Thế nhưng, họ vô cùng bất bình khi phải đến một năm sau, mới nhận được phần thưởng. Ngạc nhiên hơn khi một phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng cho người từng có công với cách mạng lại được đưa kiểu "sang tay" bởi vị… cán bộ xã.
Người chiến sỹ từng bị đày ra Côn Đảo
Ông Lê Văn Hòe (SN 1924) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm 1, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ý thức được sự khốn khó của gia đình, nên từ nhỏ cậu bé Hòe luôn chăm lo làm việc, phụ giúp cha mẹ trong việc kiếm bát gạo cho gia đình.
Ông Nhơn và nhiều người không đồng tình với cách trao bằng khen của chính quyền địa phương.
Tháng 2/1950, khi đất nước rơi vào tay giặc Pháp, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Hòe đã bỏ lại tất cả, vác ba lô lên đường nhập ngũ ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Chiến đấu được hai năm ông bị địch bắt, tra tấn dã man. Sau đó ông bị đưa ra biệt giam ở nhà tù Côn Đảo. Đó là những chuỗi ngày đau đớn nhất khi ông phải chịu hàng loạt màn tra tấn hãi hùng của quân địch. Lúc thì bọn chúng dùng điện lưới gí thẳng vào mang tai, lúc thì ông bị địch bắt để 10 ngón tay lên cục gạch. Cứ sau một câu hỏi, chúng lại đánh mạnh vào phần móng tay, mục đích là làm nhụt ý chí chiến đấu của ông. Thế nhưng, ông vẫn cắn răng chịu đựng, quyết không chùn ý chí.
Ngày 22/7/1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông Lê Văn Hòe được địch trao trả tại TP.Quy Nhơn (Bình Định). Đến năm 1955, ông được phục viên, về địa phương sinh sống. Sau khi trở về quê nhà, không như những người khác sẽ chọn cuộc sống an nhàn bên vợ con, gia đình sau những ngày tháng khổ cực trong chốn ngục tù, ông lại hăng hái tham gia vào các hoạt động của làng xã. 19 năm, ông Hòe đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong xã như xã đội phó, xã đội trưởng, phó chủ tịch xã.
Đặc biệt, từ năm 1981 đến 1983 ông Lê Văn Hòe được bổ nhiệm làm chủ tịch xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn. Ở trên cương vị nào ông cũng làm việc với tất cả lòng nhiệt huyết của mình. Với những đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến cứu nước, ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng huân chương kháng chiến chống Pháp (vào năm 1961) và chống Mỹ (1985) hạng nhất. Đó là những phần thưởng cao quý mà lúc sinh thời ông luôn trân trọng. Năm 1987, sau thời gian chống chọi với những di chứng vết thương trong khoảng thời gian chiến đấu và bị giam ở trại tù Côn Đảo, ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Những Huân chương kháng chiến mà ông Hòe được Nhà nước trao tặng.
"Tình cờ" được bàn giao Kỷ niệm chương(!)
Những chiến công của người chiến sỹ hiên ngang, bất khuất sẽ được Nhà nước ghi nhận, nhân dân luôn tưởng nhớ, tôn vinh, hơn hết ông luôn được vinh danh trong dòng tộc mình. Thế nhưng, một sự việc bất ngờ liên quan đến người chiến sỹ bất khuất đó đã xảy ra. Khoảng tháng 7/2011, gia đình ông Nhơn "bỗng" nhận được Kỷ niệm chương từ xã Sơn Giang. Kỷ niệm chương có ghi rõ: Tặng, Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù, đày theo Quyết định số 884, QĐ/TTg, ngày 15/6/2010, bằng số 457 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký tặng.
Nhưng điều đáng nói ở đây, mặc dù là một phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng, thế nhưng đại diện gia đình ông Nhơn lại nhận nó trong một dịp "tình cờ lên xã có công chuyện". "Sau khi đem về nhà, lúc đầu mọi người trong gia đình và dòng tộc rất vui mừng về phần thưởng cao quý đó, nhưng sau đó nhiều người ý kiến, ngẫm lại chúng tôi mới thấy chạnh lòng vì cách trao phần thưởng của chính quyền xã", bà Nguyễn Thị Nga (52 tuổi) vợ ông Nhơn buồn rầu nói. Bà Nga cho biết thêm: "Không những vậy, trên kỷ niệm chương có ghi rõ ngày trao tặng là 15/6/2010, thế nhưng mãi đến khoảng tháng 7/2011 bằng khen đó mới đến tay gia đình tôi".
