Cả làng góp sức nuôi cá
Cứ mỗi khi tết đến xuân về, người dân làng Lai, xã Minh Sơn, Ngọc Lặc (Thanh Hóa) lại kéo nhau về quanh hồ Chim để tận mắt chứng kiến trai làng vây bắt cá ở hồ Chim, một hồ nước tự nhiên có từ xa xưa. Để duy trì cá trong hồ, cứ đến mùa mưa người dân quyên góp tiền để mua cá giống về thả và phân công nhau chăm sóc. Xuân về, người dân nơi đây lại tổ chức cuộc thi bắt cá. Số cá sau khi được đánh bắt đưa lên bờ sẽ được chia đều cho tất cả các hộ gia đình mang về. Bao đời nay vẫn vậy, người dân tộc Mường nơi đây vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ mang tính cộng đồng văn hóa này...
Không biết từ khi nào hồ Chim đã ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân làng Lai. Từ lúc còn thơ ấu cho đến khi về già những kỷ niệm về đánh cá, chia cá hồ Chim luôn là một kỷ niệm đẹp khi họ xa quê vọng về cố hương.
Số cá sau khi đánh bắt sẽ được chia đều thành từng phần sau đó chia cho tất cả các hộ dân.
Ông Phạm Văn Mão một cao niên làng Lai cho biết: Không ai còn nhớ, cũng không ai biết tục lệ này có tự bao giờ". Tương truyền rằng, thời "Đẻ đất, đẻ nước" sinh ra làng Mường Lai, nơi đây có 99 cái hồ lớn, nhỏ xung quanh làng. Vào mùa khô 98 hồ khác đều cạn nước, chỉ duy nhất "hồ Chim", cái hồ lớn nằm giữa làng thì nước vẫn đầy và trong xanh...
Năm ấy, khi người dân đi ngang qua hồ để lên nương, bỗng thấy một đàn chim lạ hàng trăm con sà xuống ngọn cây trám ven hồ. Thấy lạ mọi người hò reo, nghe tiếng động bầy chim cất cánh bay và lượn chín vòng quanh hồ, rồi nhả một vật lạ xuống hồ và vút bay đi. Từ đó mặc dù không ai nuôi thả nhưng trong hồ có rất nhiều cá.
Vụ mùa năm đó dân làng mất mùa, giáp tết (ngày 26 và 27 tháng 12 âm lịch) nhưng nhà nào cũng trong tình trạng "bếp lạnh, nồi treo". Đói quá, dân làng rủ nhau ra hồ đánh cá về ăn tết, người có chài dùng chài, người có lưới dùng lưới. Trong 2 ngày dân làng đã bắt được hàng tạ cá, sau đó chia đều cho tất cả các hộ dân trong làng. Nhờ vậy mà tết năm đó nhà nào cũng có cá để đón tết, bữa ăn gia đình cũng ấm cúng hơn. Để ghi nhớ bầy chim lạ, dân làng đã đặt tên hồ nước là hồ Chim và khi lập hương ước của làng, làng Lai đã lấy ngày đáng nhớ ấy là ngày chia cá hồ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân làng Lai vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, cùng nhau góp công sức để bảo vệ, nuôi dưỡng hồ cá và chỉ được đánh bắt chia nhau vào đúng ngày quy định.
Ông Phạm Ngọc Huân, trưởng làng Lai hồ hởi kể: "Hồ Chim có tổng diện tích 1.000m2. Hồ không chỉ giữ cho cây cối trong làng tươi tốt, nơi cung cấp nước cho đồng ruộng mà còn là nơi giao lưu văn hóa của dân làng. Từ bao đời người dân xem hồ Chim như là vị "thần" che chở cho làng. Để duy trì tục chia cá hồ, thôn đã đến tận nhà tuyên truyền giáo dục về nét đẹp văn hóa mà ông cha để lại. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều đơn vị và cá nhân xin với thôn muốn nhận đấu thầu hồ nhưng người dân cương quyết giữ làm hồ chung".
Ông Huân cho biết thêm: "Làng Lai có 94 hộ, với khoảng 450 nhân khẩu. Để duy trì cá trong hồ, cứ đến mùa mưa người dân quyên góp tiền để mua cá giống về thả vì vậy hồ lúc nào cũng nhiều cá. Để đảm bảo công bằng, thôn phân công bảo vệ cá và cho cá ăn theo kiểu xoay vòng. Theo thứ tự, cứ 5 hộ/ngày chịu trách nhiệm cho cá ăn và canh trộm. Hết 5 hộ này đến 5 hộ khác cho đến hết lượt lại đảo sổ từ dưới lên. Cho cá ăn được tính theo điểm, nếu nhà nào nhiều điểm sẽ được chia nhiều cá hơn".
Người dân phấn khởi với số cá lớn đánh bắt được sau mỗi năm chăm sóc, nuôi dưỡng.
