Ký ức không thể nào quên
Trong 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975), đất nước ta đã sản sinh đội quân bí ẩn và kỳ lạ ngay giữa lòng địch với biệt tài xuất quỷ nhập thần. Đội quân ấy mang tên “Biệt động Sài Gòn”. Biệt động Sài Gòn đã đánh những trận táo bạo, liều lĩnh và bất ngờ vào các mục tiêu trọng yếu, biến hậu phương của địch thành chiến trường rực lửa, không lúc nào ngơi tiếng súng. Đặc biệt là nhiệm vụ đánh Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968.
Ít ai biết rằng, thành phần tham gia trận đánh sống còn ấy có một cô gái trẻ đó là nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa, cựu biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn). Bà sinh năm 1949, tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM) trong một gia đình có 8 anh chị em. Khi còn là một cô bé 12 tuổi, Chính Nghĩa đã làm nhiệm vụ liên lạc trong các cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị tại xã. Vùng quê đất thép đã hun đúc cho bà ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặc cướp nước.
Người con gái trẻ vùng đất thép quyết tâm theo cách mạng, quyết cầm súng chiến đấu để giải phóng đất nước. Năm đó, Chính Nghĩa mới 16 tuổi. Cũng trong năm ấy, bà được kết nạp Đoàn.
Vào Đoàn một năm, bà được bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Đoàn. Trên vai trò mới, bà không muốn mình cứ mãi hoạt động ở địa phương. Chính Nghĩa mong muốn mình được tham gia lực lượng kháng chiến tại thành phố để vừa học hỏi tài xuất quỷ nhập thần của các chiến sĩ đi trước, vừa góp phần vào nhiệm vụ chung là đánh đuổi giặc xâm lược.
Cơ hội đến với Chính Nghĩa vào năm 1965, khi đội 5, Biệt động Sài Gòn về địa phương xin người đi công tác tại thành phố. Nghĩa được giới thiệu vào đơn vị này. Sau lớp học trinh sát thực địa, Nghĩa được tổ chức phân công làm giao liên giữa nội thành Sài Gòn và vùng căn cứ Củ Chi.
Nhiệm vụ đầu tiên khiến bà nhớ mãi là khi tổ chức giao cho một chiếc xe máy với nhiệm vụ đón lực lượng biệt động sau khi lực lượng này tấn công tổng nha cảnh sát của địch. Đang ngồi ăn sáng tại đường Vĩnh Viễn (quận 10), bà nghe tiếng súng nổ gần như ngay lập tức, Chính Nghĩa thấy 2 xe của lực lượng mình chạy về phía bà. Các đồng chí này nhanh chóng bỏ xe, dùng chiếc xe máy mà tổ chức giao cho bà trước đó chạy trốn. Vì tình hình nguy cấp, bà bị bỏ lại. Dù chưa thông thuộc địa bàn thành phố, nhưng với sự thông minh vốn có, bà đã về đến nơi lực lượng của mình đóng quân.
Gia nhập lực lượng biệt động thành với mong muốn được cầm súng chiến đấu, nhưng suốt nhiều năm liền sau đó, Chính Nghĩa chỉ được giao làm giao liên, vận chuyển vũ khí, đưa thư từ. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chính Nghĩa được ông Tô Hoài Thanh (bí danh Ba Thanh, Đội trưởng đội 5, Biệt động Sài Gòn) gọi lên hỏi có mong muốn gì không? Chính Nghĩa trả lời dứt khoát là muốn trực tiếp cầm súng chiến đấu. Mong muốn của bà được cấp trên đồng ý. Bà hồi hộp và sung sướng chờ thời khắc được trực tiếp chiến đấu.
Ban đầu, đội 5 được giao đánh vào sở chỉ huy của địch ở quận 5 (TP.HCM). Nhưng đến phút chót, đơn vị được thông báo thay đổi mục tiêu công kích. Đội 5 được chuyển sang đánh vào mục tiêu quan trọng hơn là Dinh Độc Lập. Mọi người đều sửng sốt nhưng ai cũng quyết tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Khoảng 1h30 mùng 2 Tết, đội Biệt động 15 người đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 chiếc Honda, Chính Nghĩa là cô gái duy nhất được tham gia trận đánh. Đội xuất phát từ 2 hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200kg có nhiệm vụ phá cổng nhưng khối thuốc không nổ. Lực lượng phòng vệ của quân đội Mỹ, chính quyền Sài Gòn sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người hy sinh tại chỗ.
Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ Biệt động tiêu diệt. “Chiến đấu với địch nhiều giờ liền, 7 người đã hy sinh. Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 người còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tiếp tục cố thủ. Suốt một ngày, vừa đói vừa khát nhưng những chiến sĩ biệt động vẫn chống trả quyết liệt. Tại đây, thêm một người nữa hy sinh”, bà Chính Nghĩa nhớ lại.
Hồi tưởng lại trận đánh, bà Chính Nghĩa cho biết: “Sau một ngày cố thủ chiến đấu, đến sáng mùng 3 Tết, quân địch bao vây, bố ráp khiến tình hình ngày càng nguy cấp. Lúc này, 7 người còn sống sót chui qua những lỗ hổng trên tường cao ốc trèo xuống, bí mật đi qua nhiều mái nhà và rồi trổ mái ngói xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân. Sau đó, chúng tôi bị địch phát hiện, bao vây. Cuối cùng, tất cả đều bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng không ai khai ra nửa lời”.
Mừng xuân này, lại nhớ xuân xưa
Phần ký ức bi tráng nhất, day dứt nhất trong cuộc đời nữ biệt động thành là sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Chỉ sau một đêm chiến đấu, bà tận mắt chứng kiến hơn một nửa lực lượng trong đội của mình hy sinh. Người Đội trưởng mà bà luôn yêu kính đã hy sinh trên tay bà vì bị thương nặng. Thời khắc lịch sử đó, người con gái vùng đất thép Củ Chi can trường, gan góc đã khóc.
Những người may mắn sống sót trong trận đánh ấy cũng rơi vào tay giặc. Bà Nghĩa cũng bị bắt sau khi cùng các đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chính Nghĩa đã lần lượt qua các nhà tù Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo.
Năm 1974, bà được trao trả tự do. Với Chính Nghĩa, được sống trong hòa bình, độc lập đã là một điều may mắn tột cùng so với nhiều anh em biệt động khác. Vậy nên về phần mình, bà bảo không có gì phải ân hận, băn khoăn. Chỉ có nỗi day dứt là nhiều đồng chí, đồng đội đã mất chưa tìm thấy hài cốt, nhiều người còn sống vẫn chưa được ghi công một cách xứng đáng.
Người con gái can trường duy nhất có may mắn được tham gia trận đánh ấy giờ đã là mẹ của hai người con, là bà của 4 đứa cháu. Bà sống tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Ký ức trận đánh năm xưa vẫn còn đó nhưng nhiều người trong số lực lượng tham gia đánh mục tiêu Dinh Độc Lập năm xưa ấy đã ra đi.
50 mùa xuân trôi qua, bà luôn nhớ đến những người đồng chí, đồng đội đã cùng sát cánh bên bà, dù cho giờ họ đã khuất. Mừng xuân mới, bà lại nhớ xuân xưa, mùa xuân mà bà đã cùng các đồng đội của mình không đón Tết. Mùa xuân ấy mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với tên gọi: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.