Cán bộ văn hóa xã Sơn Giang Nguyễn Thanh Lê cho rằng: "Tôi không nhận được văn bản hướng dẫn kèm theo về cách trao phần thưởng"
"Xã không nhận được văn bản hướng dẫn từ cấp trên"
Nhớ lại dịp nhận được phần thưởng đó, ông Nhơn (con ông Hoè) trình bày: "Khoảng tháng 7/2011, khi tôi đi qua phòng văn hóa xã thì được anh Nguyễn Thanh Lê, cán bộ văn hóa xã gọi vào rồi bảo cầm Kỷ niệm chương về nhà. Lúc đó, tôi hơi ngỡ ngàng nhưng vì mừng quá, nên tôi vội cầm phần thưởng đó về thông báo cho gia đình và họ hàng".
Về nhà, khi biết phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng cho người có công với cách mạng lại được trao một cách lạ lùng như vậy, không những họ hàng của ông Hòe, mà nhiều người dân nơi đây đều tỏ thái độ không đồng tình với cách làm đó. Sự việc trên gây bức xúc cho nhiều người xã Sơn Giang.
Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên đã tìm gặp ông Nguyễn Thanh Lê, cán bộ văn hóa xã Sơn Giang, người trực tiếp đưa bằng khen của ông Lê Văn Hòe cho người con là ông Lê Hoài Nhơn trình bày: "Trước đó tôi lên UBND huyện Hương Sơn làm việc, thì được một cán bộ ở phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện đưa hai Kỷ niệm chương của hai trường hợp xã Sơn Giang là ông Lê Văn Hòe và ông Bùi Thứ.
Hôm đó, tôi chỉ nhận được phần thưởng là Kỷ niệm chương chứ không nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể nào về việc trao phần thưởng đó. Do vậy, tôi chỉ có nhiệm vụ đưa cho đại diện gia đình được nhận phần thưởng". Khi chúng tôi đề cập đến việc tại sao hơn một năm sau mới trao phần thưởng cho người được nhận, ông Lê cho hay: "Ở trên huyện thế nào thì tôi không biết, chứ tôi mới nhận nó được khoảng... 2 tháng thì trao luôn cho gia đình ông Nhơn".
Khi chúng tôi trình bày sự việc trên với ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, vị lãnh đạo này tỏ thái độ bức xúc: "Tại sao thời điểm gia đình ông Nhơn nhận bằng khen, ông Nhơn lúc đó đang làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Sơn Giang, nhưng lại không có ý kiến gì, đến khi nghỉ việc tại xã mới có ý kiến về vấn đề trên". Ông Đức nói thêm, việc anh cán bộ xã đưa bằng cho gia đình ông Nhơn, ông chưa hề nghe anh Lê báo cáo lần nào cả. Do vậy, sự việc này tôi mới nghe lần đầu. Trước lúc phóng viên ra về, vị chủ tịch xã còn nói: "Các cô còn trẻ, nên viết cái gì hay ho, viết gì ba cái này cho hư người đi (!?)".
Tìm gặp ông Phan Tiến Hùng, trưởng phòng Lao động -Thương binh & Xã hội huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), ông Hùng tỏ ra khá bất ngờ về việc trao tặng phần thưởng cao quý trên. Sau một hồi rà soát lại những bằng khen liên quan, ông khẳng định phòng không hề đưa "Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù, đày" cho cán bộ nào ở xã Sơn Giang cả. Để kiểm chứng lại thông tin, ông Hùng vội liên lạc với ông Nguyễn Thanh Lê qua điện thoại. Sau một hồi nói vòng vo, vị cán bộ xã Sơn Giang này lại trả lời người đưa phần thưởng đó cho ông là người của... phòng Nội vụ huyện, chứ không phải từ phòng Lao động - Thương binh & Xã hội, rồi vội xin lỗi rối rít vì sự nhầm lẫn.
Thất vọng về cách nói chuyện không đồng nhất của vị cán bộ xã Sơn Giang, phóng viên cố tìm gặp ông Đoàn Ngọc Phùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hương Sơn để tìm hiểu rõ về sự việc này thì được ông giải trình: "Về quy trình trao những phần thưởng cao quý của Nhà nước ban tặng, nếu chính quyền xã đó không có kinh phí tổ chức buổi lễ thì ít nhất phải trao nó trong một cuộc họp, hay buổi lễ kỷ niệm của xã trước sự có mặt của người đại diện nhận phần thưởng, chính quyền và người dân sở tại. Nhưng tốt hơn hết là phải tổ chức một buổi lễ long trọng để trao phần thưởng đó".
Đã làm sai quy trình! Về sự việc, Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày của ông Lê Văn Hòe được chính quyền xã Sơn Giang trao "ngang tay", ông Phùng cho hay: "Nếu có sự việc như trên thì chính quyền xã đã làm sai quy trình, không tôn trọng phần thưởng của Nhà nước ban tặng". |
Kim Long - Hồng Điệp