Cặp thứ nhất, người nhận là chị Lê Thị Ánh Hồng (31 tuổi, quê Kiên Giang). Bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối và đang chạy thận nhân tạo định kỳ từ tháng 4/2015 đến nay. Bệnh nhân là con gái đầu trong gia đình có ba chị em. Người cho là ông T.N.X. (51 tuổi), làm vườn, quê Kiên Giang, là cha dượng của chị Hồng.
Cặp thứ 2, người nhận thận là bệnh nhân Võ Thị Huề (32 tuổi, làm nghệ nội trợ, quê Đắk Nông). Người cho là bà Nguyễn Thị H. (58 tuổi), mẹ ruột của chị Huề.
Hai cặp gia đình đều có người nhận thận bị suy thận giai đoạn cuối và đang chạy thận tại bệnh viện Chợ Rẫy, được các bác sĩ theo dõi, chăm sóc chu đáo. Quá trình theo dõi, điều trị, các bác sĩ nhận thấy, mặc dù miễn dịch hòa hợp nhưng cả hai cặp cha dượng cho thận con và mẹ ruột cho thận con đều vô tình có một cặp kháng thể HLA, một loại kháng thể chống lại kháng nguyên của người cho.
Với loại kháng thể này, nếu bệnh nhân tiếp tục quá trình ghép thận cùng huyết thống thì khả năng thải ghép sau ghép thận sẽ rất lớn. Từ đó, các bác sĩ dừng việc ghép thận giữa hai cặp. Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ tìm được sự tương đồng giữa các cặp. Cụ thể, kháng thể, kháng nguyên nhóm máu của Hồng phù hợp với mẹ của Huề, và ngược lại kháng thể kháng nguyên của Huề phù hợp với cha dượng của Hồng.
Sau nhiều lần hội chẩn, việc ghép thận được tiến hành. Cụ thể, ông X. cho thận con bà H., còn bà H. cho thận con ông X. Theo đó, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị hai phòng mổ cùng một lúc và thực hiện việc ghép thận, lấy thận cùng một thời điểm vào ngày 11/1/2017. Các bác sĩ phải mổ nội soi cùng lúc lấy thận trong 3 giờ, sau đó mang đi ghép cho 2 người bệnh.
PGS.TS.BS Thái Minh Sâm chia sẻ thêm, ca ghép thận thành công nhưng chúng tôi vẫn theo dõi tình hình bệnh nhân. Đến nay, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và hồi phục. Đặc biệt, bệnh nhân xuất viện sau một tuần mổ ghép thận. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải quay lại kiểm tra sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Khó khăn lớn nhất trong việc ghép thận chéo là phải tìm ra những cặp cho nhận thận có tương đồng các chỉ số kháng nguyên, kháng thể và nhóm máu với nhau.
Chia sẻ với PV, hai bệnh nhân được nhận thận từ những người không quen biết đều vô cùng xúc động. Họ cũng rất vui khi cuộc sống được hồi sinh trở lại từ những điều kỳ diệu nhất. Chị Hồng cho biết: “Em rất vui và rất bất ngờ khi việc ghép thận thành công, em lại có cơ hội hồi sinh trở lại. Thật sự, em rất biết ơn các bác sĩ cũng như người cho thận mình”.
Trên thế giới, việc ghép thận chéo được thực hiện lần đầu tiên ở Hàn Quốc năm 1991, ở Mỹ năm 2000. Còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên việc ghép thận chéo thành công, mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính.
Lành Nguyễn