Trong quá trình trò chuyện, tôi luôn cảm nhận được sự xúc động, tôn kính của đại tá mỗi khi nói về Bác và luôn gần gũi như thể ông vẫn đang là người vinh dự được phục vụ Bác vậy. Và trong không khí tết đang đến gần, kỷ niệm những cái tết được ở bên Bác lại sống động hơn cả.
"Thấm và ngấm" phong cách của Bác
Đại tá Trực sinh năm 1932 trong một gia đình bình thường như bao gia đình khác ở vùng quê bán sơn địa. Năm 18 tuổi (năm 1950), ông tham gia lực lượng Thanh niên xung phong và từng đi phục vụ Chiến dịch biên giới ở Tây Bắc, sau đó là các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám.
Đại tá Trực hiện nay
Đại tá Trực kể: "Nhiệt huyết tham gia đánh đuổi thực dân, đế quốc, phát xít xâm lược của thanh niên ngày ấy luôn sục sôi. Song, khi đã được tham gia vào chiến dịch lớn, tôi vẫn bồi hồi, thoáng chút lo lắng với suy nghĩ, mình sẽ đóng góp phần việc nhỏ bé như thế nào?".
Vì hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tháng 2/1955, ông Trực chính thức được nhận vào công tác tại ngành công an và tham gia một khóa huấn luyện nghiệp vụ. Theo đại tá Trực, đây là khóa huấn luyện rất lạ, thú vị đối với một thanh niên mới lớn như ông. Thời điểm đó, ông không biết rằng được huấn luyện như vậy thì sẽ được phân công làm công tác gì? ông cùng một số anh em cứ âm thầm học, tập luyện, vậy thôi. Những tình huống, những giả định như thật trong bài tập nghiệp vụ đã cho ông cái nhìn lạc quan cũng như rất rõ ràng về công việc trước mắt cũng như sau này của người chiến sỹ công an.
Đại tá Trực kể: "Khi biết mình có tên trong danh sách được cùng với đội cảnh vệ tháp tùng Bác Hồ đi viếng nghĩa trang liệt sỹ vào ngày 2/9/1955 - ngày Quốc khánh lần thứ 10 thì tôi đã định nhảy và hét lên vì sung sướng. Song cảm xúc đó đã được kìm nén lại, đúng như những gì tôi được huấn luyện trước đó. Và trong suy nghĩ của tôi lúc đó xuất hiện chữ vinh dự kèm với trách nhiệm".
Sau lần đó, ông được điều về làm cảnh vệ vòng ngoài của Phủ Chủ tịch. "Có nghĩa là được nhìn thấy Bác thường xuyên hơn, được thấy dáng Người hàng sáng tập thể dục, cho cá ăn, chăm sóc cây, nâng niu trái quả, ngồi trầm tư... Những cử chỉ, lời nói, việc làm đơn giản, bình dị, thường ngày đó cứ thấm, ngấm dần vào tính cách, cuộc sống của những chiến sỹ bảo vệ, phục vụ Bác như chúng tôi..." - vị đại tá già nhớ lại.
Qua tìm hiểu, tôi rất tâm đắc lời đại tá Trực nói về cái sự "thấm và ngấm" ấy. Hiện tại, cuộc sống của đại tá Trực cũng rất bình dị. Cả 5 người con của ông đã trưởng thành và ra ở riêng, hàng ngày ông vui với ngôi nhà nhỏ, đầy cây xanh và ao cá. Dù tuổi đã thượng thọ nhưng ông vẫn thích lội ao, vớt cái bèo, cho con cá ăn, quét dọn vườn tược, tỉa cây... Và có một thói quen ông chưa bao giờ không làm, đó là sáng sáng dậy tập thể dục và nghe chim hót.
"Các chú lại bố trí rồi!"
Đại tá Trực kể: "Trong sự nghiệp, tôi có 5 năm là bảo vệ và 2 năm được trực tiếp phục vụ Bác Hồ. Tất cả những gì liên quan đến 7 năm này là ký ức tôi không thể quên. Trong rất nhiều những sự kiện diễn ra trong thời gian đó, có những sự kiện là dấu ấn quan trọng.
Tháng 6/1957, lần đầu tiên Bác trở về thăm lại quê Nghệ An. Bác đã đau đáu mong chờ chuyến trở về quê sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước. Lần đó, tôi được tham gia bảo vệ Bác. Cũng năm đó, tôi được kết nạp Đảng. Kết nạp Đảng xong, tôi được ông Vũ Kỳ phân công nhiệm vụ là trực tiếp bảo vệ Bác trong Phủ Chủ tịch. Cảm xúc lúc nhận nhiệm vụ mới lạ lắm, vinh dự xen lẫn mơ hồ trong thoáng qua của sự lo lắng. Lúc đó, tôi hiểu nghiệp vụ mà mình được huấn luyện, luyện tập bắt đầu phải ứng dụng tối đa trong sự sáng tạo của cái chuẩn đến từng chi tiết nhỏ nhất".
