Ký ức 570 ngày sống dưới họng súng cướp biển Somalia

Ký ức 570 ngày sống dưới họng súng cướp biển Somalia

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Những ngày tháng sống dưới họng súng của cướp biển Somalia, họ phải ăn gạo mốc, uống nước biển và bị đánh đập dã man.

Chiều ngày 24/7, sau 19 tháng sống dưới họng súng của bọn cướp biển Somalia, 12 thuyền viên Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài. Rạng sáng ngày 25/7, các thủy thủ đã được đoàn viên với gia đình ở quê nhà trong sự vui vầy của người thân và bà con chòm xóm. Sau mấy tiếng đồng hồ ngập tràn trong sự chúc mừng, vỗ về của những người thân thương, anh Nguyễn Thanh Tú (SN 1986, quê ở huyện nghi Lộc, Nghệ An) đã dần lấy lại được bình tĩnh để kể cho chúng tôi và bà con lối xóm nghe về quãng thời gian kinh hoàng hơn 570 ngày qua.

Pháp luật - Ký ức 570 ngày sống dưới họng súng cướp biển Somalia

Nguyễn Thanh Tú (ở giữa, áo trắng) trò chuyện cùng PV

Những “người rừng” trên biển

Trước đó, tháng 9/2009, sau khi rời Việt Nam, anh Tú và một số người đồng hương được đưa lên tàu Shiuh Fu No1 để đi biển. Tại đây, 12 thuyền viên người Việt Nam và 14 thuyền viên Trung Quốc bắt đầu nhổ neo rời bờ. Những ngày tháng đầu tiên lênh đênh trên biển nước người, đối với những thuyền viên trẻ người Việt quả là thử thách. Những con sóng biển lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng đổ ập xuống tàu và nuốt sống con người. Sức mạnh như những cơn bão giật cấp 4, cấp 5 đó vẫn thường đổ bộ vào nước ta. Vì hoàn cảnh khó khăn và ước muốn kiếm thêm đồng tiền để xây dựng tương lai, họ động viên nhau cố gắng. Chính từ trong những khắc nghiệt của môi trường làm việc, lại là đồng hương, họ gắn bó, yêu thương nhau hơn.

Một ngày cuối tháng 12/2010, khi mọi người đang thả lưới thì nhận được tin có cướp biển. Tất cả vội vàng thu dọn đồ nghề để chạy nhưng không kịp. Tàu của cướp biển áp sát vào tàu Shiuh Fu No1. Hàng chục tên da đen lăm lăm súng trong tay, nhảy sang tàu đánh cá, liên tục chĩa súng vào đoàn người Châu Á mặt đang tái mét vì sợ. Do bất đồng ngôn ngữ, chúng ra hiệu tất cả thuyền viên trên tàu Shiuh Fu No1 nằm úp mặt xuống, tay ôm đầu. Không ai dám chống đối, răm rắp nghe theo lệnh của những tên bọn cướp hung hãn.

Sút 20 kg vì bị tra tấn

Không bát, không đũa, những con người tội nghiệp ấy xông vào dùng tay bốc ăn cho qua cơn đói, để duy trì sự tồn tại của chính bản thân. Nói về loại nước uống mà các anh vẫn cung cấp vào cơ thể suốt 19 tháng qua, bất giác tôi thấy anh Tú rùng mình. Anh Tú nhậm ngùi cho biết, có lẽ đến chết, anh cũng không thể quên loại nước ghê rợn ấy. Nước gì mà có màu nhờ nhợ, vừa mặn vừa đắng, lạ là càng uống càng khát và cứ uống xong là nôn hết những gì vừa ăn. Thế cho nên, trong điều kiện sống như vậy, cộng với nỗi hoang mang về sự tồn vong của mình và thường xuyên bị bọn chúng đánh đập dã man, các anh em thuyền viên, mỗi người ai cũng sút hơn 10 kg. Thậm chí có người tụt đến 20 kg chỉ còn da bọc xương. Tóc tai, râu ria dài xồm xoàm, thân hình tiều tụy, quần áo rách rưới, họ chẳng khác gì những “người rừng” xuất hiện giữa biển.

