GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng bộ Y tế chia sẻ về kỹ thuật xử lý vòi tử cung đoạn kê bằng nội soi.
Bệnh lý vòi tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất và chiếm từ 25% đến 35% những trường hợp vô sinh nữ. Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy, tỉ lệ vô sinh do vòi tử cung chiếm từ 43% đến 59%. Trong đó, vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung chiếm từ 15% đến 25%. Đó là thông tin được chia sẻ từ GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng bộ Y tế kiêm Giám đốc trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia.
Thông tin thêm với phóng viên về những trường hợp đi chữa vô sinh hiếm muộn khiến bản thân trăn trở, GS. Tiến kể:
“Nhiều bệnh nhân bị tắc vòi tử cung tìm tới bệnh viện với cuốn sổ y bạ nhàu nát bởi đã chạy chữa nhiều nơi. Họ muốn có con nhưng nghèo khó không có đủ chi phí để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Thậm chí có người được chỉ định thụ tinh nhân tạo từ 10 năm trước nhưng vì không có tiền nên họ đành ngậm ngùi đi về. Tới khi họ chắt chiu đủ tiền cũng là lúc buồng trứng bước sang giai đoạn suy, không kích thích lấy noãn được”.
Theo đó, GS. Tiến giới thiệu một phương pháp mới mà bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa nghiên cứu và áp dụng thành công:
“Kỹ thuật này lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam với chi phí rất thấp, lại giúp cho nhiều phụ nữ được làm mẹ một cách tự nhiên khi có thể giúp cho những người bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ không cần phải thụ tinh trong ống nghiệm mà vẫn có thể mang thai”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết.
GS. Tiến cũng chia sẻ, trước đây, những bệnh nhân bị bệnh lý vòi tử cung phải thực hiện các phương pháp như nội soi, tạo hình tử cung… Tuy nhiên, khi xử lý tắc tử cung đoạn kẽ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao, nguy cơ với bệnh nhân rất lớn. Vì vậy, với những bệnh nhân này, chỉ có cách thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Loan (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) – người đầu tiên thực hiện kỹ thuật này, cho biết, vợ chồng chị cũng đã có một con. Tuy nhiên, 8 năm nay chị Loan vẫn chưa có thai tiếp.
Khi đi khám, các bác sĩ cho biết tắc vòi tử cung là nguyên nhân khiến chị không thể mang thai. Vợ chồng chị đã tìm đến bệnh viện Phụ sản Trung ương để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ và chỉ định phẫu thuật.
Nói về tình trạng bệnh của chị Loan, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện đoạn kẽ đã được xử lý và sau này bệnh nhân có thể mang thai bằng phương pháp tự nhiên.
Theo Thứ trưởng Tiến, kỹ thuật này có nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác. Cụ thể, hiệu quả tốt trên bệnh nhân vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung; tỷ lệ có thai trong 1 năm sau phẫu thuật khoảng 25%; ít xảy ra những biến chứng như thủng vòi tử cung, chảy máu, viêm phúc mạc sau nong. Thời gian thực hiện thủ thuật ngắn, chỉ chừng 30 phút đến 1 tiếng. Đặc biệt, bệnh nhân không phải thực hiện thụ tinh ống nghiệm nữa.
Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, chi phí thực hiện thủ thuật này rất thấp, khoảng vài triệu đồng/ca, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với chi phí nếu thực hiện ở nước ngoài, tỉ lệ có thai bình thường chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc chậm nhất là 1 năm sau khi bệnh nhân cầm giấy ra viện.
“Với việc áp dụng phương pháp này tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn do tắc đoạn gần vòi tử cung. Đặc biệt bệnh nhân gặp hoàn cảnh khó khăn nên không có khả năng làm thụ tinh ống nghiệm; kể cả những người có kinh tế cũng làm được bằng phương pháp này vì sinh nở tự nhiên sẽ rất tốt.
Thêm nữa, chúng tôi hy vọng kỹ thuật này sẽ được phổ biến rộng rãi ở tuyến tỉnh. Đây là một kỹ thuật chúng tôi rất tâm đắc và đã ấp ủ từ lâu”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