Theo Đại tá Trực, bảo vệ Bác trong Phủ Chủ tịch là việc thường ngày nhưng bảo vệ Bác ra ngoài thì phức tạp hơn nhiều. Khi ra khỏi Phủ Chủ tịch, Bác luôn muốn tận mắt nhìn thấy mọi thứ, trực tiếp tiếp xúc, hỏi han mọi người. Phần lớn những sự bố trí của cảnh vệ đều bị Bác phát hiện và thay đổi lịch trình.
Lực lượng cảnh vệ đang hộ tống một đoàn đại biểu
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III thành công tốt đẹp, Bác muốn đi thăm bà con nông dân, muốn trực tiếp ngắm nhìn đồng lúa, nhìn bà con nông dân gặt lúa. Cánh đồng lúa ở khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) được bố trí để đưa Bác đến thăm nhưng khi phát hiện ra, Bác đã yêu cầu lái xe tiếp tục chạy mà không dừng lại nơi cảnh vệ đã bố trí trước. Bác còn nói vui nhưng chứa đựng sự phê bình rằng: "Các chú lại bố trí rồi"!. Cả đoàn lo lắng nhưng Bác bình thản và vui lắm.
Xe chạy đến cánh đồng lúa ở huyện Đan Phượng, thấy nhiều bà con đang gặt lúa, nói chuyện rộn ràng, khuôn mặt ai cũng tươi rói vì mùa vụ bội thu, Bác yêu cầu dừng xe. Bác xuống xe, xuống ruộng, đến hỏi han người nông dân đang gặt lúa. Nhận ra Bác, mọi người đều vui, xúc động. Bác vui, người nông dân xúc động còn cảnh vệ và phục vụ như Đại tá Trực thì lo lắng...
Sau 7 năm vinh dự được phục vụ Bác, năm 1962, đại tá Trực đi học nghiệp vụ ở Liên Xô (cũ), rồi về làm giảng viên Học viện An ninh. Năm 1976, Đại tá được cử về giảng dạy tại Trường Đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào. Năm 1990, nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Đại tá được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất, và Huân chương tự do hạng nhì của nước bạn Lào. |
Đại tá Trực thừa nhận: Bác ra ngoại ô, thăm nông dân, trẻ em, trí thức... phương án tác chiến của cảnh vệ, phục vụ nhẹ nhàng hơn. Bác đi thăm những nơi công cộng, chợ... quả thật, anh em cảnh vệ phải linh hoạt đến tối đa có thể. Cụ thể, chiều 30 Tết năm 1960, Bác quyết định đi thăm chợ Đồng Xuân xem bà con tiểu thương buôn bán, đồng bào mua hàng, sắm Tết thế nào. Kế hoạch của cảnh vệ đề xuất là có người sẽ đến giúp Bác cải trang nhưng Bác không đồng ý. Bác tự mặc áo bông, đội mũ và quàng khăn che bộ râu rồi đi. Bác đến khắp các dãy hàng trong chợ, qua từng cửa hàng, đứng nhìn, ngắm, thậm chí hỏi mua hàng thế mà không ai nhận ra Bác.
Khi đi đến dãy hàng cuối cùng của chợ, có một cháu thiếu niên theo mẹ đi chợ, nhận ra Bác. Có lẽ do bất ngờ và sung sướng nên cháu chỉ kịp thốt lên lời "A... Bác Hồ! "thì rất may cảnh vệ kịp phát hiện và yêu cầu giữ im lặng. Bác không biết chi tiết đó vẫn vừa đi vừa nhìn đồng bào mua sắm rồi đi thẳng ra xe. Trong những chuyến đi công tác, Bác thường đến thăm người lao động, thiếu niên, nhi đồng, thăm nơi họ làm việc, sinh hoạt trước khi đến trụ sở chính quyền, nhà máy. Bác muốn biết tình hình làm việc, sinh sống của đồng bào trước khi làm việc với chính quyền, với lãnh đạo nhà máy. Đặc biệt, Bác luôn ăn, ở, sinh hoạt cùng đội ngũ cán bộ đi cùng trong những chuyến công tác dài ngày và với tác phong giản dị, tiết kiệm...
"Được Bác quý mến, dạy bảo, uốn nắn... là phần thưởng lớn của anh em cảnh vệ và đội ngũ phục vụ" - Đại tá Trực bày tỏ. Vào ngày nghỉ, Bác luôn tổ chức và trực tiếp cùng cảnh vệ, đội ngũ phục vụ xem phim hoặc ngồi chơi trò gì đó. Có thể là đố vui; có thể là hỏi kiến thức địa lý, lịch sử; có thể là đặc tính của cây; của con cá... Rất vui và chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất dễ nhớ. Ngày lễ, ngày Tết, Bác hầu như vẫn làm việc, vẫn tiếp khách, nhất là khách quốc tế vào dịp tết cổ truyền nên cảnh vệ, người phục vụ vẫn phân công thay nhau trực.
Vũ Hoàng Quế Ngân