Nói là săn đỉa vì rõ ràng từ xã đến ông trưởng thôn cũng không hề có một thông báo nào cấm bắt đỉa bán nhưng người dân xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) lại buôn bán đỉa một cách lén lút, không khác gì buôn… ma túy. Trong vai người muốn mua đỉa, với chiếc áo công nhân xỉn màu, đôi dép tổ ong đen đúa cùng đồ nghề là chiếc túi dứa, chiếc cân đồng hồ loại nhỏ, PV Người đưa tin có buổi “hành nghề” như một lái buôn thực thụ.
Đỉa đang được thương lái Trung Quốc thu gom với giá cao
Khi phóng viên hành nghề... săn đỉa
5h chiều, vừa thấy một chị phụ nữ chừng 35 tuổi (xóm Ao Sen, xã Thành Công) đi bắt đỉa về, PV Người đưa tin ngỏ ý muốn mua thì được trả lời: “Bây giờ không có người mua nên dân không bắt nữa đâu”. Sau một hồi trò chuyện xa gần và tỏ ý muốn đặt mua đỉa đều đặn cho một nhà thuốc Đông y, người phụ nữ này mới đon đả: “Cô mua bao nhiêu, nếu vài cân thì đợi tôi điện cho mấy người trong làng”.
Chiếc túi vải màu đen được mở ra, liếc bên trong, chúng tôi thấy nhung nhúc những đỉa. Chưa kịp mặc cả giá thì thêm hai người phụ nữ xuất hiện, thế là cả ba người họ nói với nhau bằng tiếng dân tộc (Sán Dìu). Người phụ nữ bán đỉa khi nãy vừa chỉ tôi vừa nói tôi là công an. Ngay sau đó, họ đem túi đỉa khi nãy giấu đi và phân trần rằng giờ đỉa hiếm, đi bắt bán không đủ tiền xăng xe.
Nếu ở một số địa phương như Nghệ An, TP HCM…, việc người dân bắt đỉa bán xuất sang Trung Quốc rầm rộ, công khai thì tại Thái Nguyên, việc mua bán đỉa lại diễn ra khá kín đáo. Cả người bán, người thu gom đỉa đều cảnh giác cao độ, hễ xuất hiện sự có mặt của người lạ là họ lập tức chuyển địa điểm thu gom đỉa. Lỡ hỏi một, hai thông tin quanh chuyện đầu mối lớn mua đỉa là ai để đem bán thẳng, không qua trung gian, tôi nhận được chừng dăm, bảy ánh mắt dè chừng của người cân đỉa. Vừa đưa ánh mắt sắc lẹm về phía chúng tôi, người gom đỉa phán câu xanh rờn: “Nói ra để các anh báo công an bắt chúng tôi à?”.
Thậm chí, tôi có cảm giác, người dân đi bán đỉa mà chẳng khác nào đang giao dịch hàng cấm. Người nào cũng dáng vẻ vội vã, lén lút, dù tôi đã đi cùng một trong số những người sống tại làng nhưng những mối thu gom đỉa nhất quyết không cho tôi theo chân tới gặp chủ (đầu mối lớn nhất gom đỉa trước khi bán sang Trung Quốc). Câu cửa miệng của họ là: “Cho chị đi để chủ cắt mối làm ăn với chúng tôi à, người lạ không ai được theo cả…”.
Theo khảo sát của PV, cả 4 xóm Ao Sen, Vạn Phú, Nhội, Hạ Đặt của xã Thành Công, người dân đều đổ xô bắt đỉa bán. Người dân ở 4 thôn hầu hết là người dân tộc Sán Dìu. Anh Phạm Văn Hiệu (xóm Ao Sen) kể: “Ban đầu chỉ là vài người đi bắt đỉa, đến nay thì gần như cả làng đi. Ngày nào cũng đến 4 - 5h chiều là lái buôn đến mua và cân tại đường, địa điểm mua cũng nay đây mai đó. Hồi đầu, có ngày tôi kiếm được 3 – 4 triệu đồng, nay thì ngày được chừng 400 – 500.000 đồng”. Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Chương (trưởng thôn Nhội, xã Thành Công), có gia đình cả nhà đi bắt đỉa bán kiếm 10 triệu đồng/tháng, có người đi bắt đỉa bán nửa tháng thì sắm được xe máy, ti vi. Những khoản thu kếch xù đó làm số người đi bắt đỉa càng ngày càng nhiều thêm.
