Lên Cao Bằng, người ta không thể không uống dòng nước đầu nguồn mát ngọt của suối Lê Nin, thăm hang Cốc Bó hay ngược đường đến thả hồn mình ngắm nhìn màn nước trắng xoá tung bọt dưới chân thác Bản Giốc... Cách thác Bản Giốc chừng 5km, hang động Ngườm Ngao đang ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan vẻ đẹp kỳ thú và lắng nghe những câu chuyện mang đậm màu sắc dân gian.
Lạc vào tiên cảnh
Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Động được một nhà thám hiểm người Pháp phát hiện ra vào năm 1921 (thế kỷ XX). Theo khảo sát của hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh năm 1995, hang động này có tổng chiều dài 2.144 mét, có 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Hang động hiện mới đưa vào khai thác khoảng 1km. Trước năm 1996, khi động chưa được tỉnh Cao Bằng đưa vào khai thác du lịch, những người dân địa phương vẫn thường dùng đèn pin để dẫn du khách vào thám hiểm và thăm quan hang động.
Theo tiếng Tày, "ngườm" là "động", "ngao" là "hổ"; "Ngườm Ngao" có nghĩa là động hổ. Tên gọi này bắt nguồn từ truyền thuyết về những con hổ sống trong hang. Người dân địa phương cho biết, thuở xa xưa, trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống, chúng thường vào các bản xung quanh để bắt gia súc của dân địa phương, khiến đời sống của nhân dân trong vùng bị đảo lộn. Dân bản bàn nhau tìm cách bẫy hổ, rồi bắt nhốt hết vào trong hang. Cuộc sống yên bình trở lại với người dân nhưng ngày đêm họ vẫn phải nghe tiếng gầm gào từ trong hang phát ra. Một truyền thuyết khác lại cho rằng, động này xưa kia là nơi cất giữ kho báu của triều đình. Để của cải không bị mất, ngọc hoàng đã giao cho những con hổ hung dữ canh gác ngày đêm.
Một khối đá lấp lánh ánh nhũ trong hang Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao được chia thành ba khu chính: Khu Tứ trụ thiên đình, khu trung tâm và khu kho báu. Len người qua cửa hang rộng chỉ khoảng một mét vuông, chúng tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào một thế giới khác. Làn gió mát lạnh từ trong hang thoát ra khiến bao nhiêu mệt nhọc của chặng đường dài tan biến. Ngườm Ngao có một vẻ đẹp vô cùng kỳ thú được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ lộng lẫy, vàng rực. Những dải nhũ đá muôn màu sắc mọc từ dưới lên, từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình dáng đẹp phản chiếu ánh sáng lung linh. Thứ ánh sáng ấy có lẽ sẽ không thể bắt gặp được ở bất cứ một công nghệ ánh sáng hiện đại nào thời nay. Động Ngườm Ngao được hình thành trong lòng dãy núi đá vôi, thành phần chính là can-xi-cac-bo-nat nên những giọt nước đá vôi kết tủa lâu ngày có ánh lấp lánh rất đẹp. Dưới ánh sáng của đèn điện, chúng lại càng trở nên lộng lẫy hơn.
Khám phá từ lòng hang động
Điều đáng suy ngẫm Do những khó khăn về giao thông và cơ sở vật chất, động Ngườm Ngao vẫn chưa thể phát huy được những thế mạnh vốn có. Ngoài khoảng thời gian mùa hè (tháng 5-6-7) đông khách, những tháng còn lại trong năm, lượng khách đến Ngườm Ngao rất ít. Theo người dân địa phương, nhiều người đã "chặt" trộm những nhũ đá đẹp trong động bán ra ngoài để kiếm tiền. Để một "kho báu" không bị lãng quên và không bị khai thác sai mục đích, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch để Ngườm Ngao ngày càng đón nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. |
Khi tham quan hang động, chúng tôi vừa có dịp ngắm nhìn những nhũ đá lấp lánh vừa thoả sức tưởng tượng và lắng nghe những câu chuyện mang đậm sắc màu dân gian. Hình tượng và câu chuyện về cây rừng, con vật, ruộng tiên, giường tiên, bông sen đá... càng làm cho không gian của động trở nên lung linh, huyền ảo. Chỉ vào một cột đá trên dọc trục đường chính vào hang, cô hướng dẫn viên đi cùng cho hay, cột này được "mọc" từ một nhánh đá dưới đất lên và tiếp xúc với nhũ đá nhỏ từ trên xuống.
