Tôi đã từng nhắc tới ba từ “bệnh bụi phổi” với không ít người bạn nhưng ai nấy đều tỏ ra khá xa lạ với căn bệnh này. Thế nhưng, với những công nhân khai thác than, đá… làm trong môi trường bụi bẩn khi nguy cơ mắc bệnh hô hấp khá cao thì căn bệnh này lại trở nên quen thuộc.
Bởi lẽ, với những công nhân ấy, nếu không được lọc bụi thường xuyên, người bệnh sẽ nhanh chóng suy giảm sức khỏe, thậm chí dẫn tới xơ phổi.
Theo các chuyên gia y tế, “bệnh bụi phổi – silic” là tình trạng bệnh lý của phổi do hít thở bụi có chứa silic trong môi trường lao động. Đặc điểm của bệnh là xơ hóa và phát triển các hạt ở 2 phổi gây khó thở, về X-quang phổi có hình ảnh tổn thương đặc biệt.
Khi chúng tôi có mặt tại tầng 3, bệnh viện Than Khoáng sản (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là lúc ê kíp rửa phổi cho bệnh nhân của bệnh viện vừa rửa xong lá phổi thứ nhất, đang đợi để tiếp tục rửa lá phổi thứ hai cho người bệnh.
Trong khoảng thời gian chờ đợi ngắn ngủi ấy, bác sĩ Đỗ Tiến Sỹ, Trưởng khoa Điều trị Bệnh nghề nghiệp - Bệnh viện Than Khoáng sản đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin tuy ít ỏi nhưng rất quý giá về căn bệnh này.
“Khi bệnh nhân vào viện đều phải làm các xét nghiệm bắt buộc để khám chống chỉ định. Tiến hành gây mê bệnh nhân và đặt ống khí quản nội 2 nòng để cô lập từng phổi một. Mục đích là đưa nước vào bên phải thì bên trái phải thở và không để nước rò rỉ sang phổi kia. Sau khi rửa một bên phổi thì phải có thời gian chờ đợi để cho phổi hồi phục và lượng nước rửa phổi từ 8 – 12 lít. Trung bình rửa 5 - 6h một bệnh nhân, đó là khoảng thời gian được cho là thuận lợi”, bác sĩ Đỗ Tiến Sỹ nói.
Từ khi đưa vào kỹ thuật rửa phổi năm 2004, bệnh viện Than Khoáng sản đã rửa phổi cho hơn 2.000 lượt công nhân, trong đó không chỉ có bệnh nhân trong ngành mà cả những bệnh nhân ngoài ngành như khai thác vàng, hầm mỏ, nhựa… Theo đó, chi phí cho một ca rửa phổi như thế khoảng 23 triệu đồng.
Đa số bệnh nhân vào đây là những trường hợp nặng đã được thăm khám trước đó ở tuyến dưới với các biểu hiện tức ngực, khó thở và bệnh nhân được kết luận bị bệnh lao, phổi bị xơ. Sau khi được thăm khám tại bệnh viện Than Khoáng sản, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh bụi phổi nặng, các chức năng hô hấp đã giảm.
“Khi bệnh nhân vào đây thì thường rất nặng rồi, chức năng hô hấp đã bị giảm, khi chụp phổi xem thì phổi bị trắng xóa rồi. Có bệnh nhân phổi đã bị xơ hết, không thể rửa được, đưa nước vào bệnh nhân không chịu được, có thể bị bục phế nang nên bệnh viện chỉ bán thuốc về uống để hỗ trợ. Trung bình cứ 4 bệnh nhân thì có một bệnh nhân không thể rửa được”, bác sĩ Sỹ chia sẻ thêm.
Trong buổi trò chuyện cùng phóng viên, bác sĩ Đỗ Tiến Sỹ chia sẻ thêm về một ca đặc biệt. Đó là trường hợp bệnh nhân Phạm Ngọc Hiệp (31 tuổi, ở thôn Gia Thạnh, xã Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) khi vào viện không phải bị bệnh bụi phổi mà bị bệnh lắng đọng protein phế nang. Đây là ca bệnh rất hiếm gặp.
Năm 2007, khi bệnh nhân Hiệp vào viện đã rất nặng, lúc đầu nghĩ là bụi cafe vì trước đó bệnh nhân tiếp xúc với cafe. Khi rửa phổi, nước ra trắng như nước vo gạo, nếu không rửa kịp thời có thể bệnh nhân đã tử vong.
Sau khi được rửa phổi, anh Hiệp đã hết những cơn khó thở, có thể thở sâu mà không thấy tức ngực, không ho, da dẻ hồng hào trở lại và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe bình phục. Từ khi rửa xong đến nay, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không bị ảnh hưởng gì nữa.
Chia sẻ về công nghệ rửa phổi, bác sĩ Sỹ cho hay: Khi rửa, bệnh viện dùng nước muối sinh lý và đòi hỏi phải có kỹ thuật riêng cũng như phải có công nghệ tiên tiến. Bệnh nhân rửa xong khoảng 5 - 6 tiếng sau có thể thở bình thường. Trung bình, một bệnh nhân vào viện cho đến khi ra viện, thời gian điều trị khoảng 25 ngày.
Khi rửa xong, bệnh nhân được nghỉ dưỡng trên Tam Đảo để thoải mái, sức khỏe bình thường vì đó là chế độ riêng. Ngoài ra, khi về địa phương, bệnh nhân được nghỉ thêm khoảng 10 ngày nữa.
“Kỹ thuật rửa phổi là phương pháp đưa một lượng nước lớn vào toàn bộ một hoặc hai lá phổi để loại bỏ bụi, tạp chất và các đại thực bào ăn bụi ra khỏi đường hô hấp, nhằm làm giảm tiến triển xơ hóa phổi, giúp tăng tuổi thọ, tái tạo sức lao động cho người bệnh”, bác sĩ Sỹ nhấn mạnh.
Trước đây, mỗi năm ngành Than - Khoáng sản phải đưa gần nghìn công nhân sang Trung Quốc để rửa phổi vì đây là quốc gia duy nhất có phương pháp này. Chi phí đưa công nhân sang Trung Quốc súc rửa phổi cho một người tốn kém khoảng 100 triệu đồng.
Nhận thấy chi phí tốn kém khi đưa công nhân ra nước ngoài rửa phổi, Tập đoàn Than – Khoáng sản cùng lãnh đạo bệnh viện đã cử một nhóm bác sĩ sang bên Trung Quốc học tập và đồng thời chuyển giao công nghệ.
Đến nay, việc học tập cũng như chuyển giao công nghệ ấy đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Nguyễn Huệ