Tham gia Fulro để tìm bản chất thật
Vốn không để tâm trí nghỉ ngơi, sau ngày về hưu, ông giáo làng K’Broh (60 tuổi, ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn giữ thói quen ghi ghi, chép chép bên góc bàn làm việc khiêm tốn. Ông lặng lẽ nhưng nghiêm cẩn với công việc như một nhà nghiên cứu thực thụ.
Biết chuyện tôi tìm gặp ông về việc ông từng tham gia chiêu hàng những nhân vật thuộc tổ chức phản động Fulro khét tiếng tại địa phương, ông bất giác cười lớn và cho rằng đó là điều không đáng để bàn vì “nó nhỏ nhoi quá”. “Sau giải phóng, người dân ở đây không hiểu gì về cách mạng. Dù lúc này, tại địa phương toàn là quân giải phóng nhưng người dân vẫn sợ chưa tin vào cách mạng. Do đó, họ theo Fulro, gia nhập vào để chống lại quân giải phóng, chống lại cách mạng”, ông nói.
Cũng theo ông, trong những người của địa phương theo Fulro, ông còn nhớ có người tự phong mình là Đại tá tỉnh trưởng, Trung tá quận trưởng, … Lúc đó, trong thôn K’Ming (huyện Di Linh) không một thanh niên nào không tham gia Fulro. Sức hút của Fulro khiến ông tò mò, tự đặt ra câu hỏi vì sao Pháp, Mỹ không đánh được cách mạng mà Fulro lại nói sẽ thắng quân giải phóng. Để tìm câu hỏi này, ông quyết định gia nhập hàng ngũ Fulro.
Và rồi, ông nhận thấy, bản chất của tổ chức này khác xa với những gì họ tuyên truyền. Ông nhớ lại: “Một lần, tôi được người dân báo, Fulro bắt một cậu học trò của tôi. Cậu này lúc đó làm du kích xã. Lúc cậu ấy bị bắt, Fulro không cho cậu ăn cơm. Người dân báo cho tôi biết, chúng sẽ tử hình học trò tôi vào 8h sáng hôm sau.
Lúc này, tôi vô cùng bất ngờ và không hiểu vì sao lại có sự việc lạ lùng này. Tôi nhận ra ngay rằng, phong trào Fulro này chưa đem lại bất cứ lợi ích nào cho bà con mà đã có ác ý là muốn giết lẫn nhau, giết đồng bào của mình”.
“Tôi quyết định đến nơi học trò tôi bị nhốt và gặp trực tiếp K’Đêm, người tự phong là Trung tá tỉnh trưởng tỉnh Lâm Đồng. Tôi nói rằng, cùng là người đồng bào với nhau, ông đi giết anh, em con cháu của mình làm gì. Nếu ông có giỏi thì đi giết ông cách mạng thôi. Nếu ông làm được, tôi mới tin và phục ông là tỉnh trưởng.
Bây giờ, ông đi giết con cháu của tôi. Nhà nó cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng phải đi làm du kích đánh Mỹ, nó tội tình gì ông đi giết nó. Tôi đi nói cho dân, dân sẽ không tin ông nữa. Dân không tin ông, ông sẽ bị cô lập ngay. Rồi tôi đòi ông ta thả cậu học trò về, trả lại súng cho cậu ấy.
K’Đêm đuối lý, yêu cầu tôi ký giấy tờ chịu trách nhiệm nếu cậu học trò ấy gây ra tổn thất cho hắn ta. Tôi đồng ý ký ngay và ông ta cho người thả cậu ấy về”, ông kể thêm.
Giải cứu được cậu học trò, ông ghé tai cậu thanh niên vừa thoát khỏi cửa tử nói: “Mày về rồi đừng bao giờ quay lại với bọn Fulro này nữa”. Thế rồi, điều ông ước mong và trông thấy từ trước cũng đã đến. Miền Nam được giải phóng, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Lúc này, Fulro không còn chỗ dựa, điều chúng nói, dân Tây Nguyên không còn ai tin. Hàng ngũ Fulro từ từ tan rã.
Những đối tượng cầm đầu phong trào Fulro của tỉnh Lâm Đồng bỏ rừng trở về ẩn náu trong các buôn làng. Lúc này, ông K’Broh đang công tác tại một đơn vị xe tăng đóng tại thôn Di Linh Thượng 2. Chỉ huy trưởng của đơn vị này là anh Nguyễn Thanh Bình đã tìm gặp và nhờ ông K’Broh thực hiện công tác vận động những tay chỉ huy của Fulro ra hàng.
Đối mặt tên phản động Fulro khét tiếng
Ông kể: “Nắm được thông tin Trung tá K’Đêm đã rời rừng, đang ẩn náu tại thôn K’Ming, anh Bình trao đổi với tôi việc nhờ tôi vận động ông này ra hàng.
Lúc này, K’Đêm là nhân vật khét tiếng trong hàng ngũ Fulro ở tỉnh Lâm Đồng. Tôi chưa vội nhận lời ngay mà tự mình đi điều tra. Tôi hỏi các già làng thì được biết, Trung tá K’Đêm, Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Đồng đang trốn trong bồ lúa ở chòi của vợ hắn ta.
