quốc vương tìm một cô gái trẻ trung xinh đẹp có tên là Salavati và biến thành một cô gái phục vụ những cuộc vui trong hoàng cung.
Sau đó, vẫn không thể hết tò mò về Ambapali, quốc vương quyết định tới gặp cô để biết rõ thực hư về cô gái này. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu tiên gặp, cũng như tất cả các vương công quý tộc khác, quốc vương đã bị vẻ đẹp của cô chinh phục. Không bao lâu sau khi được quốc vương sủng hạnh, cô đã mang thai đứa con của hoàng tộc Vesali.
Trong cuộc hành trình cuối cùng của mình, đức Phật đã từng dừng chân tại Vesali và ở trong vườn xoài của Ambapali. Khi biết đức Phật tới, cô đã tới gặp và làm lễ với người. Đức Phật giảng cho cô nghe về Phật pháp rất lâu. Sau buổi giảng hôm ấy, cô đã mời đức Phật cùng các tỳ kheo ngày hôm sau tới nhà mình dùng cơm chay. Nói xong, cô leo lên cỗ xe tốt nhất của mình vội vội vàng vàng rời đi.
Ambapali vội vã trở về để chuẩn bị buổi tiếp đón tăng đoàn.
Các vương công quý tộc Vesali thấy thế bèn lên xe đuổi theo hỏi cô vì sao lại phải vội vàng như vậy. Cô đáp rằng, đức Phật và tăng đoàn ngày mai sẽ tới nhà mình, vì vậy cô phải về nhà nhanh để chuẩn bị mọi thứ tiếp đón. Các vương tôn quý tộc đã đề nghị đưa cho cô một trăm ngàn đồng tiền vàng để đổi lấy cơ hội này. Tuy nhiên, cô nói rằng cho dù có đổi cả thành Vesali lẫn của cải của họ thì cô cũng không nhận.
Các vương công quý tộc tức giận, quay lại tìm đức Phật và mời đức Phật ngày mới tới nhà họ cung dưỡng. Tuy nhiên, Đức Phật từ chối và nói rằng, mình đã nhận lời tới nhà của Ambapali. Các vương công quý tộc tức giận nhưng chỉ biết giậm chân mà nói: “Chúng ta đã thua một đứa con gái vườn xoài mất rồi”.
Ngày hôm sau, khi đức Phật và tăng đoàn dùng cơm xong, cô bước tới trước mặt đức Phật nói rằng mình xin hiến toàn bộ vườn xoài của mình cho tăng đoàn. Đức Phật gật đầu đồng ý, đồng thời sau đó tiến hành thuyết pháp cho cô ngay tại vườn xoài.
Xuất gia thành “con gái” Đức Phật
Đứa con mà Ambapali sinh cho quốc vương nước Vesali được đặt tên là Vimala Kondanna. Khi lớn lên, cậu xuất gia trở thành tỳ kheo và không lâu sau chứng quả A la hán. Cậu sau đó lại quay trở lại thuyết pháp cho chính mẹ ruột của mình. Sau khi nghe được con trai khai thị, cô quyết định gia nhập tăng đoàn tỳ kheo ni, trở thành một đệ tử chính thức của Phật môn.
Ambapali lấy chính thân thể của mình làm chủ đề tu thiền, tư duy xem vì sao nó lại vô thường và chịu nhiều khổ sở như vậy. Nhờ vậy, cô cũng nhanh chóng chứng quả A la hán giống như con trai mình. Trong bài kệ làm vào những năm cuối đời, cô đã so sánh vẻ đẹp của mình ở quá khứ với sự tiều tụy ở hiện tại để thấy được sự vô thường của nhan sắc và cả cuộc đời mỗi con người.
Nhờ không ngừng tư duy nên cô dần dần nhận ra bản chất của sự tồn tại. Cô có được tri thức về 100 kiếp, nhìn thấy được những đoạn khuất lấp, quanh co trong quá trình luân hồi của mình: Lúc là kỹ nữ, lúc lại là tỳ kheo ni. Cô cũng nhìn thấy được rằng, mặc dù có lúc bị đẩy vào cảnh trầm luân song cô vẫn tích cực bố thí, làm việc thiện, nhờ vậy, mà cô có được phúc báo trong tương lai.
Bề ngoài rất xinh đẹp song vẻ bề ngoài xinh đẹp ấy không thể thoát được vận mệnh chung là sinh, lão, bệnh, tử. Tới kiếp này là kiếp cuối của Ampapali, cô đã có thể loại bỏ tất cả phiền não, đạt được vẻ đẹp bất diệt và được giải thoát. Chính vì thế, sau này, cô được người đời xưng tụng là đứa con gái chân thật của đức Phật … Trong bài kệ do cô làm lúc cuối đời cũng đã chứng minh điều này:
Dưới sự làm chứng của đông đảo chúng sinh,
Tôi đây xuất gia theo chính pháp,
Tôi đã đạt tới bất động pháp (một kiểu A la hán theo quan niệm nhà Phật),
Trở thành con gái của đức Phật.
Trong giai đoạn đầu của các tôn giáo, việc xuất hiện của những người kỹ nữ hoặc vợ lẽ đã trở thành một đặc điểm chung. Sự chuyển hóa bên trong của họ là một minh chứng rất rõ ràng rằng, cái chân, thiện, mỹ luôn luôn vượt lên và chiến thắng cái ác. Chẳng hạn như trong Kinh thánh Tân Ước có Mary Magdalene hay như Mary của người Ai Cập… Trong các câu chuyện về Đức Phật, câu chuyện của Ambapali chính là một minh chứng cho điều này.
Hồng Hoa