Tổ trinh sát đặc biệt
Vốn quê ở miền Bắc nhưng sau khi kết thúc chiến tranh, với niềm vui đất nước thống nhất, ở đâu cũng là nhà mình nên Binh nhất Đỗ Xuân Hương (SN 1955) quê ở xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình quyết định ở lại miền Nam để lập nghiệp. Hiện tại, ông Hương cùng gia đình đang sinh sống và làm việc tại xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trong suy nghĩ của người dân nơi đây, ông Hương chính là niềm tự hào, là nhân chứng sống của một thời nảy lửa, gian khổ mà hào hùng. “Chú Hương là người của quần chúng, luôn gần gũi với người dân huyện đảo này. Chúng tôi được biết chú ấy đã từng cắm cờ trên nóc Bộ Tổng Tham mưu ngụy, đó là niềm tự hào không chỉ của chú ấy mà còn là câu chuyện tự hào để người dân ở xã Gành Dầu này dạy bảo con cháu về lịch sử của dân tộc", một hàng xóm của gia đình ông Hương nói.
"Gia đình có khá đông anh em nên khi đất nước chiến tranh, tôi đã chủ động gửi đơn xin tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Hết thời gian huấn luyện, tôi được phân về đơn vị D2 E48 F320B Quân đoàn 1 (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 - PV) chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị khói lửa. Những ngày đầu tháng 4/1975, do chiến trường miền Nam đang chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công lớn nên tôi đã được đơn vị tăng cường vào đây chiến đấu giải phóng miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng Sài Gòn - Gia Định được bắt đầu, tôi và hai đồng chí Trịnh Bá Uẩn (SN 1955) và Nguyễn Duy Đông (SN 1954) vinh dự được đơn vị lựa chọn để thành lập tổ trinh sát đặc biệt có nhiệm vụ dẫn đường cho lực lượng bộ binh thọc sâu vào đầu não của địch. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là nắm tình hình, đánh chiếm, dẫn đường cho các đơn vị khác đánh chiếm các cụm cứ điểm của địch. Sau đó, tổ trinh sát được tăng cường về Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 và được phân nhiệm vụ mới là đánh, chiếm và cắm cờ lên nóc nhà Bộ Tổng Tham mưu ngụy”, ông Hương nhớ lại.
Uống vội ngụm trà, người cựu chiến binh tiếp tục chia sẻ với PV: “Ngày 29/4/1975, đơn vị của chúng tôi nhận nhiệm vụ phối hợp với Đại đội 6 và Đại đội 8, Tiểu đoàn 2 tấn công nút Tân Uyên, một trong những cửa ngõ quan trọng dẫn vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Sáng 30/4/1975, tổ chúng tôi ngồi trên xe tăng dẫn bộ binh đánh vào các chốt ở cầu Bình Triệu, cửa ngõ dẫn vào trung tâm đầu não của ngụy quân. Lúc này, tôi và đồng chí Uẩn tiếp tục được giao nhiệm vụ bằng mọi cách tìm đường dẫn vào trụ sở của địch, nhưng rất khó khăn bởi hoả lực của chúng vẫn còn chống trả quyết liệt. Sau khi tiêu diệt được nhiều cứ điểm, phá huỷ nhiều xe tăng, xe bọc thép, chúng tôi bắt sống được một số tên địch, rồi bắt chúng dẫn đường tới trụ sở Bộ Tổng Tham mưu”.