Sau đó, thuyền trưởng và cai tàu lên boong làm việc với tên tướng của nhóm cướp. Nội dung làm việc thì những thuyền viên như anh Tú không biết cụ thể là gì. Một lúc sau, người thuyền trưởng đi xuống, gặp các thuyền viên và thông báo: Bọn cướp biển Somalia chỉ muốn mượn tàu Shiuh Fu No1 để đánh lừa, cướp các tàu khác. Từ giờ, mọi người phải nghe theo mệnh lệnh của bọn cướp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của cả tàu. Anh em nghe xong, ai nấy đều sợ hãi, có người khóc thành tiếng.

Kể từ đó, họ bị nhốt vào một cái phòng trên tàu. Mọi cử động các thuyền viên đều có người theo dõi. Toàn bộ tài sản như điện thoại, máy tính, vậy dụng cá nhân đều bị bọn chúng “lột sạch”. Trước cửa phòng bao giờ cũng có vài tên cướp tay lăm lăm khẩu súng canh gác. Muốn tiểu tiện, “nặng nhẹ” đều phải được sự đồng ý của bọn chúng. Anh Tú bảo, nhiều hôm vì sợ nên nhiều anh em cố gắng nhịn “nhu cầu”, đến khi không chịu được nữa, mới dám ra hiệu xin đi tiểu. Thế mà có lúc chúng không cho, có người “mót” quá, đành phải “gửi” vào vỏ chai nước đã uống hết, chứ không dám xin thêm lần nữa.

Gần một tháng sau, tên tướng cướp bỗng dưng mất tích không lí do, không dấu vết. Bọn chúng bắt đầu giật thột, nghi ngờ về sự manh động của các con tin. Lũ cướp biển ra sức thắt chặt sự tự do ít ỏi của 26 thuyền viên. Sau khi khám thấy trên người thuyền trưởng có một khẩu súng và 300 viên đạn, bọn chúng liền lôi thuyền trưởng lên boong tàu, đánh đập dã man. Sau đó, chúng quay sang lục tung tàu, hành lý của 26 thuyền viên để kiểm tra. Tuy nhiên không phát hiện ra bất cứ loại vũ khí nào nữa.

Ngày tháng kéo dài, niềm hi vọng về tự do trong họ lại càng mong manh hơn. Mọi người dần chấp nhận thuận theo sự sắp đặt của số phận. Các thuyền viên Việt Nam bắt đầu nghĩ đến những thú tiêu khiển sẵn có để “giết” thời gian. Họ xé những vỏ thuốc lá mà bọn cướp cho thành nhiều mảnh. Mỗi người lại cầm từng mảnh đó, ngồi bóc lớp vỏ bọc bên ngoài, hì hục, tập trung. Một số người vẽ hình các quân bài lên bìa các tông rồi tụ tập đánh phỏm. Một số người khác lấy nhật ký ra viết…

Đợi mãi không thấy động thái nào từ chủ tàu, bọn chúng xồng xộc bắt ba người đẩy vào một chiếc ca nô rồi phóng đi mất hút. Sau đó không lâu, cướp biển quay lại thông báo với mọi người là đã “xử lý” xong. Đến lúc này, tâm lý những nạn nhân còn lại đã trở nên hoang mang cực độ. Họ hi vọng về một ngày được nhìn thấy khuôn mặt mẹ cha và người thương yêu, tuy nhiên, dường như tất cả đã quá xa vời. Mấy ngày sau bọn cướp bất ngờ thả ba người bị bắt lần trước ra, mọi người mới biết chúng chỉ bắt họ nhốt để dọa chủ tàu.

Những tháng ngày sống ở hòn đảo toàn cướp biển

Sau 10 tháng trên biển mà không cướp thêm được chiếc tàu nào nữa, cũng không có tiền chuộc, chúng quay tàu trở lại vịnh, dồn tất cả thuyền viên vào một hòn đảo. Sau này, các thuyền viên mới biết đây chính là mảnh đất an cư của bọn cướp biển.

