Đi bộ vài 3 cây số đến trường học con chữ
Giữa những ngày tháng 8 nắng như đổ lửa, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin có dịp công tác cùng đoàn thanh niên trường Đại học Nội vụ Hà Nội đến với bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa trước thềm năm học mới.
Xem video: Cung đường uốn lượn đến với trẻ em vùng cao Quan Hoá
Cách trung tâm huyện Quan Hoá khoảng 40km, chúng tôi có đến với bản Suối Tôn – nơi được gọi là bản người Mông đặc biệt khó khăn của huyện. Trải qua các phương tiện di chuyển từ đường quốc lộ vào bản như: Xe máy, xe tải, đi bộ… với những cung đường uốn lượn. Cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến được điểm trường tiểu học Phú Sơn, khu Suối Tôn nằm ở lưng chừng đồi.
Ấn tượng đầu tiên của phóng viên, khi đặt chân đến với điểm trường này là hình ảnh có rất đông các em học sinh tiểu học đứng ùa ra trước cổng trường. Có lẽ, lâu rồi các em mới lại nhìn thấy “người lạ”. Trong rất nhiều em nhỏ ấy, phóng viên đặc biệt ám ảnh với một bé trai có gương mặt và mái tóc trắng bệch, hỏi ra mới biết em bị bệnh bạch tạng, hệ quả của tình trạng kết hôn cận huyết tồn tại nơi đây.
Và một hình ảnh khiến nhiều thành viên đoàn công tác không khỏi xót xa đó là khoảnh khắc bé gái người nhỏ xíu, đi chân trần địu em trên lưng. Em bé chắc khoảng vài ba tháng tuổi nằm ngoan trên lưng chị, dù thời tiết ngoài trời nắng chang chang. Có lẽ, cái đói, cái nghèo đã khiến những đứa trẻ ấy chịu thiệt thòi, không được bố mẹ chăm sóc đầy đủ.
Trao đổi với phóng viên, thầy Lê Xuân Đông, giáo viên trưởng khu Suối Tôn cho biết: “Ở đây, điều kiện đường sá vô cùng khó khăn, dân cư tập trung thưa thớt, học sinh di chuyển đến trường rất xa, có em hàng ngày phải đi bộ 3-4 cây số thì mới đến được điểm trường. Thêm nữa, đời sống bà con còn khó khăn, cha mẹ các em không có điều kiện để chăm sóc, đầu tư cho các em học tập, sách vở thiếu thốn nên thầy cô phải huy động, quyên góp cung cấp sách vở cho học sinh. Các em học sinh ở đây được chia làm 5 lớp, mỗi lớp có khoảng 15 học sinh”.
Hơn 10 năm công tác tại điểm trường này, thầy Lê Xuân Đông cho biết bản thân thầy cũng có nhiều câu chuyện ấn tượng với các học sinh nơi đây: “Cách đây 4 năm trở về trước, có một em học sinh tuy không được chăm sóc từ phụ huynh, tự nấu cơm mang đi. Nhưng, bằng nỗ lực em đã thi đỗ xuống học trường nội trú ở dưới huyện, đây là cậu học trò mà tôi ấn tượng nhất”.
Mong mỏi các học sinh có điều kiện tốt hơn
Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, các thầy cô cắm bản ở đây đều chia sẻ, các em học sinh khi đến trường học chỉ mang theo tí cơm trắng và muối trắng. Vì thương các con, nên các thầy cô ở đây lại đi quyên góp, trích một phần tiền của mình để bữa trưa nấu thêm mỳ tôm cho các con ăn thêm.
“Chúng tôi rất thương các con, nhưng quả thật ở đây trình độ dân trí còn thấp, còn khó khăn nên không có gì để giúp đỡ được các bé. Chưa kể, các thầy cô còn phải đến tận nhà để vận động các con đến lớp. Chỉ mong sao các con biết chữ, không bỏ học giữa chừng”, thầy Lê Xuân Đông cho biết.
Cũng là một trong những đoàn trường có hoạt động tích cực trong công tác thiện nguyện, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về lý do đến với điểm trường này. Thầy Trương Quốc Việt, Phó Trưởng Khoa Hành chính học, Bí thư Đoàn trường đại học Nội vụ Hà Nội cho biết: “Thông qua Hội chữ thập đỏ huyện Quan Hóa, chúng tôi biết được bản Suối Tôn thuộc xã Phú Sơn, huyện Quan Hoá có điều kiện đặc biệt khó khăn. Nhu cầu của điểm trường Suối Tôn muốn có một bếp ăn của trường mầm non. Vì vậy, chúng tôi đã xin ý kiến của ban giám hiệu nhà trường cho phép được tiến hành hoạt động thiện nguyện, kết hợp giữa nguồn lực của nhà trường và kêu gọi các tổ chức, cá nhân để cùng tham gia xây dựng công trình bếp ăn của trường mầm non. Sau hai tháng vận động, quyên góp, khởi công, bếp ăn đã được hoàn thành. chúng tôi hy vọng phần nào giúp các thầy cô và các em học sinh nơi đây có một năm học tốt”.
Chia sẻ cảm xúc của mình cũng như các sinh viên trong chuyến đi, thầy Trương Quốc Việt bày tỏ: “Mỗi một chuyến đi đều để lại những cảm xúc rất khác biệt. Lần này, đến với bản người Mông rất khó khăn, tôi nhận thấy các em sinh viên đã cảm nhận được thực tiễn vất vả của bà con nơi đây. Thông qua hoạt động này, tôi mong muốn các em sẽ tiếp tục chia sẻ và lan toả thông điệp yêu thương, hướng thiện đến mọi người, đặc biệt với những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn hơn mình”.
Một số hình ảnh xúc động, ấn tượng xuyên suốt hành trình:
Trăn trở vì những học sinh thân yêu
“Xã Phú Sơn thì có bản Suối Tôn là điểm khó khăn nhất, các em học sinh ở đấy chủ yếu là người Mông, 100% là hộ nghèo, mỗi gia đình đều có rất đông con nên con em đến trường rất vất vả. Công tác trong ngành giáo dục, chúng tôi chỉ mong sao các con có điều kiện tốt hơn. Về điểm trường Suối Tôn, năm 2017-2018 xã đã dành được nguồn kinh phí xây dựng 2 phòng học thay thế nhà tranh tre, nhưng còn sân chơi cho trẻ mầm non thì chưa có điều kiện, tôi rất trăn trở vì điều này”, bà Phạm Thị Dần, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá thông tin thêm.