Cụ thể, hôm nay (ngày 21/4), bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 khi mà học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid -19. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.
Đây là lần thứ hai từ đầu tháng 4/2020 đến nay, bộ GD&ĐT trình Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức thi THPT năm nay.
Theo đó, bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 và như vậy vẫn quyết tâm tổ chức kỳ thi vào giữa tháng 8 bên cạnh tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, dù vẫn tổ chức thi nhưng tên gọi của kỳ thi sẽ là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì "thi THPT Quốc gia" như trước. Theo đó, mục đích của kỳ thi là tập trung xét tốt nghiệp, nhằm đánh giá mặt bằng chung học sinh cả nước. Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm về khâu tổ chức thi, chấm thi tự luận.
Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi cho kỳ thi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi và tiếp tục chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Điều cần tính toán là sẽ tổ chức thi như thế nào để giảm áp lực cho học sinh.
Với mục tiêu xét tuyển đại học, năm nay các trường đại học sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng luật Giáo dục đại học trên tinh thần các trường đã có sự chuẩn bị lâu nay.
Trước đó, như Người Đưa Tin Pháp luật đã thông tin, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học kéo dài, nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo đề xuất bộ GD&ĐT cần tính toán lại phương án thi THPT Quốc gia hoặc có thể tính đến việc bỏ kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, giao kỳ thi để công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương hoặc nhà trường.
Đồng thời, rất nhiều trường đại học đã sẵn sàng phương thức tuyển sinh riêng để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhanh chóng chủ động điều chỉnh đề án tuyển sinh cho phù hợp, không quá phụ thuộc vào kỳ thi THPT Quốc gia, đồng thời, vẫn đảm bảo cân đối giữa số lượng và chất lượng.
Trong đó, trường đại học Bách khoa Hà Nội đã “nổ phát súng” mở màn trong việc chủ động kế hoạch tuyển sinh năm nay, công bố đề án tuyển sinh sớm nhất.
Theo đó, bên cạnh những phương thức tuyển sinh như các năm trước, năm nay trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, thực hiện song song và độc lập với các phương thức còn lại. Kỳ thi riêng này sẽ tuyển sinh khoảng 70% chỉ tiêu hệ đại học chính quy của từng khối ngành (không quá 80%). Tỷ lệ này có thể thay đổi trong trường hợp có sự biến động lớn về kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
Thí sinh là học sinh THPT trên toàn quốc dự vòng sơ tuyển theo kết quả học tập tại bậc THPT, sau đó, làm bài thi được thiết kế phù hợp trình độ THPT, có tính phân loại. Mục tiêu bài thi nhằm kiểm tra kiến thức, năng lực của học sinh. Các thí sinh sẽ thực hiện làm 3 môn/bài thi trong 1 buổi duy nhất, vào chiều 25/7, tại trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngay sau đó, hàng loạt các đại học, trường đại học khác cũng chuẩn bị những phương án dự trữ, sẵn sàng kịch bản không có kỳ thi THPT Quốc gia 2020. Đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, đại học Đà Nẵng, trường đại học Kinh tế Quốc dân,... đều hướng đến tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Những ngày vừa qua, đã có một số địa phương cho học sinh THPT hoặc riêng học sinh khối 12 quay trở lại trường, sau khi rà soát và đảm bảo môi trường học đường an toàn cho học sinh và giáo viên, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được ôn thi tốt nhất, sẵn sàng kiến thức và tinh thần cho kỳ thi. Nếu dịch bệnh được khống chế tốt và không phát hiện thêm những ca nhiễm mới, các địa phương trên cả nước có thể cho học sinh quay trở lại trường trước ngày 15/6.
Đặc biệt, trong tháng 3/2020, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội) đã viết thư đề nghị Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định về kỳ thi THPT Quốc gia 2020, chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội để giảm áp lực cho học sinh và xã hội.