Ký ức chợ chạy

Ký ức chợ chạy

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Bạn hỏi tôi giờ này cái chợ chạy lam lũ xóm biển đã “chạy” đến đâu? Thấy những chị, những anh, những em ngay cả hơi thở cũng mặn mòi mùi cá và phảng phất mùi của phiên chợ ế ẩm… bạn thấy thương thương.

Bạn nói Sài Gòn của bạn cũng có những cái chợ chạy như thế nhưng nó sặc mùi phố thị, bán mua bon chen không giống cái chợ chạy lầm lụi, quê mùa, chân chất như miệt đồng Cà Mau quê tôi.

Chợ gì mà đến cái tên cũng không có. Chỉ vì dịch chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, chỉ vì phải “chạy” sất bất sang bang khi đội trật tự đô thị “đuổi” nên chợ có cái tên là chạy. Cái tên chất chứa tất cả sự vất vả, mệt nhọc, sấp ngửa của cuộc sống mà mỗi phận người trong cái chợ chạy ấy đều trôi qua phố rất lặng lẽ, đôi khi chẳng ai nhận ra họ đã tồn tại như thế nào.

Chợ chạy lèo tèo loanh quanh chỉ vài thứ tôm, cá trong đồng, đôi ba mớ rau ở ruộng, ít mớ trái cây trong vườn. Các mẹ, các chị bán những thức nhà quê ấy nâng nui như món quà tặng. Tiếng rao như nhắn nhủ: “Cá mới giăng lưới đó, bán rẻ cho, lấy đi”, “Mớ càng cua này sớm nay mới hái ở gốc dừa về chấm cá kho là nhứt”, “ Chuối cau nè, mua ít trái về cho sắp nhỏ he?”. “Thím Ba, chị Tư, em Năm ơi, có mớ khô sặc ngon nè mua về cho chú Ba, anh Tư, em Năm lai rai xị đế ngày mưa chơi…”… Muốn tìm những thứ xa xỉ màu mè chẳng thể nào tìm được ở nơi giản dị này. Mọi thứ đều lành hiền như tấm lòng nhà quê vậy.

Pháp luật - Ký ức chợ chạyẢnh minh họa

Chợ chạy từ tờ mờ sáng cho đến khi nào người “chạy chợ” bán hết hàng thì… hết chợ. Chạy từ đầu cầu Kiểm Lâm đến cuối bìa rừng phòng hộ. Chạy từ trong đồng, trong ruộng ra tới thị trấn. Cái chợ ấy từ một người mang các thứ rau trái trong nhà ra bán và cứ đông thêm sau tiếng “Ới”: “ Ới, má Sáu ơi, đi bán rau cải hôn?”, “Ới, nhỏ Út hôm qua nói gói bánh ú đem bán giờ có đi hôn?”. Cứ thế đoàn người từ đồng chạy ra phố, lẫn vào khói bụi của “thành thị hóa” khiến cho những bước “chạy” như vấp phải đá, tiếng rao lẫn với tiếng còi xe réo lên ầm ĩ.

Khi mẹ mình còn sống, mẹ cũng theo đoàn người “chạy chợ”. Từ sớm mẹ chuẩn bị mọi thứ chất đầy vào đôi quang gánh, dặn dò mấy chị em ăn uống, đi học, mẹ ăn vội chén cơm nguội rồi tất tả xuống đò sang bên kia sông nhập vào chợ chạy. Có lần tan học ra bến đò đợi mẹ, mẹ xuôi đò trở về, tới giữa sông bất chợt cơn gió ngược xổ tung tóc mẹ… Như mây sóng sánh, tóc bay lên bối rối. mẹ đẹp lạ lùng, đôi mắt người ngời sáng… Sau này mình hay chải tóc cho mẹ, cứ mân mê, áp vào má, vào mặt, hít thật sâu hương nắng gió nhọc nhằn còn vương trên suối tóc dài chấm gót ấy của mẹ. Chợ chạy là cái chợ của những người nghèo, nghèo cả người bán lẫn người mua. Mẹ mình còn gọi là chợ người hiền vì chợ chạy ở quê người ta thương nhau vừa bán vừa cho, nghèo y rang nhau ai nỡ giựt dọc gì, nếu muốn mua mớ cá, lọn rau thiếu tiền thì người ta chặc lưỡi một cái rồi cũng bán thiếu hoặc cho luôn nhau.

