Nhà tù là nơi tôi luyện
Những ngày cuối tháng Tư, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có chuyến công tác tại tỉnh Vĩnh Long và ghé thăm nhạc sỹ Xuân Điền tại nhà riêng ở phường 4, TP.Vĩnh Long. Nhạc sỹ Xuân Điền tên thật là Huỳnh Anh Kiệt (SN 1940, tại ấp Phước Ngươn A, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng.
Gặp lại chúng tôi sau 6 năm, ông Kiệt không nhiều thay đổi. Với tuổi 80 hiện tại, ông Kiệt rất khỏe mạnh và tinh thông. Hằng ngày, người nhạc sỹ già vẫn miệt mài làm thơ, sáng tác nhạc vào những khi ngẫu hứng. Ông Kiệt cho biết, vào những ngày cuối tháng 4 này là trong lòng ông lại bồi hồi xúc động, nhớ về đồng đội, nhớ lại những thời khắc hào hùng, được tham gia chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Như ký ức chợt ùa về, ông Kiệt kể, từ hồi còn đi học, ông đã đảm trách chức Bí thư chi đoàn thanh niên, kiêm Trưởng ban Văn nghệ trường Nguyễn Thông (nay là trường THPT Lưu Văn Liệt), tham gia tuyên truyền các hoạt động của phong trào thanh niên học sinh, nhận nhiệm vụ tổ chức cho Đoàn viên rải truyền đơn đòi “Yêu cầu chính quyền thống nhất tổng tuyển cử”. Chi đoàn của ông còn sáng lập ra tờ báo với nhiệm vụ phục vụ hòa bình thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, ngày 11/12/1958, ông Kiệt bị địch bắt giữ ngay tại trường và quy kết ông tội phản nghịch, sau đó ông bị đày ra Côn Đảo lao động khổ sai. Cùng hành vi này, một người đồng đội của ông là nhà thơ Nguyễn Minh Điền cũng bị đày đi cùng. Theo ông Kiệt, nhà tù Côn Đảo là nơi đọa đày, khổ sai, chỉ có thể khái quát qua 4 câu thơ: “Đâu chỉ là nơi của đọa đày/ Côn Đảo cũng là trường đại học đây/ Là đại gia đình người yêu nước/ Là nơi rèn luyện chí làm trai”.
“Nhà tù nơi đọa đày khổ sai, nơi làm cho tù nhân nhụt chí, để khi được trả tự do thì những người từng bị giam cầm không theo cách mạng nữa. Tuy nhiên, quân địch đã lầm tưởng, với sức mạnh đoàn kết một lòng của anh em trong nhà tù. Họ chỉ giam được thể xác, nhưng không thể nào giam giữ được ý chí, trái tim của những người chiến sĩ. Chính lúc con người cùng cực nhất đã tạo nên sức mạnh vô hình, giúp những người đấu tranh vượt qua tất cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Mỗi khi bị địch tra tấn, những người tù trẻ tuổi đã nắm tay nhau lấy thân mình bao quanh, che chở cho đồng đội là những người già yếu, người bệnh, bị thương (do bị địch đánh) đang ở bên trong. Đây cũng là hình ảnh xây dựng pháo đài niềm tin trong nhà tù”, ông Kiệt tự hào.
Sáng tác nhạc tặng bạn chiến đấu
Mãi đến ngày 7/7/1961, ông Kiệt và nhà thơ Nguyễn Minh Điền cùng nhiều bạn tù khác tại Côn Đảo được trả tự do. Ông Kiệt nhớ như in, khi đó Đại tá Nguyễn Văn Y, là Tổng giám đốc Trung tâm cải huấn toàn quốc của địch chủ trì trả tự cho những người bị giam cầm. Sau khi được trả tự do, ông Kiệt gia nhập vào quân đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Trong một lần bị địch vây ráp, tất cả đồng đội của ông Kiệt và nhà thơ Nguyễn Minh Điền đã anh dũng hy sinh.
Trận giáp lá cà này, ông Kiệt bị địch bắn gãy cánh tay phải và một vết thương xuyên cổ họng, máu tuông ướt đẫm một vùng, quân địch nghĩ rằng ông đã chết nên chúng bỏ mặc và càn quét đi qua. Trước tình trạng sức khỏe nguy cấp, ông Kiệt vẫn cố giữ bình tĩnh, tìm cách di chuyển vào nhà dân. Để di chuyển, ông Kiệt phải dùng răng cắn vào ngón tay cái của tay gãy để nâng cánh lên, tay còn lại thì đè chặt vào cổ họng bị thủng để thở và ngăn máu chảy ra ngoài. Khi đến được nhà dân, ông Kiệt được mọi người sơ cứu và chuyển đến trạm xá và ông may mắn được cứu sống.
Nhớ về nhà thơ Nguyễn Minh Điền, người bạn học thời nối khố, cùng ở tù, cùng thoát ly kháng chiến, đã anh dũng hy sinh với bản thảo bài thơ chưa hoàn thiện, ông Kiệt (nhạc sỹ Xuân Điền) đã sáng tác ca khúc “Bạn đường ơi”. Bài hát như riêng dành tặng một người bạn anh dũng đã ngã xuống, bài hát có đoạn: “Bài thơ anh viết chiến công, còn âm vang tiếng xung phong. Bừng trên sông nước mênh mông, như tình thơ với đoàn quân anh hùng…”.
Sự hy sinh, tinh thần yêu nước bất diệt, cùng sự chiến đấu quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người chiến sỹ trẻ tuổi. Ngoài ca khúc nêu trên, nhạc sỹ Xuân Điền đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi về người lính, trong đó có bài “Tiếng bom Lưu Văn Liệt”, viết về người anh hùng Lưu Văn Liệt.
Giữa năm tháng kháng chiến gian khổ, bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt” ra đời, người người cùng hát, nhất là thanh niên học sinh. Sau giải phóng, bài hát này được chọn làm “Đài hiệu” cho Đài phát thanh thị xã Vĩnh Long hay hát trong các buổi họp mặt truyền thống của Đoàn thanh niên. Thưởng thức bài hát này, người nghe vừa xúc động, vừa cảm phục trước lòng quả cảm của người chiến sỹ biệt động hy sinh vì Tổ quốc. Bài hát nhanh chóng trở nên nổi tiếng, có giá trị nghệ thuật vô giá.
Vinh dự nhận được nhiều huân, huy chương cao quý
Ông Huỳnh Anh Kiệt (nhạc sỹ Xuân Điền), từng giữ Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long từ năm 1983 và đến năn 1992 thì nghỉ hưu. Với những đóng góp của mình, ông Kiệt vinh dục đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng Huân chương huyết chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng ba cùng nhiều huân – huy chương khác.