Tôi đến gặp anh Bình thì anh nói tôi đến đó chiêu hàng K’Đêm. Tôi nói luôn cho anh Bình biết là K’Đêm còn 2 quả lựu đạn, 2 băng đạn Colt.45 trong khi tôi không hề có vũ khí để phòng thân và xin được hỗ trợ. Tuy nhiên, người này khẳng định, tôi hoàn toàn có khả năng chiêu hàng K’Đêm và tin tưởng tôi tuyệt đối. Sau đó, tôi nhận lời”.
Khoảng 4-5h chiều, K’Borh một mình đến căn nhà của vợ K’Đêm ở thôn K’Ming. Gặp vợ tỉnh trưởng, K’Broh bình tĩnh hỏi ông K’Đêm đi đâu rồi. Thoáng chút giật mình, người phụ nữ cho biết, chồng mình vào rừng chưa về.
Vẫn vẻ mặt bình thản, ông K’Broh nói: “Hôm qua, người ta nói đã thấy ông Đêm về rồi, ông còn đang núp trong căn chòi đựng lúa ở kia?”. Không còn đường chối, vợ ông tỉnh trưởng tự phong thú nhận sự thật và để ông K’Broh một mình lên căn chòi, nơi K’Đêm đang ẩn nấp.
Đến nơi, ông nói vọng vào: “Anh Đêm ơi, anh cứ nấp hoài trong chòi lúa thế này không ổn đâu. Cách mạng đang kêu gọi anh đầu hàng đấy. Anh Bình bộ đội xe tăng ở đây bảo tôi đến kêu gọi anh ra hàng đấy. Nếu anh không ra hàng, anh sẽ gặp nhiều nguy hiểm đấy. Anh ra hàng đi”.
Nghe những lời tự đáy lòng từ vị thầy giáo đầy uy tín của buôn làng K’Ming, K’Đêm cũng nói lời ruột gan: “Thầy nói vậy sao được. Làm sao tôi ra hàng được. Tôi là trung tá, tỉnh trưởng mà”. Nghe những lời ấy, ông K’Broh biết, ông tỉnh trưởng tự phong đã bị lay động tinh thần và chỉ chờ được đáp ứng một yêu sách nào đó.
Ông K’Broh dũng cảm trả lời: “Sài Gòn giải phóng rồi. Trung tá tỉnh trưởng của anh không ăn thua nữa đâu. Bây giờ anh ra hàng là tốt nhất”. Biết bị nắm thóp, K’Đêm không còn cách nào khác là chấp nhận yêu cầu đầu hàng quân giải phóng. Tuy nhiên, y vẫn muốn vớt vát chút sĩ diện còn lại của một chức danh tự phong.
Ông K’Broh kể: “Sau câu trả lời ấy của tôi, K’Đêm nói sẽ chấp nhận ra hàng. Tuy nhiên, ông ta vẫn đặt ra yêu sách là nhờ tôi đưa cho anh Bình bức tâm thư của mình để người này chuyển cho Thượng tướng Trần Văn Trà. Sau này, tôi được biết trong thư K’Đêm yêu cầu Thượng tướng Trà không tù đày, tử hình mình sau khi ra hàng.
Tôi đồng ý, rồi từ từ đi vào chòi yêu cầu ông ta giao nộp 2 quả lựu đạn, 2 băng đạn. Tôi còn lục thấy 1 khẩu súng nữa nên đem bàn giao cho anh Bình. Bàn giao xong vũ khí, tôi vào chòi dẫn ông Đêm ra, rồi nói vui với anh Bình là bây giờ bộ đội và Fulro bắt tay nhau đi để ông Đêm không phải sợ nữa”.
Sau khi được tin thầy giáo K’Broh tay không tấc sắt chiêu hàng thành công Trung tá, Tỉnh trưởng K’Đêm khét tiếng, quân giải phóng tiếp tục vận động ông kêu gọi K’Đên, Thiếu tá, Tham mưu trưởng của Fulro tại Di Linh. Sau K’Đêm, K’Đên, ông K’Broh kêu gọi thành công Đại úy Quận trưởng Briu Xe, thông dịch viên K’Ra cùng nhiều nhân vật cốt cán trong bộ sậu của tổ chức Fulro tại địa phương.
Với chiến công trên, mặc dù từng tham gia phong trào Fulro nhưng ông K’Broh không phải đi cải tạo. Ngược lại, ông được Chủ tịch xã Gung Ré (huyện Di Linh) thời điểm đó mời về làm cán bộ Văn hóa thông tin.
Sau đó, ông được phát triển Đảng rồi giữ chức Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy xã Gung Ré. Về sau, ông tiếp tục được chính quyền huyện Di Linh tin tưởng, rút về làm cán bộ. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện rồi Phó ban Dân vận huyện ủy huyện Di Linh. Năm 2005, ông nghỉ hưu.
Tiếp tục công tác giảng dạy sau khi về hưu
Ông Nguyễn Canh, Chủ tịch HĐND huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trước đây, ông K’Broh từng giữ chức Phó ban Dân vận huyện ủy huyện Di Linh. Ông về hưu từ năm 2005. Đúng là trước đây khi chưa về làm cán bộ tại địa phương, ông có tham gia lực lượng Fulro rồi kêu gọi một số nhân vật của lực lượng này đầu hàng cách mạng. Sau đó, ông từng trải qua nhiều vị trí trong bộ máy chính quyền cấp xã rồi cấp huyện đến khi về hưu. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục tham gia một số lớp dạy tiếng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”.