Có ai đó giấu biệt cái gốc gác con nhà “chạy chợ”. Họ tránh mùi nặng nhọc từ giọt mồ hôi của những người nghèo không thể nghèo hơn. Họ không dám đụng đến những thức ăn của chợ chạy vì chê dơ bẩn, bụi khói, vì nó được những người quần áo lem nhem, mặt lúc nào cũng ám khói bếp kia chế biến. Cho dù chính những thức ấy đã một thời thơ ấu đã nuôi lớn họ. Mình trở thành thành viên của chợ chạy khi học cấp 2. Mình bán cà chua, rau thơm, hành lá và đôi khi là mớ tôm cua vặt mẹ và em trai mới bắt.

Vẻ quê kệch của mình đôi khi các bạn cười chê, có khi chế giễu vì cái vẩy cá dính trên nếp áo, cọng cỏ vương ống quần và mùi chợ ngấm vào da thịt. Mình chẳng ngại ngần đâu, mình chỉ thấy kiêu hãnh thôi. Mỗi lần đi học qua cái chợ đang chạy xa dần, mình cố len ánh mắt trong ồn ã bán mua kia mẹ mình ở chỗ nào, gánh hàng đầy hay vơi, tóc mẹ có bị gió ngược xổ tung ra không?...

Mẹ mình mất đã lâu, chợ chạy vẫn… chạy. Nhưng dường như đã bớt “hiền” hơn trước cho dù chất mộc mạc, suồng sã, chân quê còn nguyên nơi ấy. Vẫn còn dì Hai, cô Ba, Thím Tư quấn khăn rằn gánh nồi bánh canh, bánh chuối tiếng rao ngọt như mía Phụng Hiệp. Còn em Năm, em Sáu với lọn rau dền, muống đồng, bông súng kèm theo xô cá tôm còn tươi nhảy lách tách. Và cũng còn những dáng ngồi mệt nhọc, ánh mắt trông đợi, lời rao vơi đầy trong buổi chợ trưa, đã “chạy” đến mỏi chân mà gánh hàng chưa hết.

Thỉnh thoảng đi công tác xa, ăn cơm những nhà hàng sang trọng hay vào siêu thị lựa chọn những thứ mình thích mà không cần phải nấu nướng gì cả… mình cứ thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Đêm về nghe tiếng ai rao lạc lõng giữa phố, lọt thỏm trong bộn bề phố thị mới biết mình nhớ chợ chạy, thương chợ chạy. Mình nhớ cái cảm giác ngồi ngoài hè chờ chợ “chạy” đến nhà mình để mua lọn rau, ít cá, thịt. Mình thương đứa bé lẽo đẽo theo mẹ mắt ngơ ngác nhìn những chiếc xe máy phóng xẹt qua nhanh hơn cái xuồng máy ở nhà.

Mình yêu chiếc khăn rằn quấn trên tóc thay nón, quấn trên cổ để tiện lau mồ hôi của các mẹ, các chị… Cho dù quanh quẩn chỉ vài thức ăn quen thuộc, ngày nào cũng giống ngày nào nhưng tất cả đều tươi trong mà chẳng lo nhiễm độc như những thứ màu mè bạn nhìn thấy trên thành phố. Mình mong chợ chạy ở quê thôi thì đừng khoác trên mình cái tên mĩ miều, có một nơi chốn nhất định trong một khu chợ được quy hoạch xây dựng khang trang… Chợ chạy hãy cứ chạy để hồn nhiên, mộc mạc, nhà quê chứ không bán mua bon chen, eo xèo như những khu chợ mĩ miều có tên, có chỗ.

Bây giờ chợ chạy đã tới đâu? Chợ chạy vào phố rồi bạn ạ. Phố ngày càng rộng, cánh đồng ngày càng hẹp, đoàn người “chạy chợ” lủi thủi đi ngang phố, bước chân vội hơn. Hôm qua chờ chợ chạy ngang nhà, thím Năm để lọt tiền bán từ hồi sớm đến ngang buổi sáng, thím hỏi quanh quất coi ai có lượm được cho thím xin lại đặng thím đóng học phí cho cháu nội, đứa nhỏ mặt lem luốc chạy đến đưa thím Năm… Nó đưa mà có vẻ tiêng tiếc vì nó tính tiền nó lượm được mua cái đèn lồng chơi trung thu… Bạn biết không, mắt tôi khi ấy ươn ướt…

Nguyễn Thị Việt Hà/TTCT

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.