Điểm thi môn Lịch sử tiếp tục “đội sổ”
Theo thống kê của bộ GD&ĐT, cả nước có 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử. Đây là môn thi có kết quả thấp nhất trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội nói riêng và so với tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 năm nay nói chung.
Cụ thể, cả nước có 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử, nhưng có tới 399.016 bài thi điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ tới 70,01%.
Điều đáng chú ý là, có 395 thí sinh bị điểm liệt (từ 0 đến 1 điểm) môn Lịch sử. Mức điểm trung bình mà thí sinh đạt được chỉ 3,75.
So với năm 2018, điểm thi môn Lịch sử có cải thiện chút ít, nhưng vẫn khiến nhiều người lo lắng khi học sinh ngày càng thờ ở với môn học này.
Năm 2018 điểm trung bình của môn Lịch sử là 3,79 điểm. Số thí sinh có điểm dưới trung bình là 468.628, chiếm 83,24%. Số thí sinh có điểm liệt là 1.277. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25 điểm. Cả nước có 11 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử. Số thí sinh đạt từ 9 đến 9,75 điểm là 658 và có 527 thí sinh bị điểm 0.
Đâu là nguyên nhân?
Theo bộ GD&ĐT, thống kê cho thấy đa phần thí sinh trong số này chỉ dùng môn Lịch sử để xét tốt nghiệp. Do vậy, ngoài việc phải học thuộc lòng và ghi nhớ, thì đây được xem là nguyên nhân chính khiến thí sinh không tập trung học để có điểm cao môn Sử.
Còn theo nhiều giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, thì điểm thi môn này thấp còn nhiều có nguyên nhân khác nhau.
Các giáo viên thuộc tổ Lịch sử - Học mãi bình luận, đề thi năm 2019 dàn trải vì có cả phạm vi kiến thức Lịch sử lớp 11 (10%), 12 (90%). Đề thi thiên về khả năng đánh giá, phân tích hay khái quát vấn đề khiến thí sinh bối rối. Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi có sự liên kết giữa Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới cũng gây khó cho thí sinh.
Phần lịch sử Việt Nam có 28 câu hỏi (70%) có 3 câu thuộc chương trình lớp 11. Cũng như mọi năm, các câu hỏi vận dụng cao chủ yếu thuộc phần Lịch sử Việt Nam. Để xử lý các câu hỏi này, thí sinh cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa đồng thời cần có cái nhìn tổng quát, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử theo chiều thời gian và mối quan hệ không gian (Lịch sử Việt Nam và thế giới) mới có thể giải quyết được những câu hỏi dạng này.
“Đặc biệt, sự xuất hiện nhiều dạng câu hỏi so sánh cũng như các câu hỏi có mối quan hệ liên chuyên đề là những câu hỏi mang tính phân hóa cao, thực sự gây khó cho thí sinh”, các giáo viên này nhấn mạnh.
Là giáo viên luyện thi môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia nhiều năm, cô Nguyễn Thị Lan, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM phân tích: “Thí sinh năm nay có điểm thi môn Lịch sử thấp do phải nắm phạm vi kiến thức rộng, bao gồm cả chương trình lớp 12 và 11 hiện hành. Cùng với đó, đề mang tính phân hoá cao, phần nhận biết và thông hiểu ít điểm, trong khi các câu hỏi mang tính lập luận, phân tích, đánh giá lại nhiều.
Bên cạnh đó, học sinh dù có thuộc sử thì cũng chỉ nắm được lượng kiến thức giáo khoa chứ chưa thể đánh giá vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc. Còn nội dung trong sách giáo khoa chỉ thiên về trình bày kiến thức, còn nhận định vấn đề thì chưa nhiều”.
“Ngoài ra, việc nhận định đánh giá về sự kiện, vấn đề lịch sử còn rất rộng và chưa thật sự thống nhất trong chương trình. Giáo viên đôi khi còn chưa chắc chắn, thì học sinh cũng dễ bị nhầm lẫn”, cô Lan nói thêm.
Thầy Nguyễn Ngọc Hào, giáo viên giảng dạy Lịch sử một trường THPT trên địa bàn quận 6, TP.HCM cho biết: “Thực tế không có nhiều học sinh thích Sử, các em chọn thi ban Khoa học xã hội chủ yếu là học sinh có lực học trung bình, yếu.
Vì vậy, nhiều em không chịu học, chứ nói gì đến việc tư duy lập luận. Học sinh chưa có phương pháp học Lịch sử nên nắm kiến thức còn mơ hồ. Và học Lịch sử nhưng thiếu liên kết giữa các sự kiện thì học sinh sẽ không xâu chuỗi được kiến thức”.
“Còn có tình trạng học sinh thờ ơ, xem nhẹ bộ môn Lịch sử. Học sinh thi Sử vì không đủ sức thi các khối khác, nên cho rằng thi môn này có hy vọng hơn”, thầy Hào nêu quan điểm.
Thạc sĩ Lê Thị Thu Thanh, giáo viên môn Lịch sử một trường THPT ở tỉnh Quảng Trị cho rằng, do xu thế xã hội ít coi trọng môn Sử, người làm giáo dục thì còn tính hô hào chứ chưa tạo cho bộ môn này có một vị thế bình đẳng, nên học sinh ít quan tâm đến môn học này.
“Xu hướng chọn ngành chọn nghề cũng chi phối rất nhiều về điểm số bộ môn. Học Lịch sử nói riêng và các môn xã hội nói chung ra trường dễ thất nghiệp cho nên học sinh còn học theo kiểu đối phó”, thạc sĩ Thu nhận định.,
Thạc sĩ Phan Thế Hoài