Hồi bé, mặc dù bị cha mẹ cấm nhưng bà vẫn trộm đi học bằng được đàn guitar Hawaii. Sau này, trải qua hai lần tai nạn “thập tử nhất sinh” bà vẫn gắn bó với tiếng đàn mê hoặc ấy. Thậm chí, con gái ở nước ngoài gửi tiền về để phẫu thuật sau tai nạn bà Liên cũng lấy đi mua đàn. Đã từ lâu, nghệ sĩ Bùi Bạch Liên được mệnh danh là “kỳ nữ tay ngang” bởi sự cách tân táo bạo, độc đáo, dám đem tiếng đàn tiếng đàn quý tộc đến với tầng lớp bình dân.
Kỳ nữ “ngang” nhất Việt Nam
Những ngày tháng trộm đi học đàn
Ở ngôi nhà nhỏ số 125 (đường Giải phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) lúc nào cũng văng vẳng những âm thanh trong trẻo của tiếng đàn “lạ”. Tiếng đàn thanh thoát, lanh lảnh cuốn hút người đi đường giữa phố phường ồn ào náo nhiệt. Đấy là âm thanh của tiếng đàn Guitar Hawaii của nghệ sĩ Bùi Bạch Liên.
Nghệ sĩ Bùi Bạch Liên sinh năm 1942 trong một gia đình thuộc tầng lớp “quý tộc”, có truyền thống về âm nhạc. Hồi nhỏ thường nghe anh trai chơi đàn piano, nghe chị gái hát, cô bé bị âm thanh réo rắt của tiếng đàn cuốn hút. Thế rồi, để được tận tay sờ vào những phím đàn, cô bé Bạch Liên quyết tâm học đàn học đàn piano. Bản thân bà được học hành đến nơi đến chốn và sớm được tiếp xúc với nền văn minh phương Tây. Hơn mười tuổi, cô đã tìm nghe những bản nhạc cổ điển của Udwig Van Beetthoven, Wolfgang Amadeus MoZart… Những bản nhạc như có ma lực hút hồn cô bé.
Nói chuyện với chúng tôi, bà Liên cho biết, bà đến với cây đàn guitar Hawaii cũng nhờ một chữ duyên. Một lần đi học qua phố Cửa Nam tình cờ nghe được âm thanh dạt dào lúc da diết như lời du của mẹ, khi thì êm đềm như những lời thủ thỉ tâm sự, lúc réo rắt như oán thán, trách hờn của một nghệ sĩ nào đó. Đứng lặng giữa phố phường ồn ào, âm thanh đó như miếng nam châm níu kéo đôi chân bà lại.
Nghệ sĩ Bạch Liên kể: “ Mải nghe nhạc quên cả việc đến trường. Tiếng đàn dứt đi một lúc, tôi mới trở về mặt đất. Sau đó, tôi lân la dò hỏi mới biết được đó là bản độc tấu “Trăng sáng đôi miền” do nhạc sĩ Hoàng Vân đang đánh đàn Hạ Uy Cầm”. Về nhà, tiếng đàn cứ ám ảnh bà những ngày sau đó. Suốt ngày nghệ sĩ Bùi Bạch Liên mơ tưởng theo những âm thanh déo dắt. Ngay cả trong bữa ăn động tác cầm đũa bà cũng phối theo tiếng nhạc.
Thời đó, ai chơi những loại nhạc cụ này được liệt vào thành phần “quý tộc” và bị nghiêm cấm. Có nhiều người có tiền mua đàn cũng chẳng dám đem ra biểu diễn. Ai cũng sợ liệt vào thành phần “quý tộc”, sợ bị miệt thị, xa rời quần chúng. Bố mẹ bà Liên biết con có ý định đi học loại nhạc cụ đó đã viện đủ mọi lý do, cấm đoán. “Để vui lòng bố mẹ, tôi đã thi vào ngành Tự nhiên trường Trưng Vương. Nhưng hằng ngày tôi thường mượn cớ đi học thêm, đến nhà bạn học bài rồi trốn đi học đàn. Thời gian học đàn của tôi ít ỏi, gói gọn trong thời gian mấy tiếng học thêm. Để giấu được bố mẹ, tôi đã chịu khó học bài, làm bài tập. Kết quả học tập ngày càng tốt. Bố mẹ tôi không lấy cớ gì để nghi ngờ tôi đã trộm học đàn”, bà Liên tâm sự.
