Sự sống hồi sinh từ cái chết
Người lính già này tưởng chừng như đã chết trong một trận đánh lịch sử năm 1975, khi chỉ còn hai ngày nữa là nước nhà thống nhất. Đoàn xe tăng của ông chẳng may trúng đạn chống tăng của địch, làm ông bị hỏng hai mắt. Chưa bao giờ ông cảm nhận rõ ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết đến như thế, nghĩ mình sẽ không qua khỏi, dù đau đớn ông vẫn cố ghìm mình, dùng ngón tay thay ngòi bút, lấy dòng máu tươi đang chảy ròng ròng thay mực vẽ, vội vàng phác họa hình ảnh về Bác qua trí mường tượng lờ mờ. May thay, bức vẽ hoàn thành trong giây lát. Trước khi lịm đi, ông vẫn trân trọng đặt lên túi trái ngực ở phía trái tim, dù cho xung quanh mưa bom bão đạn phủ đầy và tiếng đồng đội gọi tên ông không ngớt.
Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng bên cạnh bức tranh vẽ Bác Hồ bằng máu của mình.
Sinh ra ở vùng gió cát Quảng Bình, bên dòng sông Nhật Lệ, 20 tuổi, tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Duy Ứng đi bộ ra Hà Nội để theo học trường Đại học Mỹ Thuật. Năm thứ 3 đại học, theo tiếng gọi tổ quốc, ông hăng hái xung phong vào chiến trường, tham gia vào ban Truyền thống với công việc quay phim, chụp ảnh, vẽ ký họa chiến trường để làm tư liệu lịch sử.
Chính tại mảnh đất Quảng Trị này, ông đã gặp được tình yêu của cuộc đời mình. Người thiếu nữ Hà thành Trần Thị Lê xinh đẹp, nết na cảm phục trước anh chàng họa sĩ, bộ đội đẹp trai, đa tài Lê Duy Ứng, để rồi cả hai quyết định hẹn ước nên duyên vợ chồng khi hòa bình thống nhất. Sau bao nhiêu chia cách, bom đạn ác liệt tàn phá, vậy mà tình yêu của hai người dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Cho đến bây giờ, bà vẫn ở bên cạnh chăm sóc cho ông từng bữa cơm, giấc ngủ, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Họ hạnh phúc với niềm vui thật bình dị mà cao cả. Đại tá, thương binh Lê Duy Ứng vẫn hóm hỉnh đùa rằng: "Chính bà ấy là nguồn sáng của đời tôi".
Nghe họa sĩ già kể về chuyện có thật của đời mình mà tôi cứ ngỡ như một vở kịch, vở kịch ấy quả thật rất giống một câu chuyện cổ tích với kết thúc có hậu. Ít ai có thể tin được rằng, cận kề bên cái chết, sự sống lại được tái sinh. Ông đùa rằng: "Bạn bè và đồng đội vẫn thường trêu tôi là người cao số, mấy lần chết đi sống lại. Vì sau khi bị thương ngất đi, ông được đồng đội đưa vào trạm phẫu thuật tiếp tế gần đó. Do ông đã ngừng thở, nên đồng đội đau buồn quyết định đưa ông vào nhà xác.
Đến khi tỉnh dậy, thấy cổ họng cháy khô, ông thều thào kêu: "Nước, nước!". Một chiến sĩ quân y tình cờ đi ngang qua nghe tiếng kêu yếu ớt vọng ra, vội vàng vào kiểm tra và phát hiện chiến sĩ Lê Duy Ứng đã tỉnh lại. Nếu không có lẽ ông đã bị bom vùi mất xác, vì chỉ ít phút sau đó nhà xác tiền phương ấy bị bom của địch ném xuống tan tành tro bụi.
Vẽ cuộc đời bằng ánh sáng trái tim
Hòa bình lập lại, Lê Duy Ứng được đưa đi điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau với hy vọng chữa lành đôi mắt. Nhưng tất cả đều trở nên vô vọng khi mà đôi mắt ông đã mất đi 91% thị lực. Cuộc đời của ông giờ đây chỉ còn cảm nhận được lờ mờ qua hai màu sáng - tối. Với 9% cơ hội nhìn thấy ánh sáng của mình, có lúc ông tiêu cực, định cướp đi chút cơ hội ít ỏi đó.
Nỗi đau thể xác hành hạ mỗi ngày, nhưng hơn hết là nỗi đau của tinh thần đang giết dần người trai trẻ. Làm sao để nói sự thật cho người yêu biết về tình trạng của mình hiện nay, mà nói ra liệu cô ấy có còn yêu mình nữa không? Bao nhiêu câu hỏi ẩn hiện trong đầu Lê Duy Ứng, cuối cùng ông quyết định im lặng. Nhưng tình yêu không cần chỉ lối đưa đường mà nó tự tìm đến nhau bằng trái tim.
