Ký ức hào hùng của người cựu binh trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Hà Thị Hằng

Hà Thị Hằng

Thứ 4, 30/04/2025 15:23

Mỗi khi nhớ về Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng lại dâng tràn bao cảm xúc khó quên. Tuy rằng cuộc chiến đấu nhiều gian truân, vất vả nhưng là niềm vinh dự, tự hào lớn cho bản thân ông và đồng đội.

Trong những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi ghé thăm nhà cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng, SN 1954, trú tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng là người vinh dự nhận được giấy mời của Sở Nội vụ Nghệ An tham gia vào Đoàn đại biểu đi thăm TP. Hồ Chí Minh và dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

"Tôi rất vinh dự được đại diện cho nhiều cựu chiến binh vào tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi cũng rất vui khi được góp một phần nhỏ bé của mình làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử", cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng nói với ánh mắt tự hào.

Ký ức hào hùng của người cựu binh trong Đại thắng mùa Xuân 1975- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng xúc động kể lại hành trình cùng đồng đội làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Khoác trên mình chiếc áo lính với nhiều huân, huy chương, cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng xúc động kể lại hành trình cùng đồng đội làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Theo đó, năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Mạnh Hùng lúc đó là chàng thanh niên chưa tròn 18 tuổi, đã xung phong lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào đơn vị Đại đội 5, Tiểu đội 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Đơn vị ông tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Kết thúc Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đơn vị ra Bắc củng cố lực lượng tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Vào tháng 2/1975, tình hình chiến sự diễn biến tích cực, thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã chín muồi, đơn vị ông được lệnh vào Nam chiến đấu. Từ Thạch Thành (Thanh Hóa), Sư đoàn 312 hành quân bằng ô tô vào Đông Hà (Quảng Trị). Từ đây, đơn vị di chuyển qua các cánh rừng của Lào, vòng sang Campuchia để vào miền Đông Nam Bộ.

Ký ức hào hùng của người cựu binh trong Đại thắng mùa Xuân 1975- Ảnh 2.

Ảnh mít tinh giải phóng thị xã Thủ Dầu Một năm 1975. Ảnh Tư liệu.

"Trong khí thế sôi sục chiến thắng đó, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 312 hằng ngày hướng về chiến trường miền Nam. Ai cũng mong đợi được lệnh của cấp trên lên đường tham gia trận đánh lớn vào dinh luỹ cuối cùng của địch. Thời điểm đó, đường mới mở, khó đi, dốc đá cheo leo, đèo cao, xe đi xóc,… nhưng ai cũng thấy vui vì nhận  tin chiến thắng từ các chiến trường. Anh em chúng tôi ai cũng muốn nhanh chóng xông tới mặt trận để chiến đấu. Xe chạy ngày, chạy đêm, chúng tôi chỉ dừng chân khi ăn cơm, thậm chí có khi ăn lương khô ngay trên thùng xe để tiến kịp kế hoạch hành quân", cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng chia sẻ.

Đến ngày 15/4, các Trung đoàn 165, 141, 209 là những đơn vị đầu tiên của Sư đoàn có mặt tại Đồng Xoài (Bình Phước), cách Sài Gòn khoảng 100km. Sư đoàn 312 trong đội hình Quân đoàn 1 được Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đập nát tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn, thọc sâu vào hang ổ địch, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn.

Ký ức hào hùng của người cựu binh trong Đại thắng mùa Xuân 1975- Ảnh 3.

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng luôn tin rằng sau giải phóng, đất nước sẽ phát triển giàu mạnh.

Ngày 26/4/1975, Sư đoàn 312 được cấp trên giao phối hợp với lực lượng quân sự tỉnh Bình Dương tiêu diệt căn cứ Phú Lợi, hỗ trợ nhân dân địa phương nổi dậy giải phóng thị xã Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Bấy giờ, Phú Lợi là căn cứ quan trọng của địch trong tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn.

Từ ngày 20/4/1975- 29/4/1975, mặc dù quân địch phản kháng quyết liệt, từ các đơn vị thuộc Sư đoàn 312 vẫn lần lượt chiếm lĩnh các mục tiêu. Đến khoảng 4 giờ sáng 30/4/1975, pháo binh Quân đoàn 1 bắn cấp tập vào căn cứ Phú Lợi, cùng các đơn vị hỏa lực chi viện cho bộ binh Trung đoàn 165, Trung đoàn 209 tiêu diệt căn cứ Phú Lợi từ 2 hướng. Trước khí thế tấn công như vũ bão của quân giải phóng, sự kháng cự dần yếu ớt, nhiều tên xin ra hàng, số đông bỏ vũ khí, thay quần áo dân sự bỏ trốn,.... 10h30 cùng ngày, Trung đoàn 165 đã cắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng lên nóc trung tâm chỉ huy và đỉnh tháp nước cao nhất của căn cứ Phú Lợi.

Thời điểm đó, hầu hết các chiến sỹ dồn tất cả cho trận đánh lớn với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Đến trưa 30/4/1975, chúng tôi nghe tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Mọi việc diễn ra quá nhanh, chúng tôi ôm nhau ăn mừng và có những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi. Điều khiến tôi ấn tượng nhất sau chiến thắng là hình ảnh nhân dân miền Nam từ hai bên đường ùa ra, vui mừng vẫy tay chào đón bộ đội. Tôi và các đồng đội tự hào khi đã hoàn thành nhiệm vụ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên đường trở về đơn vị, chúng tôi lướt qua những con đường ở Sài Gòn đẹp đẽ. Tôi tin rằng sau khi hoà bình, chúng tôi sẽ xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh", ông Hùng tự hào kể lại.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Dùng, cho biết: "Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng trước đây cùng đơn vị tham gia vào giải phóng thị xã Thủ Dầu Một. Sau khi trở về địa phương, ông thành lập doanh nghiệp kinh doanh giỏi trên địa bàn. Ông Hùng giữ chức vụ Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh khối 3. Ông là người cựu binh rất tâm huyết, tích cực tham gia ủng hộ các phong trào ở địa phương. Mới đây, cựu binh Lê Mạnh Hùng là người vinh dự được cùng Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An đi thăm Tp.Hồ Chí Minh và dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.