Kỳ tích thay đổi số phận của cậu bé không tay

Kỳ tích thay đổi số phận của cậu bé không tay

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Do không có tay, một cậu bé đã nỗ lực thay đổi cuộc đời mình bằng chính đôi chân với những ngón dài khẳng khiu

Những bất hạnh đầu đời

Năm 1990, tại xã Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An, cậu bé Nguyễn Minh Phú ra đời mang trên mình bao nỗi bất hạnh do ảnh hưởng của chất độc dioxin. "Biết vợ trở dạ lúc 4h sáng, tôi vội vàng đưa cô ấy đến trạm xá. Không bao lâu sau, con trai chào đời", ông Lộc kể lại. Thế nhưng, nụ cười chưa kịp nở trên môi người cha thì ông đã phải chịu đựng nỗi đau quặn thắt khi nhìn thấy hình hài con trai mình. Đó là một cậu con trai nặng khoảng 1,5 kg, không có tay, đầu to, chân nhỏ chẳng giống hình một con người.

"Bác trạm trưởng trạm xá đưa mắt nhìn, tôi nghẹn ngào và nói tôi biết rồi mặc dù trong tận đáy lòng, tôi buồn và rất đau đớn vô hạn. Tôi tự hỏi không biết mình đã làm gì có tội để bây giờ con mình phải gánh thay" - ông Lộc đắng lòng tâm sự.

Thấu hiểu nỗi đau của ông Lộc, nhân viên y tế nói: "Anh ạ, theo chúng tôi, nhân lúc mẹ cháu chưa tỉnh, hãy để chúng tôi tiêm thuốc xử lý, có lẽ như thế sẽ bớt đi nỗi đau cho anh chị và sự bất hạnh của cháu sau này". Gạt đi những lời khuyên, những lời đàm tiếu của mọi người, ông nói: "Dù sao đi nữa, cháu cũng là một phần thân thể, máu thịt của tôi. Cháu không lành lặn nhưng cháu cũng là một con người và có quyền được sống như bao đứa trẻ khác", giọng ông Lộc nghẹn ngào khi nhớ lại cái đêm Phú chào đời.

Pháp luật - Kỳ tích thay đổi số phận của cậu bé không tay

Minh Phú say sưa viết bằng chân

Ông Lộc ngậm ngùi cho biết: "Lên bốn tuổi, Phú vẫn không biết nói, biết đi. Cháu cứ nằm trên giường vặt vẹo như một con cá và ốm đau triền miên. Hai vợ chồng tôi đã bán hết tất cả những tài sản có giá trị để thuốc men, chạy chữa cho cháu. Nhưng mọi thứ vẫn vô vọng. Nhiều bữa, bà con hàng xóm thương hoàn cảnh đưa bát cơm, bát gạo qua bờ rào cho Phú mà tôi thấy xót xa. Tôi thấy nỗi đau bệnh tật của các con mình còn ghê sợ hơn cả những năm tháng bom đạn của kẻ thù dội lên đầu".

Trước những cơn đau bệnh triền miên của Phú, ông Lộc được một ông cụ mách cho bài thuốc hay. Ròng rã mấy tháng trời, ông Lộc lặn lội đi bắt cóc về lọc từng miếng thịt nấu cho Phú ăn. "Đêm nào, tôi cũng phải lặn lội cùng với cây đèn pin và một cái giỏ đi khắp các cánh đồng, chuồng trâu, chuồng lợn của dân làng, thậm chí vào cả trong nghĩa địa lúc nửa đêm. Khi không có cóc để bắt, tôi phải ra chợ mua, chỉ mong cháu khỏe mạnh hơn. Và cũng may, chỉ mấy tháng sau, cháu đã cứng cáp hẳn lên. Cho đến khi lên sáu, Phú bắt đầu học đi, học nói", ông Lộc tâm sự.

Pháp luật - Kỳ tích thay đổi số phận của cậu bé không tay (Hình 2).

Những nét chữ tròn trịa được viết từ đôi chân bé nhỏ của Minh Phú

"Cô không dạy con thì cha sẽ dạy con học"

Sau khi biết đi và nói thành thạo, ngày nào, Phú cũng lang thang ra ngoài bờ rào nhìn sang trường mẫu giáo bên cạnh, nhìn các bạn vui chơi, nắm tay nhau nhảy múa. Nhớ lại chuyện này, ông Lộc thổn thức chia sẻ: "Chiều đó, vừa đi làm về tới ngõ, Phú nói với chúng tôi là cho con đi học, con thấy các bạn đi học vui lắm. Thấy con có vẻ thích thú và vui vẻ hẳn lên khi nhắc đến chuyện đến trường, ông Lộc đóng cho con mình một cái bảng gỗ, xin cho con được học cùng các bạn ở trường mẫu giáo gần nhà.

