Bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào
Sau 112 ngày đi qua hành trình “cận kề cửa tử”, trải qua 11 lần phẫu thuật, bệnh nhân V.M.H, SN 1970, ngụ quận Bình Tân, Tp.HCM đã được xuất viện vào ngày 15/3.
Trước đó, ngày 27/10/2022, anh H. bị tai nạn giao thông tại huyện Bình Chánh, nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) trong tình trạng: bị dập nát đùi, bẹn, rách tầng sinh môn, mất dương vật, đứt hoàn toàn trực tràng, vỡ bàng quang, đứt lìa, mất xương chậu, gãy xương đòn trái, shock nặng, mạch, huyết áp bằng 0…
Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp có thể tử vong bất cứ lúc nào, Bệnh viện Chợ Rẫy đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, với sự phối hợp, hội chẩn của 10 chuyên khoa: Cấp cứu, Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Tiết Niệu, Ngoại Tiêu hoá, Phỏng tạo hình thẩm mỹ, Phẫu thuật Mạch máu...
30 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân H. đã được tiếp nhận tại khu phòng mổ và tiến hành các biện pháp điều trị.
Nói đến những thời điểm bệnh nhân có thể tử vong trong quá trình điều trị, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Có rất nhiều thời điểm có thể khiến bệnh nhân tử vong như tử vong do đau, tử vong do mất máu hay tử vong do nhiễm trùng, thuyên tắc mạch…
Ví dụ, ngay thời điểm bệnh nhân được chuyển vào Khoa Cấp cứu, ê-kíp đã tiên lượng và đánh giá đầy đủ các nguy cơ nên quyết định chỉ tháo băng của bệnh nhân khi bệnh nhân đã ở phòng mổ. Bởi việc tháo băng tại Khoa Cấp cứu lúc này có thể dẫn đến việc bệnh nhân tử vong ngay tức thời…”.
TS BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân cần phải được can thiệp bằng phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân bị đa chấn thương như anh H., tỷ lệ cứu sống được đánh giá là tiên lượng từng ngày trong từng giai đoạn, việc đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân là vô cùng khó khăn, cần sự nỗ lực, kiên trì của người bệnh. May mắn của chúng tôi là bệnh nhân đã rất mạnh mẽ để phối hợp cùng ê-kíp điều trị đi qua những khó khăn, đau đớn trong suốt quá trình này…”.
Nhớ lại thời điểm hội chẩn cho bệnh nhân đặc biệt này, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Tuấn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy nói: "Bệnh nhân gần như bị xé một nửa chi thể, mất 1/2 khung chậu và tạng ổ bụng. Với chấn thương này, trong y văn, hơn 90% là tử vong".
TS. BS Trần Phùng Dũng Tiến, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Trải qua cuộc mổ đầu tiên, phần bụng của chậu bệnh nhân đã được băng cố định bởi miếng lưới chuyên dụng ngăn ruột và nội tạng tràn ra ngoài”.
Sự lạc quan giúp bệnh nhân hồi phục nhanh
Sau nhiều cuộc mổ lớn nhỏ, vết thương dần thành hình và ổn định hơn. Tuy nhiên, vị trí vết thương vẫn nhiễm trùng nặng, chảy dịch ồ ạt, hôi thối.
Ê-kíp tiếp tục hội chẩn và lựa chọn giải pháp triển khai cho bệnh nhân. Và cứ như thế, quá trình phối hợp kiên trì giữa 10 khoa để cứu sống bệnh nhân lần lượt diễn ra.
Tại phương diện tiết niệu và nam khoa, thì đây là thời điểm cuộc chiến mới bắt đầu của bệnh nhân H.. Bên cạnh phương pháp in 3D để tạo hình khung xương chậu, tiến đến ráp chân giả thì ở lĩnh vực nam khoa, bệnh viện sẽ tiến hành tạo hình cơ quan sinh dục ngoài và bệnh nhân sẽ sử dụng nội tiết tố nam để duy trì đời sống sinh hoạt bình thường của mình.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, khoa cuối cùng trong hành trình 112 ngày bệnh nhân nằm viện chia sẻ: “Nhiều lần, chúng tôi tưởng chừng không có hy vọng. Đến khi vết thương được che phủ khá nhiều vùng diện tích mất da, bệnh nhân hồi tỉnh, chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả sự lạc quan và sức sống mãnh liệt, chúng tôi biết mọi cố gắng đã có quả ngọt”.
Nguyễn Lành