Những người sống trên đảo, từ người già đến trẻ em đều “hành nghề” cướp biển. Thậm chí có những “tướng cướp” chỉ mới khoảng 9 - 10 tuổi nhưng cũng đã ôm khẩu súng đặt vào đầu thuyền viên. 26 thuyền viên mà mỗi ngày chỉ được phát 3 – 4kg gạo để nấu ăn. Cơm nấu xong có màu đất và mùi ung ủng. Nước ngọt để sinh hoạt do chúng mang đến có mùi thum thủm phân dê, cứ uống là lại nôn. Tình trạng này quá lâu khiến nhiều thuyền viên nhanh chóng bị kiệt sức không thể đi lại được. Ở đó không có nhà vệ sinh, các thuyền viên cứ phải đội mưa đội nắng dưới các khóm cây “giải quyết nỗi buồn”. Mọi người đau yếu, bệnh tật liên miên, nhưng phải bệnh thật nặng, chúng mới cho uống kháng sinh.

Thỉnh thoảng bọn cướp lại cho một thông dịch viên đến “gặp gỡ”, “lắng nghe tâm nguyện” của anh em thuyền viên. Tất cả mọi người không nói với ai nhưng đều đồng thanh hô đòi thả tự do. Lúc đó, người đàn ông ấy cười, bảo mọi người cứ yên tâm, mai là được về rồi, khiến ai nấy đều khấp khởi vui mừng. Tuy nhiên, hết tháng này sang tháng khác, hết “ngày mai” này sang “ngày mai” khác mà chúng vẫn không chịu thả người, khiến các thuyền viên thất vọng não nề.

Ngày 16/7, bọn chúng thông báo cho các thuyền viên là chủ tàu đã gửi tiền chuộc, chỉ ngày mai là mọi người được thả tự do, nhưng chẳng ai tin. Thế rồi, ngày 17/7, tất cả 26 thuyền viên và thuyền trưởng được đưa lên một chiếc tàu chiến. Nhưng không hiểu sao, đi được một đoạn thì chiếc tàu đó bất ngờ quay ngược lại đảo, đổ mọi người lên tàu rồi phóng đi mất hút. Suốt hai ngày chờ đợi mỏi mòn, lúc niềm hi vọng đã rơi thảm hại, thì bóng dáng chiếc tàu chiến bất ngờ xuất hiện, đưa họ về với đất liền.

Đập đầu xuống tàu vì máu không lưu thông được

Thuyền viên Lưu Đình Hùng (SN 1991), quê huyện Nghi Lộc nhớ lại: “Lúc đó, bọn cướp biển trói ngược tay, chân tất cả thuyền viên lại. Họ bó chúng tôi kéo căng người lên 30 - 40 phút khiến không ai còn chút máu nào trên mặt. Lúc được tháo dây trói, nhiều người không đủ sức đứng dậy nữa”. Trong suốt những ngày tháng bị cướp biển bắt, tất cả 12 thuyền viên phải làm phục dịch, kéo ca nô, tháo các bộ phận trên tàu chúng cướp được để bán. Thỉnh thoảng chúng bắt thuyền viên gọi điện báo cho các công ty để yêu cầu nộp tiền chuộc. Khi thấy các công ty có vẻ chậm trễ, chúng lại tăng cường tra trấn anh em thuyền viên và thuyền trưởng để uy hiếp gia đình. “Có lần để tạo áp lực đòi tiền chuộc, bọn chúng đã trói hết chân tay thuyền trưởng vào, kéo căng ra khiến máu không thể lưu thông được. Ông thuyền trưởng phải đập đầu xuống sàn tàu để máu chảy ra”, thuyền viên Trần văn Hùng (SN 1987) cùng ở huyện Nghi lộc, hồi ức lại.

Loan Nguyễn - Hồ Ngọc


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.