Thời điểm này, đám tàn quân bảo vệ Bộ Tổng Tham mưu ngụy vẫn ngoan cố chống trả và có ý định tấn công tổ trinh sát để mở đường thoái lui. “Sau khi bắt chúng dẫn đường, chúng tôi tiếp cận được trụ sở của Bộ Tổng Tham mưu ngụy ở cổng số 2. Tuy nhiên, phía bên trong địch vẫn cố thủ và điên cuồng dùng hoả lực chống trả. Lúc này, đồng chí Đông dùng lựu đạn tấn công vào hai lô cốt của địch, tôi dùng súng AK tiêu diệt được nhiều tên, nhờ vậy xe tăng của ta tiến vào cơ quan địch rất dễ dàng. Khi chúng tôi tiến thẳng vào nơi làm việc của ngụy quyền, đám tàn quân vẫn co cụm dùng vũ lực tấn công buộc tổ trinh sát phải dùng biện pháp mạnh tiêu diệt được nhiều tên, số còn lại đầu hàng và dẫn chúng tôi lên nóc nhà Bộ Tổng Tham mưu ngụy”, ông Hương bồi hồi nhớ lại.
Giây phút không quên
Với chức năng của tổ trinh sát, Binh nhất Đỗ Xuân Hương cùng các đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, ông Hương vẫn còn bồi hồi về thời khắc lịch sử mà có lẽ suốt cuộc đời ông không bao giờ quên. “Sau khi tiêu diệt được đám tàn quân ngoan cố chống đối, chúng tôi buộc những tên đã đầu hàng chỉ đường dẫn lên nóc nhà Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Thực hiện mệnh lệnh của đồng chí tổ trưởng, tôi vượt lên trước tìm cách đưa cán cờ lên phía trên nóc nhà. Lúc bấy giờ có thêm đồng chí Lưu và đồng chí Tiến hỗ trợ cho chúng tôi. Sau ít phút loay hoay tìm hướng, chúng tôi đã tiếp cận được nóc nhà Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Tôi và các đồng chí còn lại quan sát tình hình xung quanh và bảo vệ cho đồng chí tổ trưởng tra cờ vào cán rồi cùng nhau treo cờ vào đúng vị trí. 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Bộ Tổng Tham mưu ngụy, chính thức khai tử chế độ Việt Nam Cộng Hòa", ông Hương xúc động.
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Bộ Tổng Tham mưu ngụy, ông Hương cùng với nhiều đồng chí đã làm nhiệm vụ tiếp quản hiện trường, bắt giải tù binh. Qua tiếp cận nơi làm việc của ngụy quyền, bộ đội ta đã thu giữ được nhiều trang thiết bị, hiện vật, các tài liệu mật quan trọng của địch, những thứ này ngày nay vẫn còn lưu giữ tại phòng truyền thống của đơn vị. “Ngay sau khi giải phóng, tổ trinh sát của chúng tôi mỗi người ở một phương, tôi chọn Phú Quốc là nơi sinh sống và lập nghiệp. Trên người tôi hiện nay vẫn còn một mảnh đạn ở đầu gối phải nhưng chưa có điều kiện để lấy ra nên những khi trái gió trở trời, toàn thân lại đau ê buốt. Tuy nhiên, tôi sẽ để mãi mảnh đạn này trong cơ thể để làm kỷ niệm, để tưởng nhớ về một thời kỳ máu lửa, gian khó mà anh hùng”, ông Hương chia sẻ.
Ông Ngô Tất Tam, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Gành Dầu cho biết: “Gia đình tôi sống gần nhà nên tôi biết rất rõ về đồng chí ấy. Năm 2003, đứa con đầu lòng của anh Hương vì nhiễm chất độc da cam nên đã mất sau thời gian dài chữa trị. Hai cháu sau cũng chẳng khá hơn bởi chất độc quái ác mà bố chúng mang trong người. Bản thân anh Hương, khi trái gió trở trời, vết thương tái phát cũng bị ảnh hưởng tới sức khoẻ”.
Cuộc sống hiện tại còn nhiều vất vả, nhưng trong ký ức người lính năm xưa, câu chuyện của ngày 30/4 vẫn luôn là thước phim hào hùng khó quên. 43 năm sau, kể lại cho thế hệ trẻ, cảm xúc của thời khắc lịch sử ấy vẫn trào dâng trong ông.