Đổi đôi chân lấy cây đàn Hạ Uy Cầm
Có năng khiếu âm nhạc, bà sớm chứng tỏ tài năng. Sau này “cơ chế” thông thoáng hơn, người ta đã rộng mở tiếp nhận âm nhạc phương tây, chấp nhận tiếng đàn “quý tộc” Hạ Uy Cầm. Bà được nghệ sĩ Đoàn Chuẩn cho đi biểu diễn nhân các ngày kỷ niệm hay các phong trào cổ vũ lao động thời đó. Tuy nhiên, mỗi khi đi biểu diễn, bà luôn lấy tên Mai Lan để gia đình không biết. Đến một ngày, khi đang biểu diễn văn nhệ ở số 51 Hàng Buồm, bố mẹ bà đã bị chính tiếng đàn của con gái thuyết phục. Họ mới vỡ lẽ ra, đứa con gái “ngang bướng” của mình vẫn giấu mình đi học đàn mấy chục năm trời. “Bố mẹ tôi không những chẳng giận mà còn cho mang đàn về nhà”, nghệ sĩ Liên cười hóm hỉnh.
Sau này, không chấp nhận tiếng đàn Hawaii chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc, nghệ sĩ Bạch Liên đã chia sẻ tiếng đàn với tất cả mọi người. Bà biểu diễn từ Nhà khách Chính phủ đến “chạy sô” không công ở các quán cà phê. Những bản Sonat Ánh Trăng, Biển Nhớ, Chuồn Chuồn... đã thuyết phục được người nghe nhạc. Nghệ sĩ Bạc Liên biểu diễn để lấy tiền quyên góp, ủng hộ, chia sẻ, nối những tấm lòng yêu thương.
Sợ một ngày tiếng đàn sẽ biến mất, bà thành lập Câu lạc bộ “Đêm Hawaii – Hà Nội”. Năm 1992, CLB này được thành lập với chỉ mười thành viên. Tuy nhiên, duy trì được năm năm thì câu lạc bộ bị tan rã. Năm 1997, một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến làm bà chấn thương sọ não, chết lâm sàng bảy ngày. Nhưng thần chết đã không chiến thắng nổi nghị lực sống của bà. Tay đàn này tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và câu lạc bộ được thành lập lại vào năm 2000.
Tuy nhiên, cuộc đời thật lắm trái ngang. Sự trớ trêu của số phận lại thách thức bà lần nữa. Năm 2002, hậu quả của một vụ tai nạn giao thông đã làm gẫy ba chiếc xương sườn, gãy xương vai, vỡ đầu gối. Dành dụm được ít tiền, cộng thêm số tiền bốn ngàn đô con gái gửi từ Đan Mạch về để phẫu thuật, bà đem đi mua đàn. “Nếu được chọn lại, tôi cũng sẽ dùng tiền để mua đàn. Tôi thà đổi đôi chân để có được cây đàn. Với một nghệ sĩ, âm nhạc quý hơn tính mạng. Nếu không có âm nhạc chắc tôi không thể sống nổi”, bà Liên bộc bạch.
Có được cây đàn, ngày ngày bà tập đàn đến quên mỏi mệt, quên cái chân đau, mãi khi thấy chân tê đau mới ý thức được. Sau mỗi buổi tập đàn, bà lại tự luyện tập đôi chân để có thể đi lại. Đến năm 2006, CLB guitar Hawaii được thành lập với 10 hội viên trong đó có nhạc sĩ Hoàng Vân, khoảng 100 người đam mê âm nhạc đến với hội.
