Hành trình 91 ngày gian nan
Đó là thai phụ Võ Đinh H. V., 29 tuổi, quê ở Bình Thuận, mang tam thai. Chị này thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Do sản phụ mang đa thai, lại có những bệnh lý nền nên nhập viện và theo dõi thai tại khoa Sản bệnh, bệnh viện Hùng Vương.
Sau 35 ngày chăm sóc, nhằm đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn con, ngày 16/5, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt thai. Khi này tuổi thai chỉ mới 26 tuần 5 ngày.
Cân nặng lúc sinh của các bé lần lượt là 785g, 850g và 860g. Sau sinh cả 3 bé được chuyển đến khoa Sơ sinh trên thể trạng sinh cực non có biểu hiện suy hô hấp.
Trải qua quá trình điều trị 91 ngày, mỗi bé với những khó khăn riêng vì mang trong mình những bệnh lý khác nhau của trẻ sơ sinh non tháng, các bác sỹ bệnh viện đã không ngừng nỗ lực từng ngày để cứu sống các bé.
Ngoài sự chuyên nghiệp, tinh tế trong qua trình điều trị, còn thể hiện rõ tình yêu thương con trẻ bao la của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây.
Bé thứ nhất, sau sinh suy hô hấp, thở cpap 5 ngày, sau đó bé viêm phổi -suy hô hấp nặng, chuyển thở máy, viêm phổi nặng, nhiễm trùng sơ sinh kém đáp ứng kháng sinh, thiếu máu phải truyền máu, nuôi ăn tĩnh mạch lâu dài...
Sau đó, bé được chăm sóc theo phương pháp Kangaroo (ấp trong lòng mẹ), từ từ cai được oxy và tập bú giỏi.
Đến ngày 91, bé được xuất viện với cân nặng 2160g. Bé được chẩn đoán xuất viện là cực non, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, bệnh phổi mạn.
Bé thứ 2 bị suy hô hấp sau sinh, nuôi ăn đường tĩnh mạch. Sau đó bé bệnh màng trong suy hô hấp nặng, chuyển thở máy, bé nhiễm trùng, viêm phổi nặng, chuyển thở máy lại...
Bé được xuất viện với chẩn đoán xuất viện của bác sĩ là Cực non, bệnh màng trong, viêm phổi và bệnh phổi mạn.
Bé thứ 3 phải thở máy 20 ngày, được bơm chất hỗ trợ phổi, điều trị kháng sinh và dinh dưỡng hỗ trợ. Bé có thể cai máy, chuyển sang thở oxy áp lực cao và cai hẳn được oxy sau 2 tháng điều trị.
Bé được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo (nằm ấp trong lòng mẹ), nên nhanh chóng hồi phục và xuất viện. Sau đó, bé hồng, tự thở khá bú sữa được và được xuất viện cân nặng là1885g.
Các bác sĩ chẩn đoán xuất viện của bé trong trình trạng cực non, viêm phổi, bệnh phổi mạn, viêm ruột.
Đây không phải là lần đầu bện viện Hùng Vương nuôi sống thành công những trường hợp sinh non nhẹ cân.
Trước đó, bệnh viện từng nuôi sống thành công trường hợp em bé chào đời ở 24 tuần tuổi, chỉ nặng 500g và đến nay bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Một trường hợp đáng nhớ khác, bé gái nặng chưa đến 1kg khi chào đời tưởng đã không qua khỏi nhưng sau 4 tháng nuôi dưỡng đặc biệt trong lồng kính, đến nay đã được 6 tuổi, thị lực tốt, thể trạng to khỏe, học giỏi, thông minh.
Nâng niu bằng tình thương
Lãnh đạo bệnh viện Hùng Vương cho biết, mỗi năm có hàng nghìn đứa trẻ sinh non nhẹ cân được cứu sống, tỷ lệ nuôi sống những bé sinh non từ 24 tuần tuổi đến 37 tuần tuổi gần lên đến 90%.
Thống kê tại bệnh viện cho thấy, trẻ sinh ở tuần thai thứ 24 trong năm có 29 trường hợp và một bé được cứu sống; trong 27 trẻ sinh ở tuần thứ 25 có 9 trường hợp được nuôi sống và đến tuần thai thứ 30 trở lên hầu hết các bé đều được nuôi sống thành công.
Xét về số cân nặng, thống kê trong năm cũng cho thấy, trong 149 trường hợp dưới 1kg có 32 bé được nuôi sống (khoảng 21,5%), trong khi đó từ 1kg đến 1,5kg, tỷ lệ thành công lên đến gần 74%...
Ngoài việc chăm sóc trong lồng kính bằng thở máy sau đó trợ thở qua mũi (CPAP), việc chăm sóc trẻ nhẹ cần thành công còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Các bé phải được theo dõi nghiêm ngặt và phải được nâng niu bằng tình thương của điều dưỡng và bác sĩ. Vai trò của người mẹ những ngày tiếp theo cũng quan trọng và phương pháp Kangaroo trở nên hiệu quả hơn trong việc cứu sống trẻ sinh non.
Sau khi bé rời lồng kính, các mẹ được bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật đến khi thành thạo. Phương pháp Kangaroo giúp trẻ nhận được hơi ấm từ mẹ (mẹ là lồng ấp tốt nhất cho con), đảm bảo thân nhiệt ổn định, điều hòa nhịp thở, nhịp tim và tuần hoàn.
Trẻ cũng được nuôi ăn bằng sữa mẹ giúp chống nhiễm khuẩn, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Ngoài ra, các bé còn thường xuyên giao tiếp với mẹ kích thích phát triển trí não, hệ thần kinh, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật.
Người nhà bệnh nhi cho rằng, nếu không có trình độ chuyện nghiệp, không được điều trị bởi những thầy thuốc yêu nghề, tận tụy với công việc và luôn nâng niu sự sống, dù chỉ là hy vọng mỏng manh, thì các trẻ sơ sinh non tháng khó có thể vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo đầu đời để đến với cuộc đời này.