“Bám càng” một lái buôn tên Đ. (xã Thành Công, huyện Phổ Yên) thu mua đỉa và tìm đủ mọi cách trở thành một dân buôn đỉa chính hiệu, núp bóng người buôn ếch, tôi đã đột kích được vào sào huyệt của lãnh địa đỉa lúc nhập nhoạng tối. Ngã ba xóm Nhội là một trong số các địa điểm mà lái buôn cân đỉa hàng ngày. Chừng 15 phút lại có người tấp xe vào ngã ba, đổ túi đỉa ra sàn xi măng lổm nhổm. Lái buôn Đ. đi gang tay, dùng một tấm vải khô đánh đánh, vo tròn cả đống đỉa vào nhau, nước trong con đỉa túa ra sàn xi măng nhớp nháp. Đỉa sau khi vo thì được cho vào túi bóng cân xong thả ra túi vải, các lái buôn còn cho nước để khi bán cho nặng cân. Nếu đỉa nhiều, anh Đ. không kịp vo tròn thì chúng bò lổm ngổm ra xung quanh. Trời tối nên lỡ con đỉa nào bò đi xa anh cũng mặc. Bọn trẻ con ban đầu háo hức xem, khi nghe thấy đỉa bò ra thì chạy biến. Chị Ma Thị Hường (xóm Nhội, xã Thành Công) tỏ ý lo lắng: “Đỉa bò ra ngoài lỡ vào giếng ăn sinh sôi thì nguy hiểm lắm”. Có những cô, những chị đi bắt đỉa được nhưng lúc bán lại không dám nhìn vì nhiều quá.
Vừa mua xong của hai người được 1,4kg đỉa, lái buôn Đ. nghe điện thoại của mối hàng khác ở xóm bên rồi phi xe đến mua. Lái buôn Đ. cho biết, mỗi một ngày anh mua chừng hơn 10kg đỉa tươi. Mỗi nơi, lái buôn Đ. chỉ dừng mua chừng vài phút.
Sáng hôm sau, trong tay sẵn có địa chỉ của một vài mối thu gom đỉa của xóm Ao Sen mà Đ. tiết lộ, tôi tìm tới để tận mục sở thị. Vừa dứt lời hỏi mua đỉa, người phụ nữ tên Kim (xóm Ao Sen) trâng tráo chỉ tay quát: “Ai bảo các cô là nhà tôi mua bán đỉa, ở đây không có mua bán đỉa bao giờ hết. Đi ngay cho tôi nhờ”. Ngay lúc đó, một vài người lạ dừng xe đạp xách theo một túi vải nhỏ màu đen tới, Kim ra hiệu cho họ đi về. Cụ Phạm Văn Ích (xóm Ao Sen) cho biết: “Gia đình chị Kim là một trong số những người thu gom đỉa sớm nhất tại đây. Có khi thấy người lạ nên chị ta tưởng công an đến bắt. Trước đây, công an xã đóng giả người cắt cỏ để bắt mấy thanh niên nghiện nên họ đề phòng lắm. Các lái buôn nháy cho nhau là không bao giờ bán đỉa cho người lạ, họ còn nhắc dân làng, ai đến hỏi mua cứ nói không biết, không có đỉa bán. Ngoài các mối hàng quen biết, họ nhất quyết không bán cho người lạ”.