Câu lạc bộ được chuyển qua sinh hoạt ở cơ sở mới phố Phan Văn Trường (Hà Nội) vào các chiều Chủ nhật. Bà Liên tự bỏ tiền để sắm loại nhạc cụ như đàn Ocgan, đàn piano, kèn, sáo…để thỏa mãn niềm đam mê. Niềm vui của nghệ sĩ là được kết bạn với những người đam mê âm nhạc. Bà Liên vui vẻ cho biết, có cả người Việt Kiều cũng tham gia CLB khi về quê như Phạm Mạnh Đạt ở Mỹ, Phi Long (Pháp): “Ông Phi Long tặng bà cây đàn hiệu Rickentracker mua ở Pháp trị giá hơn 1000 đô la”.
Không chỉ biểu diễn ở trong nước, nghệ sĩ Bạch Liên cùng cây đàn Hawaii đã từng đi biểu diễn ở nước ngoài tại Đại hội cựu học sinh Trưng Vương vào tháng 7/2010. Sau đó, rất nhiều nơi trên thế giới đến mời bà đến biểu diễn…
Hạnh phúc đến từ tiếng đàn “lạ”
Trước đó, khi thời bình lập lại, nhu cầu thẩm mỹ của con người nâng cao, nhu cầu cảm thụ âm nhạc trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu. Nó đòi hỏi của người nghe càng cao, càng tinh tế. Do vậy, những tình khúc vượt thời gian, dòng nhạc trữ tình vẫn chiếm được vị thế của những thế hệ sau. Những tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Hoàng Giáp, Văn Cao, Trần Hoàn, Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý… cũng khiến giới trẻ yêu mến. Nghệ sĩ Bạch Liên đã đánh lên một tiếng đàn “lạ”, thổi vào những bản nhạc trữ tình bất hủ một hơi thở mới. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cổ và kim, Đông và Tây, tạo ra nét mới nhưng không mất đi bản sắc dân tộc. Nghe “Một cõi đi về”, “Biển nhớ”, “Diễm xưa”, “Nắng thủy tinh” (Trịnh Công Sơn)…sao mà xao xuyến, réo rắt, du dương cuốn hút lòng người đến vậy !
Nghệ sĩ Bạch Liên luôn tâm niệm, âm nhạc không có biên giới, không phân biệt đẳng cấp và không có giới hạn. Mỗi tiết tấu, mỗi giai điệu là một cung bậc tình cảm nói hộ những nỗi lòng sâu thẳm của kiếp người. Chính tiếng đàn guitar Hawaii đã đưa chúng tôi đến với nhau. Sau này chúng tôi mới biết, nhà thơ Cao Sơn (chồng nghệ sĩ Liên) đến với bà cũng bởi đam mê tiếng đàn của “kỳ nữ tay ngang” này.
Một tay bế con chạy giặc, một tay cầm đàn Khi đã là giáo viên đi dạy, bà vẫn lén đi học ở nhà nghệ sĩ Đoàn Chuẩn tại số 9 Cao Bá Quát (Hà Nội). Sau mỗi buổi học, bà gửi đàn Hạ Uy Cầm ở chỗ bạn. Nhiều năm sau gia đình cũng không thể biết con gái vẫn giấu mình đi học đàn. Thời kì chiến tranh, hoàn cảnh loạn lạc nhưng không bao giờ bà bỏ rơi cây đàn. Khi chạy loạn, bà một tay bồng bế con, một tay ôm cây đàn. Với nghệ sĩ Bạch Liên, cây đàn là người bạn cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn của cuộc sống, cùng trải qua biết bao gian nan, vất vả. Bà quý nó như máu thịt của mình vậy. |
Hoàng Thế Tào