Ký ức của những người “truyền lửa” cho các thế hệ tương lai

Nguyễn Đắc Phú

Nguyễn Đắc Phú

Chủ nhật, 27/04/2025 06:00

Với những con người đã từng tham gia chiến đấu, chứng kiến giờ khắc thiêng liêng, sẽ không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử.

Ông Giang Hồng Linh, sinh năm 1947, hiện đang sinh sống tại khu phố 6 (phường Phú Thủy, Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), là một trong những người chứng kiến và tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu khốc liệt của đất nước.

Đặc biệt là trong giai đoạn 1969 – 1974 khi ông đảm nhận vai trò Đội trưởng Đội An ninh vũ trang tỉnh, đóng chân tại Phan Thiết. Mỗi lần tháng 4 về, ông luôn cảm thấy bồi hồi, xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc thiêng liêng của ngày quê hương được giải phóng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Linh cho biết, ông đã tham gia vào các hoạt động cách mạng từ năm 1965, khi còn là du kích mật, và đến năm 1967, ông chính thức được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Ban an ninh Hàm Thuận, trước khi chuyển về Ban an ninh tỉnh. Từ năm 1969 cho đến khi đất nước giải phóng, ông Giang Hồng Linh là Đội trưởng Đội an ninh vũ trang tỉnh và trực tiếp tham gia vào các hoạt động chiến đấu.

Theo ông Linh, khoảnh khắc chiến dịch Hồ Chí Minh thành công, giải phóng miền Nam và trong đó có Phan Thiết, là một sự kiện vô cùng trọng đại không chỉ đối với những người dân đất Việt mà còn đối với chính những chiến sĩ như ông.

Ký ức của những người “truyền lửa” cho các thế hệ tương lai- Ảnh 2.

Ông Giang Hồng Linh.

"Mỗi khi nghe tin về chiến thắng, chúng tôi lại càng thêm mạnh mẽ. Đặc biệt khi biết rằng quê hương Phan Thiết chính thức được giải phóng, chúng tôi cảm thấy như mình đã thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình", ông Linh bộc bạch.

Sự kiện giải phóng Tp.Phan Thiết mang đến một niềm vui trào dâng trong lòng người dân, cán bộ, đảng viên. Mọi người chuẩn bị sẵn sàng để đón chào các lực lượng vào tiếp quản thị xã. Ông Linh mô tả không khí lúc đó: "Bà con chuẩn bị mọi thứ để chào đón các lực lượng vào tiếp quản. Người thì vẫy cờ, người thì cầm hoa từ trong vườn nhà, tất cả đều rất bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng, vì đó là giây phút của độc lập và tự do".

Sau khi lực lượng giải phóng tiến vào tiếp quản, với sự hợp tác của các lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương, các đội công tác, và sự đồng lòng của nhân dân, Phan Thiết đã được tiếp quản trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, công việc không hề đơn giản, bởi Phan Thiết còn nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết.

Ông Linh kể: "Lúc đầu, mọi thứ đều rất phức tạp, từ chuyển từ thời chiến sang thời bình, đến những tàn dư của chế độ cũ, bọn ngụy quân, ngụy quyền vẫn còn. Chúng tôi phải tập trung ổn định an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tình trạng vượt biên, vượt biển lúc bấy giờ cũng khá phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác an ninh của chúng tôi đã dần ổn định".

Trong khi đó, ông Lê Văn Vĩnh, sinh năm 1945, khi đó là Đội trưởng Đội công tác Phú Trinh, cũng được giao nhiệm vụ về tiếp quản Phan Thiết. Ông nhớ lại những ngày tháng ấy, đặc biệt là buổi trưa ngày 19/4/1975, khi ông và đội công tác bắt tay vào công việc tiếp quản và củng cố tổ chức Đoàn Thanh niên.

Ký ức của những người “truyền lửa” cho các thế hệ tương lai- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Vĩnh.

"Chúng tôi từ ngoài rừng về, với khí thế của tuổi trẻ, cảm xúc lúc đó thật thiêng liêng. Chúng tôi cảm thấy như đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả, và nước mắt không thể ngừng rơi. Đó là sự xúc động vô bờ vì hạnh phúc và niềm tự hào", ông Vĩnh chia sẻ.

Sau giải phóng, ông Lê Văn Vĩnh tiếp tục làm công tác Đoàn, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Thị xã Phan Thiết và đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên. Ông cũng bày tỏ niềm vui mừng khi thấy thế hệ trẻ thời bấy giờ đầy nhiệt huyết và sẵn sàng tham gia vào công cuộc xây dựng quê hương.

Ông Giang Hồng Linh và ông Lê Văn Vĩnh đều tiếp tục đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp phát triển đất nước sau ngày giải phóng. Ông Linh giữ các chức vụ quan trọng như Phó Bí thư – Chủ tịch UBND Thị xã Phan Thiết (1992 – 1995) và Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận (1995 – 2007). Ông Lê Văn Vĩnh là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Phan Thiết từ năm 1985 đến khi nghỉ hưu vào năm 1990.

Năm 2025, khi kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, các cựu chiến binh như ông Linh và ông Vĩnh nhìn lại hành trình đã qua và không khỏi xúc động. 50 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức của những ngày tháng gian khổ vẫn không phai mờ. Chính những cống hiến của họ trong suốt quãng thời gian chiến đấu và xây dựng sau giải phóng đã góp phần đưa Tp.Phan Thiết, Bình Thuận từ những ngày khó khăn lên con đường phát triển. Những nỗ lực ấy không chỉ là nguồn động viên to lớn cho thế hệ đi sau, mà còn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hôm nay học hỏi, noi theo.

Ông Giang Hồng Linh tâm sự: "Nhìn lại sự phát triển của quê hương hôm nay, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Người dân ngày càng có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Đó là món quà quý giá nhất mà chúng tôi nhận được từ những hy sinh và cống hiến của mình". Thế hệ của họ đã và đang tiếp tục truyền ngọn lửa yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh cho các thế hệ tiếp theo.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.