Cụ Ích cũng tiết lộ cho PV Người đưa tin những cách bắt đỉa kỳ dị của người dân. Ngoài cách bắt thông thường là dùng một chiếc rổ hay vợt nhỏ để xúc đỉa, người dân còn mang trâu, bò cho đằm vào những con mương ngập nước để những con đỉa to, dài, vàng óng bám vào rồi bắt. Để bắt được nhiều đỉa, người dân mua tiết heo đổ xuống nước, đỉa đánh hơi thấy mùi máu thì bơi đến nhung nhúc. Chưa hết, theo người dân, đỉa bao giờ cũng thèm hơi người nên họ sắn cao quần, lội hàng giờ dưới mương để đỉa bám vào chân. Trẻ con cũng nhảy xuống hồ cho đỉa bám vào người rồi gỡ đem bán. “Chưa bao giờ ở cái vùng hẻo lánh này, những ông già chăn trâu như tôi, những đứa trẻ vắt mũi chưa sạch lại có thể kiếm được cả bạc triệu mỗi ngày, bà con ai cũng vui mừng, có người còn nảy ra sáng kiến xây bể nuôi đỉa bán nữa”, cụ Ích nói.
Một kg đỉa bằng tấn thóc
Đó là câu trả lời của một người bán đỉa tên H. (xóm Nhội, xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) mà chúng tôi gặp. H cho biết: “Thời gian đầu, người dân các xã bên kéo đến xóm bắt đỉa, thấy họ bảo bán cả gần triệu bạc một cân, cả làng cũng đổ xô đi bắt đỉa bán. Đỉa mà chúng tôi bán cho thương lái giá từ 650.000 – 900.000 đồng/kg nhưng tôi nghe nói khi đỉa được chuyển qua cảng sang Trung Quốc thì giá lên tới 10 triệu đồng/kg!?”.
Khi được hỏi người dân có biết các thương lái thu mua đỉa làm gì không thì họ đều lắc đầu, trả lời nhát gừng: “Nghe đâu làm thuốc chữa viêm khớp”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chương (trưởng xóm của xóm Nhội, xã Thành Công) thì đỉa được dùng làm cả xúc xích (?). Thậm chí, bên chén trà cà kê, những mối đưa hàng qua cửa khẩu Lạng Sơn qua Trung Quốc còn truyền tai nhau: “Trung Quốc thu mua đỉa làm giấy, sau đó bán qua Việt Nam. Giấy đó cho dù có đốt thành tro, đem vãi ra ruộng lúa thì đỉa lại sống lại và sinh sôi nảy nở như thường (?)”.
Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Văn Chương (trưởng thôn Nhội, xã Thành Công) cho biết: “Phong trào bắt đỉa bán của người dân đã rộ lên chừng ba tháng nay, đa số người buôn đỉa là các lái buôn mua ếch, nhái, cóc trước đó. Tôi cũng không biết chính xác đỉa được dùng làm gì và tuồn đi đâu, chỉ nghe loáng thoáng là bên Trung Quốc mua làm thuốc. Phía xã chưa có quy định nào cấm buôn bán đỉa nhưng tôi cũng lo ngại rằng hiện tượng thu gom đỉa sẽ lại đi theo vết xe đổ của nạn ốc bươu vàng nhiều năm trước nếu tình trạng mua bán tràn lan”. Ông Chương còn kể, nhiều người vùng dân tộc còn truyền tai nhau thông tin đỉa được nuôi bằng một loại thức ăn riêng, sinh trưởng và đẻ nhanh.
Ông Nguyễn Trọng Tuyên, phó chủ tịch UBND xã Thành Công lại cho rằng, tại xã không hề có hiện tượng người mua bán đỉa. Khi PV nói rằng đã trực tiếp tìm hiểu, chứng kiến việc mua bán tràn lan, vị cán bộ này mới cho biết: “Phía xã sẽ báo cáo công an huyện để ngăn chặn nạn mua bán đỉa tràn lan”. Theo ông Tuyên, đây là vấn đề liên quan đến môi trường địa phương, phải tuyên truyền cho bà con hiểu trước khi trở thành đại dịch.
Yến Dương