Khi nghe tin người yêu bị bệnh, Trần Thị Lê đã xúc động không cầm nổi nước mắt. Tình yêu trào dâng đã khiến chị quyết định gánh một phần vất vả cuộc đời người mà mình thương yêu. Chị muốn anh có thể hình dung ra gương mặt những đứa con mình qua ký ức hai người đã có về nhau. Câu nói của người yêu khiến Duy Ứng xúc động và khắc sâu đến tận bây giờ: "Anh đừng từ chối em, nếu chúng ta chia tay nhau, rồi anh sẽ có vợ, em sẽ có chồng nhưng anh sẽ không biết mặt vợ mình. Anh đã biết mặt em, sau này nếu sinh con ra giống anh hoặc giống em thì anh sẽ tưởng tượng được mặt con...".
Cuộc sống trở về những tháng ngày hòa bình, yên ả, những đứa con yêu lần lượt ra đời. Đến nay, con cái ông đều đã thành đạt và yên bề gia thất, ông bà lại có thêm thời gian bên nhau. Cuộc sống mỗi ngày của người Đại tá, thương binh hỏng mắt Lê Duy Ứng đều dành cho nghệ thuật. Vì đó là đam mê không thể trì hoãn trong cuộc đời ông, dù chiến tranh đã bất công lấy đi của ông ánh sáng đôi mắt.
Dù không còn nhìn thấy gì nhưng ông vẫn luôn vẽ bằng ánh sáng trái tim.
Họa sĩ Lê Duy Ứng từng nghĩ rằng, hỏng đôi mắt thì sẽ không còn ý nghĩa gì trong cuộc đời. Làm sao ông có thể vẽ, tạc tượng khi mà xung quang ông chỉ còn một thế giới chỉ toàn màu đen u ám? Chán nản, buồn bã vì sự bất lực của mình, không ít lần ông có ý định tìm đến cái chết. Qua câu chuyện kể chân thành của ông, tôi hiểu được những đớn đau của một nghệ sĩ khát khao cống hiến nhưng hoàn cảnh không như ý muốn.
Nhưng rồi bằng tình yêu, bằng ý chí sắt đá của một người lính chiến trường ông đã làm nên một kì tích: Vẽ tranh, tạc tượng chỉ bằng đôi tay và ánh sáng của trái tim. Khi mắt không còn được thấy ánh sáng nữa thì nghệ thuật không cần phải quá trau chuốt, chỉ cần hình khối và ý tưởng, là chủ đề thể hiện tác phẩm. Tôi vẽ bằng cả tình yêu, niềm đam mê và khao khát được nhìn thấy ánh sáng. Tôi vẽ cuộc đời bằng ánh sáng trái tim". Với tâm huyết đó, cho đến tận bây giờ, dù đôi mắt gần như không nhìn thấy gì sau bao lần chữa trị, ông vẫn tin yêu và vẫn sống với nghệ thuật cuộc đời như thể chưa bao giờ được nếm trải.
Khi tôi hỏi, với số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, ông đã có ý định ngừng vẽ chưa? Ông cười bảo: "Tôi sẽ sáng tạo và vẽ đến hơi thở cuối cùng. Không vẽ thì thấy cuộc sống thiếu đi nhiều niềm vui. Dù sức khỏe đôi lúc không cho phép nhưng tôi muốn sống trọn một đời có ý nghĩa, tàn nhưng không phế".
Cho đến nay họa sĩ Lê Duy Ứng đã có trong tay gia tài nghệ thuật của mình với khoảng hơn 3.000 bức tranh, 600 bức tượng, 500 bức kí họa chiến trường, 8 giải thưởng trong và ngoài nước. Những tác phẩm này được ông khai sinh ngay cả khi gần như mù cả hai mắt. Đề tài trong tranh của ông vô cùng bất tận. Cảm hứng về tình yêu đất nước, đồng đội, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những dấu ấn sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc kháng chiến trường kỳ, về đồng đội, người vợ hiền luôn dạt dào trong tâm trí ông. Để mỗi lần khi cầm bút vẽ, ông lặng mình hồi tưởng và phác họa qua trí tưởng tượng và cảm nhận của trái tim. Lạ lùng thay, mỗi bức tranh chân dung ông vẽ, bức tượng ông khắc, dù không được dẫn đường bằng ánh sáng đôi mắt, nhưng tất cả đều có thần. Những bức ảnh ông vẽ Hồ Chủ tịch y chang phong thái, rất sống động... Vì những tác phẩm ấy đều ẩn chứa niềm hạnh phúc vô biên được sống vì lý tưởng, được sáng tác vì tình yêu nghệ thuật. |
Bảo Hằng