Người địa phương quan niệm, đây là sự "giao duyên giữa đất và trời" nên gọi đó là cây tơ hồng. Ngoài ra, nhũ đá còn tạo nên ba cây đàn đá với những âm thanh trầm bổng như tiếng đàn đá của người Tây Nguyên. Du khách nào khéo léo có thể tự đệm một bản nhạc du dương cho mình. Đặc biệt, trong hang động còn có cả một "thác Bản Giốc" thu nhỏ. Mùa mưa, nước từ trong vách núi đá chảy ra. Du khách tới đây may mắn sẽ được nhìn thấy nước trắng bạc chảy ào ào như một thác Bản Giốc thứ hai, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng.
Phía trong hang, những hình ảnh ruộng bậc thang, giường tiên, vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) thu nhỏ, tượng ba ông Phúc - Lộc - Thọ, núi vàng, núi bạc… cũng được kiến tạo thật đặc biệt. Ở giữa hang là đài sen úp ngược, một trong số những cảnh vật đẹp nhất của Ngườm Ngao. Theo cô hướng dẫn viên, đài sen này cũng có sự tích rất thú vị. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một vị sư ngồi trên đài sen tu mãi mà không thành chính quả, vì quá buồn chán, phẫn chí nên ngài đã úp ngược đài sen xuống, còn mình thì biến thành cột đá đứng bên cạnh đài sen úp ngược…
Càng đi sâu vào trong động Ngườm Ngao, du khách càng mê mẩn trước cảnh đẹp lung linh, kỳ ảo mà tạo hoá đã ban tặng cho nơi đây và càng tha hồ thoả sức cho trí tưởng tượng bay xa với những hình khối mà nhũ thạch và măng đá tạo nên trong động. Điều kỳ thú mà hang động Ngườm Ngao mang lại cho du khách đến đây không chỉ là những nhũ đá đủ dáng vẻ mà nó là cả một nền văn hóa của người Tày thu nhỏ. Từng bước men theo ánh đèn trong hang, chúng tôi thấy những nhũ đá xếp tầng tầng, lớp lớp giống như những thửa ruộng bậc thang, phía cạnh đó là những gác bếp và chiếc cối giã gạo của người Tày.
Mùa hè là mùa Ngườm Ngao đón nhiều du khách nhất. Vẻ đẹp kỳ thú còn mang đậm nét tự nhiên của hang động đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong vùng cũng như khắp mọi miền đất nước về thăm. Người dân quan niệm, đến thăm Ngườm Ngao không chỉ để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn để nguyện cầu cho cuộc sống tốt đẹp hơn bởi phía trong hang có ẩn chứa vô vàn những biểu tượng của sự thịnh vượng, ấm no. Người kém duyên mong đến đây để chạm vào cây tơ hồng, người hiếm muộn đến để được thoa tay vào bụng bầu của mẹ Âu Cơ, kẻ nghèo khó đến để xin may mắn từ ông Phúc - Lộc - Thọ và cây vàng cây bạc hay hứng những giọt nước từ bàn tay Phật… Động Ngườm Ngao không những là một thắng cảnh thiên nhiên đẹp mà nó còn là nơi lưu giữ lại ý nghĩa lịch sử quan trọng. Trong chiến tranh, động Ngườm Ngao là nơi trú ẩn an toàn của nhân dân xã Nam Thuỷ.
Hồng Dương