Kỹ sư “hai lúa”
Huyện Krông Pa, nằm cách trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn 150km. Nơi đây, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt được nhiều người hay gọi với cái tên “chảo lửa” Krông Pa. Cuộc sống của người dân nơi đây, phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng chủ yếu là lao động thủ công, hiệu quả công việc thấp, năng suất cây trồng kém.
Cũng chính vì những trăn trở đó, sau bao nhiêu ngày tháng mày mò, ông Phạm Văn Bình (SN 1978, ngụ thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đã sáng chế ra nhiều máy móc nông nghiệp thiết thực, giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động. Bởi vậy, người dân trong vùng luôn biết ơn, hay gọi ông với cái tên thân mật kỹ sư “hai lúa” đại tài.
Vào một ngày cuối tuần, chúng tôi có dịp tìm về “chảo lửa” Krông Pa gặp gỡ kỹ sư “hai lúa”. Quả thật vậy, dù mới chớm trưa, nhưng nơi đây trời nắng gắt, từng làn gió mang theo luồng khí nóng táp vào mặt. Trò chuyện với chúng tôi, ông Bình cho kể, sinh ra ở tỉnh Thái Bình. Năm 1985, ông cùng gia đình vào huyện Krông Pa định cư và gắn bó với vùng đất “chảo lửa” này đến nay.
Cũng nhưng bao gia đình khác, kinh tế của gia đình ông chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Xuất thân là con nhà nông, ông hiểu rõ những cực nhọc, đặc biệt là việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây mía, mì, thuốc lá, rau xanh rất độc hại. Mỗi lần phun thuốc, người nông dân phải đeo trên vai bình thuốc nặng 15-20kg nên rất vất vả, hiệu quả lao động không cao, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trăn trở về điều này, năm 2013, ông Bình bắt tay chế tạo máy phun thuốc gắn trên xe máy. Thiết bị này gồm một máy rửa xe, một bộ khung sắt, bộ nhông sên gắn vào xe máy và 2 bình chứa dung tích 60 lít treo hai bên xe máy. Máy có thể tháo lắp dễ dàng với giá thành chỉ 2,5-3 triệu đồng/bộ. Với máy phun thuốc này, mỗi người có thể phun được 5-7ha/ngày.
Ông Bình chia sẻ: “Để nghiên cứu chế tạo chiếc máy này, tôi phải mất cả tháng trời. Bình thường người sáng chế sẽ có bản thiết kế đàng hoàng nhưng tôi sáng chế theo kiểu nghĩ đến đâu thì làm đến đó nên phải tháo ra, lắp vào, thay đổi hàng chục lần mới hoàn thiện. Việc chế tạo thành công chiếc máy này là động lực để tôi theo đuổi những ý tưởng sáng tạo mới”.
Tiếp đó, từ những trăn trở của những hộ dân trồng rau xanh, diện tích nhỏ, máy phun thuốc cho cây mỳ, cây mía quá lớn không thể sử dụng tại ruộng rau xanh, dưa hấu được.
Từ đó, ông mày mò, nghiên cứu và chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa sử dụng điện năng lượng mặt trời đã ra đời vào tháng 12/2020. Với chiếc máy này, người nông dân có thể điều khiển từ xa để tắt, mở máy, thu dây. Máy được thiết kế gồm một khung xe rùa, một bộ điều khiển tắt mở từ xa 12 V, một líp xe đạp, một bình ắc quy 12 V, một tấm pin năng lượng mặt trời, mô tơ bơm thuốc, can nhựa 30 lít và một số linh kiện khác.
“Ưu điểm là máy nhỏ gọn, di chuyển dễ dàng trên chiếc xe rùa, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều người. Đối tượng khách hàng mà tôi hướng đến là bà con ở vùng sâu, vùng xa, những khu vực có diện tích chật hẹp hoặc không có điện. Giá máy phun thuốc do tôi thiết kế đều rẻ hơn 2-2,5 triệu đồng so với các loại máy trên thị trường”, ông Bình cho hay.
Tại vùng đất Krông Pa, mỳ là cây trồng chủ lực của huyện. Hàng năm, toàn huyện trồng trên 22.700ha mỳ. Trước khi vào vụ trồng mới, bà con phải chặt hom mỳ bằng tay rất tốn công lao động. Một số hộ có điều kiện thì dùng cưa máy, máy cắt để cắt hom mỳ, nhưng cách này làm hom mì thường bị dập và rất dễ xảy ra tai nạn lao động.
Để giúp người dân tiết giảm nhân công chặt hom mỳ giống, ông Bình tiếp tục sáng chế thành công chiếc máy cắt hom giống cây mỳ sử dụng năng lượng mặt trời. Với chiếc máy này, tốc độ cắt hom nhanh gấp 10 lần so với làm thủ công.
Sáng chế để đời
Theo ông Bình: "Từ năm 2013 đến nay, các loại máy mà tôi sáng chế đều có giá thành chỉ 2-5 triệu đồng/chiếc nhưng giúp người nông dân giảm được rất nhiều nhân công lao động. Đến nay, tôi đã sản xuất hàng trăm chiếc máy các loại cung cấp cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Năm tới, tôi tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy chẻ nan tre cắm cho cây dưa hấu và máy gieo hạt bắp bằng xe máy".
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Thoát (tổ 10, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho biết: “Trước đây, tôi đeo bình phun thuốc cho mía, mì thì chỉ được 2ha/ngày. Nhưng từ ngày có máy phun thuốc gắn trên xe máy của anh Bình, việc phun thuốc nhàn hẳn, chỉ cần 1 giờ đồng hồ là phun xong 1ha, lại đỡ bị thuốc bám vào người. Chiếc máy cắt hom giống cây mì cũng vậy, vừa an toàn, vừa nhanh hơn 7-10 lần chặt thủ công. Tôi thấy những sáng chế của anh Bình rất hữu ích”.
Ông Nguyễn Đình Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa cho biết: “Ông Bình luôn tích cực tham gia các phong trào và là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Đặc biệt, ông Bình rất chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và đã sáng chế được nhiều máy móc hữu ích hỗ trợ cho người nông dân. Các sáng chế của ông Bình đã được nhiều nông dân ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Điều này càng có ý nghĩa khi giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hy vọng thời gian đến, ông Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu và sáng chế thêm các loại máy móc giúp ích cho nông dân”.
Ông Nhung cho biết thêm, ông Bình đạt được nhiều giải thưởng khi tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh.
Cụ thể, năm 2017 đạt giải ba với sáng chế “Máy phun thuốc BVTV sử dụng bằng xe động cơ xe máy; năm 2019 đạt giải ba với sáng chế “Máy phun thuốc BVTV gắn trên xe máy sử dụng bằng điện năng lượng mặt trời”; năm 2023 đạt giải ba và giải khuyến khích với 2 sáng chế “Máy phun thuốc BVTV có điều khiển tắt mở từ xa sử dụng điện năng lượng mặt trời”, “Máy cắt hom giống cây mì tự động sử dụng điện năng lượng mặt trời.