Chim dòng dọc trống có phần trán, đỉnh đầu và gáy vàng tươi, khá đẹp (ảnh), chim mái có bộ lông nâu hung vàng không có gì nổi bật. Dòng dọc sống bầy đàn nên thường làm tổ chung trên một cành cây. Tổ dòng dọc có hai loại mà con người quen gọi là tổ chim trống và tổ chim mái, nhưng thực ra không phải như vậy, việc xây tổ của chim dòng dọc rất phức tạp và kỳ thú.
Để chinh phục người đẹp ở lần tỏ tình đầu tiên, chim trống phải xây tặng cho nàng một chiếc tổ có dáng như chiếc mũ úp ngộ nghĩnh với chiếc cầu nhỏ bắc ngang, hơi võng xuống làm chỗ cho nàng đậu (ảnh). Khi người đẹp hài lòng với món quà, cuộc hôn nhân của chúng sẽ bắt đầu. Ở giai đoạn này chim trống trổ tài khéo léo xây dựng một chiếc tổ mới xinh xắn để chim mái đẻ trứng nuôi con.
Tổ được xây mất khoảng hai tuần, trong thời gian đó chỉ chim trống làm tổ (ảnh trên), còn chim mái thì đứng vào chiếc tổ quà tặng để ngắm chim trống làm việc hoặc mải mê rong chơi. Tổ chim trống giống như chiếc túi hình chuông, một bên hông phình ra, nối liền với một cái ống tròn, phồng lên như ống tay áo loe ra, phần cuối buông thõng xuống mặt đất làm cái “cửa” rất khác biệt, để chui ra chui vào đẻ ấp trứng, nuôi con… Nhìn từ xa, ngôi nhà hạnh phúc của chúng giống như dấu chấm hỏi treo lơ lửng giữa trời (ảnh dưới).
Sau khi xây tổ xong, chim trống – chim mái kiểm tra từng chi tiết của tổ như: hình dáng, màu sắc, độ bền chắc… Nếu hài lòng với chiếc tổ, chúng sẽ giao phối và đẻ trứng. Nếu tổ làm không chắc chắn, không đồng sắc đồng màu (do chim trống làm tổ từ nhiều loại lá), thì chỉ cần vài phút là chim mái cắn vào cuống tổ để chiếc tổ rơi xuống đất, và anh chồng phải kiên nhẫn xây lại tổ mới.
Có trường hợp chồng đang làm tổ, chim mái hàng xóm vào tổ đẻ nhờ, vợ phát hiện được (ảnh trên) nên lập tức “ra lệnh” cho chồng bít chiếc tổ đó lại và xây một tổ mới!
Theo Kiến thức/SGTT