Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến tổ chức vào tháng 6
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố trong tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.
Điểm mới của năm nay, lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái, dự kiến vào tuần cuối của tháng 6 (thay vì vào tháng 7 như các năm trước).
Về vấn đề này Vụ trưởng lý giải, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lịch thi diễn ra vào tháng 7. Năm nay khi cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn. Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để trong tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.
Cũng theo bà Thủy cho biết thêm, năm nay, thí sinh sẽ đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới. Trong thời hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp và tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.
Về phương thức xét tuyển, bà Thủy cho biết Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường có quyền xác định các phương thức khác nhau. Nhưng năm 2022, nhiều trường đưa ra quá nhiều phương thức tuyển sinh. Do đó, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường hạn chế, không đưa ra quá nhiều phương thức để không chỉ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, mà còn tránh việc không hiệu quả cho chính các trường.
Theo quy chế, các trường đại học hoàn toàn được quyền tổ chức xét tuyển sớm. “Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện. Do đó, các trường vẫn có thể tổ chức xét tuyển sớm bình thường nếu như có nhu cầu”, bà Thủy nói.
Với các trường xét tuyển sớm, theo bà Thủy, thí sinh cũng không nên quá ái ngại. Tuy nhiên, bà Thủy lưu ý thí sinh hoàn thành kỳ xét tuyển sớm cũng không có nghĩa rằng các em đã được nhận chính thức vào trường đại học đó mà vẫn cần phải hoàn tất các thủ tục trên hệ thống chung theo quy định.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2023 các trường phải công bố đề án và quy chế tuyển sinh riêng của trường. Quy chế tuyển sinh của trường phải cụ thể hóa quy chế của Bộ. Ngoài ra, các trường phải công bố các thông tin này trước 30 ngày khi thí sinh đăng ký.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và ngành Sư phạm sau khi có kết quả thi THPT, bà Thuỷ cho biết thêm.
Hiện nhiều trường đại học bắt đầu thông báo nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm.
Kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung
Trước ý kiến đề xuất nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng chuyển về cho các địa phương tổ chức thi, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ở bậc phổ thông nước ta hiện nay chưa có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và THCS, chỉ khi hết lớp 12 thì mới thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Do vậy, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết nhằm đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, việc phân hóa này có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao.
Từ năm 2015 đến năm 2020, kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phục vụ mục đích đánh giá học tập, xét công nhận tốt nghiệp THPT, giúp các trường đại học xét tuyển đầu vào.
Sau năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho kỳ thi THPT quốc gia.
Qua 3 năm tổ chức (2020, 2021, 2022), kỳ thi đáp ứng mục tiêu kép vừa bảo đảm nghiêm túc, khách quan vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi, còn các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 4 môn thi bắt buộc
Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tại một sự kiện mới đây Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, Bộ GD&ĐT đang rất cố gắng, mời các chuyên gia để có thể nghiên cứu phương án đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét trước khi công bố.
Hiện bộ vẫn chưa chốt số môn thi, bài thi nhưng bốn môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn và Lịch sử là những môn đã học bắt buộc thì chắc chắn sẽ thi bắt buộc.
Lộ trình đổi mới sẽ thực hiện theo từng giai đoạn tương ứng với mức độ tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới của từng nhóm đối tượng học sinh.
Bộ sẽ chia làm ba giai đoạn: Từ năm 2025 đến 2026 là những học sinh học chương trình mới ba năm bậc THPT; từ năm 2027 đến 2031 là những học sinh học chương trình mới từ lớp 6 và giai đoạn từ năm 2032 với đối tượng là những học sinh học chương trình mới từ lớp 1.
Trúc Chi (theo VTC News, Đại Đoàn Kết, Vietnamnet)