Đến trường được vài hôm, Phú đem những lời chế giễu của bạn về hình hài của mình hỏi cha mẹ. "Hôm nay đến lớp các bạn nói con là thằng cụt tay cha mẹ ạ, sao con lại chưa có tay?". Vợ chồng ông nghẹn ngào và sững sờ trước câu hỏi ngây thơ của con. Vợ ông đành nói dối: "Tại con chưa lớn nên chưa có tay thôi". Vì lúc đó cậu bé Phú chưa tự ý thức được về số phận của mình nên mọi thứ cũng qua rất nhanh.

Cho đến khi Phú lên bảy tuổi, ông Lộc dẫn con tới trường tiểu học xin cho em được đi học chữ cùng các bạn. Thế nhưng, em đến trường được một tuần thì cô giáo gặp ông Lộc và nói: "Hai bác thông cảm cho cháu bởi Phú không thể đọc, lại không thể viết được chữ. Hơn nữa, sự có mặt của Phú trong lớp khiến cháu không còn tâm chí để dạy cho các em khác nữa. Vì thế, gia đình cứ để em ở nhà một thời gian". Phú mang máng hiểu được mình không có cơ hội được đến trường như các bạn.

"Hôm đó, cháu ra ngoài bờ ao ngồi suốt một buổi. Mẹ cháu chạy ra thì thấy hai chân Phú thả xuống ao, bao nhiêu con đỉa bu vào nhưng cháu vẫn mặc kệ, ngồi như tượng đá. Thấy cháu thất vọng và khóc nức nở nên tôi an ủi: "Thôi được rồi, con nín đi. Cô không dạy con thì từ ngày mai cha sẽ dạy con học", ông Lộc kể lại.

Pháp luật - Kỳ tích thay đổi số phận của cậu bé không tay (Hình 3).

Ông Nguyễn Quỳnh Lộc kể về những bất hạnh của cuộc đời

Không thể cưỡng lại sự ham học của con mình, ngày hôm sau, ông Lộc đã viết tất cả những chữ cái lên sân và lên thềm nhà. Ông Lộc nói Phú phải học viết tất cả những chữ cái này. Ông bắt đầu giảng giải, phân tích cho Phú từng nét của một chữ cái. Sau khi Phú đã lờ mờ hiểu, ông đưa viên phấn vào giữa ngón chân cái và ngón trỏ và nắm chắc lấy bàn chân của con rồi dạy cho Phú viết. Sau đó, ông từ từ thả tay để Phú tự giữ lấy viên phấn trong kẽ chân và nguệch ngoạc những nét chữ của mình.

Lúc đầu, hễ Phú đặt chân xuống là nát viên phấn. Hết phấn, ông đành lấy than, thậm chí cả những mẩu gạch vỡ vụn cho Phú tập viết. Ông Lộc tiết lộ: "Phú dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng cháu không hề nản lòng. Ngày nào cũng vậy, Phú luôn cố gắng giữ vững viên phấn trong kẽ chân để viết cho bằng được những chữ cái".

Chuyện đồng áng không thể bỏ mặc, ông Lộc đành để con ở nhà một mình loanh quanh, cặm cụi với những con chữ. "Nhiều bữa đi về giữa trưa hè nắng gắt, tôi thấy Phú vẫn loay hoay dưới nắng, mồ hôi trộn lẫn màu đen của than, màu đỏ của gạch, kẽ chân cháu lở loét, chảy máu vì bị phấn ăn. Tôi lắc đầu nghĩ rằng mình đã sai, đã làm hại con mình. Thế nhưng, cháu vẫn không một lời than vãn.

Thấy cháu quá say mê, tôi đành viết tất cả chữ cái lên vách tường và dặn Phú lúc mưa nắng thì vào trong nhà ngồi viết. Cứ thế, cho đến một ngày, cháu chạy ra ngõ và reo lên: "Cha ơi! Hôm nay con viết chữ được rồi". Chẳng biết thực hư thế nào, tôi bước vào nhà thì thấy những hàng chữ tròn trĩnh và gọn gàng được viết khắp trong nhà, ngoài sân", ông Lộc cho hay.

Sau khi Phú viết được chữ bằng phấn, ông Lộc tiếp tục tập cho con viết bằng bút chì. Giai đoạn này cũng không kém phần gay go và quyết liệt. Ông đã phải tìm những tấm bìa cứng để Phú viết dễ dàng mà không bị rách giấy. Nhưng cứ đặt bút xuống là ngòi bút lại gãy nát. Ông Lộc cho biết: "Tôi đã phải dùng vỏ của cây bút bi chụp lên cây bút chì để không bị gãy ngòi. Sau hơn một tháng gian nan tập luyện, cuối cùng cháu cũng đã viết được bằng bút chì. Tôi lại chuyển qua tập cho cháu viết bằng cây bút mực"…

Thơ Trịnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.