"Mỹ nhân" có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng
Với vẻ đẹp đậm nét Á Đông, NSND Kim Cương được coi là một trong những "tứ đại mỹ nhân sân khấu" của miền Nam những năm thập niên 1960-1970 cùng với Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kiều Chinh. Bà sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Mẹ bà, NSND Bảy Nam, được xem là "Tổ sống" của cải lương Nam Bộ, trong khi cha bà, ông bầu Đại Phước Cương, là nhân vật quyền lực của sân khấu cải lương lúc bấy giờ.
Bén duyên với sân khấu từ khi còn nằm trong bụng mẹ, tới khi sinh ra đời được 18 ngày tuổi, mẹ của bà đã bế con lên sân khấu. Năm 7 tuổi, bà có vai diễn đầu tiên trong vở tuồng "Na Tra lóc thịt". Lúc đó, bà được đánh giá diễn tuồng tự nhiên như bản năng của "con nhà nòi".
Suốt tuổi thơ của mình, Kim Cương theo cha mẹ phiêu dạt khắp các tỉnh thành. Biến cố thực sự ập đến với gia đình khi Kim Cương lên 9 tuổi. Lúc đó, đang diễn ở Phan Thiết cha bà qua đời. Gánh nặng cuộc sống và duy trì đoàn hát dồn lên đôi vai tảo tần của mẹ. Bà từng kể lại thời điểm đó, mẹ phải bán cân đai áo mão, từng miếng bạc, từng hạt thủy tinh, từng tấm phông màn… để đổi lấy gạo ăn. Đặc biệt, khi bán đến tấm màn nhung có hai chữ Phước Cương, NSND Bảy Nam đã bật khóc nức nở.
Vì cuộc sống khó khăn nên bà sớm phải xa mẹ về ở với dì Năm Phỉ tại Sài Gòn. Những tưởng cuộc sống sẽ xa rời sân khấu, thế nhưng định mệnh lại khiến bà quay trở lại và có một sự nghiệp rực rỡ. Năm 19 tuổi, khi thi trượt tú tài, bà đi Châu Đốc tìm mẹ. Khi tham gia diễn vở "Giai nhân và ác quỷ" bất ngờ tên tuổi của bà nổi như cồn và trở thành đào chính gánh vác cả đoàn hát của gia đình.
Năm 1961, giữa lúc tên tuổi được chú ý, bà lại đưa ra quyết định táo bạo khi từ giã sân khấu cải lương để đi theo con đường kịch nói và lập nên "Đoàn kịch Kim Cương" nức tiếng bậc nhất miền Nam. Trong thập niên 1970 và 1980, nữ nghệ sĩ đạt đến đỉnh cao sự nghiệp với hàng loạt vở diễn nổi tiếng như Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ…
Ngoài diễn xuất, bà còn đảm nhận nhiều vai trò như viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất… Năm 2006, nữ nghệ sĩ được nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam là Nữ nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất.
Kim Cương cũng được biết đến như một người có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như Thành Lộc, Hữu Châu và Hồng Vân… Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật, bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1988 và vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2011. Nữ nghệ sĩ từng được vinh danh với giải thưởng "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng" trong lễ trao giải Mai Vàng năm 2021.
Tận hưởng cuộc sống bình yên tuổi xế chiều
Trái ngược với sự nghiệp rực rỡ, NSND Kim Cương lại có đường tình duyên đầy trắc trở. Năm 35 tuổi, bà lập gia đình và có một người con trai, cuộc hôn nhân duy trì được 15 năm nhưng rồi kết thúc trong êm đẹp. Đến tuổi 50, bà lại rung động, nhưng sau đó mối tình này kết thúc trong hai năm.
Người con trai của NSND Kim Cương tên là Gia Vinh. Ở tuổi xế chiều, nữ nghệ sĩ tìm thấy sự an vui khi tận hưởng cuộc sống bên gia đình con trai, chăm sóc vườn tược và chơi đùa với cháu.
Kể từ khi rời sân khấu năm 2012, NSND Kim Cương sống trong một căn biệt thự rộng lớn tại TP.HCM. Ngôi nhà đã được xây dựng hơn 50 năm, trang trí tỉ mỉ tạo nên không gian ấm cúng và gần gũi cho gia đình.
Không gian bên trong biệt thự của NSND Kim Cương.
Căn biệt thự không chỉ là nơi ở mà còn là thành quả của nhiều năm nỗ lực của nữ nghệ sĩ, có thiết kế hiện đại và nhiều tiện nghi như thang máy. Bên trong căn nhà, Kim Cương trưng bày nhiều món đồ cổ quý giá, bao gồm một bức tượng có tuổi đời lên tới 200 năm. Phòng khách của bà được bày biện trang nhã, với những tác phẩm nghệ thuật và đá thạch anh, tạo nên không khí thanh lịch.
Ở tuổi 87, Kim Cương vẫn giữ được sức khỏe tốt và sự minh mẫn. Bà tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những đồng nghiệp gặp khó khăn trong nghề, thể hiện tấm lòng nhân ái và tình yêu dành cho nghệ thuật.
Tùng Lâm (t/h)