Lần thứ 5 gửi đơn kêu gọi ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương
Sau hơn chục ngày xét xử sơ thẩm vụ án làm 18 người bệnh đang trong ca chạy thận gặp tai biến, 9 người trong đó đã tử vong, là vụ tai biến kinh khủng nhất trong lịch sử hơn 40 năm thực hiện kỹ thuật lọc máu nhân tạo, điều trị cho người bệnh suy thận mãn ở Việt Nam, chiều 29/5, HĐXX TAND TP.Hòa Bình nhận thấy có dấu hiệu vi phạm quy trình tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều tình tiết bằng chứng mới không có khả năng làm rõ tại toà... nên tuyên bố trả hồ sơ cho VKSND TP.Hòa Bình điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan.
Ngày 28/11, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình lần thứ 3 hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án hình sự, đề nghị truy tố 7 bị can. Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị truy tố các bị can: Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) và Hoàng Công Lương (nguyên là bác sĩ khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình) về tội Vô ý làm chết người.
5 bị can còn lại là Trần Văn Sơn (nhân viên phòng Vật tư), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư), Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn) bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
So với kết luận điều tra bổ sung 2 lần trước đó, bản kết luận lần thứ 3 bổ sung thêm 2 bị can: Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình); Đỗ Anh Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn).
Trước việc bác sĩ Hoàng Công Lương nhiều lần bị thay đổi tội danh, từng bắt tạm giam rồi cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú... rồi bị đề nghị truy tố về tội Vô ý làm chết người, 18 gia đình nạn nhân (có 9 nạn nhân đã tử vong) đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng đề nghị trả tự do cho bác sĩ Hoàng Công Lương, để bác sĩ tiếp tục công việc chữa bệnh.
Theo các gia đình nạn nhân, nguyên nhân vụ tai biến là do nguồn nước RO bị nhiễm độc sau quá trình bảo hành bảo trì, không phải do lỗi tắc trách của bác sĩ Lương. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, các đồng nghiệp y khoa đang kêu gọi chữ ký ủng hộ bác sĩ Lương. Tính đến chiều 5/12 đã có gần 20.000 chữ ký điện tử và gần 16.000 chữ ký trên giấy được gửi đến. Trong số người ký tên có 18 gia đình nạn nhân.
Đây là lần thứ 5 trong khoảng một năm rưỡi qua, các gia đình nạn nhân gửi đơn kêu gọi ủng hộ cho bác sĩ Hoàng Công Lương.
Hàng nghìn chữ ký có thể coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương) cho biết: Chiếu theo quy định khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015: “Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án”.
Cũng theo luật sư Biên, từ đây có thể thấy việc 18 gia đình nạn nhân, đồng nghiệp y khoa và người dân khắp nơi ký gần 16.000 chữ ký giấy, gần 20.000 chữ ký điện tử để ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương là một tình tiết giảm nhẹ khác để tòa xem xét, ra phán quyết công minh, công bằng đối với bác sĩ Hoàng Công Lương.
Theo luật sư Biên, động thái này từ dư luận xã hội thể hiện họ rất quan tâm tới vụ án và có những nhìn nhận, đánh giá riêng của bản thân về sự cố xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nhiều người nhìn nhận vụ án dưới góc độ bác sĩ Hoàng Công Lương không phải chịu trách nhiệm về tội Vô ý làm chết người như kết luận của cơ quan điều tra bởi hành vi này không có mối quan hệ nhân quả đối với hành vi điều trị của bác sĩ Lương, cũng như không có mối quan hệ nhân quả đối với việc tác động đến lượng tồn dư hóa chất ở hệ thống lọc nước RO và cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai.
Luật sư Biên cho hay, nhiều bác sĩ làm nhiệm vụ điều trị khám chữa bệnh cho các bệnh nhân cảm thấy lo ngại, bất an. Nhiều bác sĩ tâm sự trên trang facebook cá nhân rằng họ sẽ luôn có thể bị khởi tố bất cứ lúc nào nếu trong quá trình điều trị cho bệnh nhân chẳng may xảy ra sự cố nào đó. Trong khi chức năng nhiệm vụ của họ chỉ là điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân, không buộc họ phải có trách nhiệm trong những lĩnh vực khác.
“Đây có thể là một tiền lệ xấu, dẫn tới tâm lý bất an cho các bác sĩ, khiến họ không yên tâm, tập trung khi thực hiện nhiệm vụ của mình”, luật sư Biên nói.