Chia cá ngày tết
Năm nào cũng vậy, cứ sáng tinh mơ ngày 26/12 âm lịch, dưới cái lạnh như cắt da, cắt thịt, ấy vậy mà người dân làng Lai đã kéo nhau tập trung xung quanh hồ để cổ vũ các đội tham gia đánh cá.
Để đảm bảo công bằng, khi đánh bắt thôn chia làm 3 đội mỗi đội 20 người. Người tham gia trực tiếp phải là nam thanh nữ tú khỏe mạnh. Khi ba đội đã sẵn sàng chài, lưới trưởng làng đánh một hồi chiêng thế là hàng chục nam thanh, nữ tú vác chài lưới, nơm đó lao xuống hồ trong tiếng chiêng, tiếng hò reo của hàng nghìn người cổ vũ.
Tiếng reo hò, hòa nhịp cồng chiêng và dường như cộng hưởng với tiếng cá nhảy đã xua tan đi cái lạnh buốt của tiết giao mùa. Cá dưới hồ được lưới các đội dồn vào từng góc. Cá bắt được được chia thành đống để tính điểm. Cuộc vây bắt cá diễn ra tưng bừng đến 12h trưa thì kết thúc. Những đống cá được cho lên bãi đất gần hồ để chấm điểm và phân chia cho dân làng.
Trưởng làng chính là người đứng ra tính điểm và công bố đội nào bắt được nhiều hơn để trao thưởng. Phần thưởng dù chỉ là những con cá tươi nhưng mọi người trong đội đều rất vui vẻ, sảng khoái. Theo họ nếu đội nào bắt được nhiều cá to thì sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn...
Sau khi trao thưởng cho các đội, trưởng thôn và già làng lựa chọn những chú cá to nhất lấy đầu cúng thần sông, thần nước... phù hộ che chở cho dân làng mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi... Phần thịt những chú cá to nhất, được ưu tiên giao cho thanh niên làng đem đến biếu các cụ cao niên và những người có công với làng và cách mạng. Mỗi hộ khi nhận được phần cá được chia dù ít hay nhiều họ đều rất vui vẻ. Họ quan niệm rằng, có cá hồ Chim cúng tổ tiên, ông bà trong dịp tết là một sự báo hiếu, năm mới điều lành thì đến, điềm rủi bay đi...".
Món ăn trong ngày tết của người Mường làng Lai, xã Minh Sơn từ xưa đến nay không bao giờ thiếu bánh chưng, bánh dầy và món cá tươi. Bánh trưng, bánh dầy biểu hiện trời tròn, đất vuông và cũng là để tưởng nhớ đến ông vua của người Mường là vua Lang, còn món cá tươi thể hiện sự tương thân, tương ái của cộng đồng nhờ Hồ Chim mà qua cơn đói khổ. Nó còn mang ý nghĩa hướng người dân đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong ba ngày tết, người ta chỉ tết cha, tết mẹ và tết thầy cúng - những người quan trọng nhất trong quan niệm của họ.
Cụ Phạm Văn Hân (78 tuổi) ở làng Lai cho biết thêm: Ngày xửa ngày xưa, người Mường bấm đốt ngón tay để xem ngày, chuẩn bị các món ăn cho ngày tết thật chu đáo, trong đó nhất thiết nhà nào cũng phải có món cá ướp chua. Để có một hũ cá chua không phải dễ. Cá phải tươi, sau đó mổ bụng moi ruột, cắt khúc nhỏ bằng hai ngón tay, bỏ đầu đuôi, ướp muối, đem xôi, sau đó thêm một ít cơm nguội, ít men rượu, trộn đều rồi cho vào hũ, được 15 ngày thì bỏ thính vào.
Cá ướp chua để từ 3 đến 6 tháng, bày lên mâm ăn ngay. Cá ướp chua gói vào lá thầu dầu (bánh tẻ) rồi nướng. Cá ướp chua nấu canh có thêm gia vị: Lá sả, gừng, ớt, mắc khén. Cá ướp chua làm bánh và đồ cơm (vung chảo xôi bằng gỗ). Người Mường có câu: "Ăn một miếng cá chua, sáng mắt cả năm" mùi thơm của cá chua nướng, hơi bốc lên của chõ xôi bánh khêu gợi mời gọi mọi nhà đón xuân về.
Sự tri ân với nguồn cội Trong những ngày đầu xuân, những người con về quê ăn tết chuẩn bị đi xa đều đến hồ Chim cầu nguyện an lành. Nhiều người bỏ chút vốn xin mua cá giống về thả vào hồ để chung tay nuôi cá chờ ngày hội đánh bắt. Đây không chỉ là ngày hội của làng, mà còn là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn sau những ngày đi làm ăn xa quê để nhận phần cá hồ Chim. Đối với họ mỗi khi nhận được phần cá dù ít hay nhiều nhưng ai cũng thấy vui, nó như sự tri ân với tổ tiên, nguồn cội... |
Cao Tuân