Những ngày này, rất đông người xếp hàng dài để thắp một nén hương, đặt một bông hoa trắng tinh khôi lên bàn thờ của 13 TNXP tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, trong đó có bà Trần Thị Thông (73 tuổi), nữ Tiểu đội trưởng “tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An.
Bà Thông vốn quê lúa Yên Thành, tỉnh Nghệ An, năm 19 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của đất nước, bà tình nguyện gia nhập TNXP. Đến tháng 5/1965, bà Thông chính thức được phân về Đại đội TNXP 317 với nhiệm vụ hậu cần.
Sau một thời gian huấn luyện, bà được giao làm Tiểu đội trưởng tiểu đội TNXP số 2 hay còn gọi là “tiểu đội cảm tử” làm nhiệm vụ thông đường tại Truông Bồn trên tuyến 15A, còn gọi là đường 30.
Năm 1968, sau những trận thua mang tính lịch sử, Mỹ đã phải ngừng ném bom miền Bắc. Nghe được thông tin đó, các thành viên trong tiểu đội ai cũng sung sướng vì sắp được trở về quê, một số người sẽ được đi học, có người dự tính trở về tổ chức đám cưới với người yêu.
“Hôm đó, người yêu của o Tâm hoàn thành nhiệm vụ trở về qua thăm đơn vị, cả hai đã thống nhất lần này sẽ về thưa chuyện với gia đình để làm đám cưới. Một số người nữa trong đơn vị đã hoàn tất thủ tục ra quân, chỉ ngày mai thôi sẽ trở về. Thế nhưng ngày định mệnh đó đã cướp đi tất cả mọi người”, mắt bà Thông đỏ hoe.
Rạng sáng 31/10/1968, tiểu đội 2 nhận được Mật lệnh: “0h ngày 1/11 máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc” cùng với đó là các thông tin 7h sẽ có đoàn xe quân sự đi qua.
Mặc dù nhiều người đã có quyết định ra quân nhưng vẫn cố gắng cầm cuốc, xẻng cùng đồng đội đi thông đường với tinh thần “một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường”.
Thế nhưng, trận bom hôm đó đã biến Truông Bồn thành biển lửa, 11 cô gái và 2 chàng trai đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất. Chỉ duy nhất Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông còn sống sót nhờ vào phần nòng súng nhô trên lớp đất dày, nên được lực lượng cứu hộ phát hiện và cấp cứu kịp thời.
“Đang thông đường khoảng 10 phút thì máy bay địch xuất hiện nên chúng tôi lập tức xuống hầm. Tôi nhớ anh Hòa (Cao Ngọc Hòa) và Vinh (Đinh Thị Vinh) nhảy xuống hầm trước, tôi nhảy xuống sau. Sau đó là một loạt bom đổ xuống vào trúng nơi chúng tôi đang trốn. Tôi lịm đi không biết gì nữa, khi tỉnh dậy thì mới biết mọi người đã hi sinh cả rồi….”, bà Thông bật khóc.
Sau khi bị thương, bà Thông được mẹ Nguyễn Thị Thởm, hiện ở xóm 9, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương chăm sóc. Đó là quãng thời gian đau đớn không bao giờ bà Thông có thể quên được.
Hết thời gian điều trị, bà được chuyển về đơn vị khác. Đầu năm 1969, bà Thông cùng với một số chị em thương, bệnh binh trong Đại đội TNXP 317 được cấp trên tạo điều kiện về công tác tại xí nghiệp may mặc Việt Đức, TP.Vinh để làm việc.
“Nhiều lúc thấy cuộc sống quá mệt mỏi nên tôi định buông xuôi, nhưng mỗi lần như vậy những gương mặt của đồng đội lại hiện về khiến tôi không thể nào từ bỏ. Họ đã hi sinh cho độc lập của dân tộc, tôi may mắn hơn nên phải sống thay cho họ”, bà Thông cho biết.
Nếu còn sống, những con người ở nơi đây cũng sẽ có nếp nhăn, mái tóc pha màu gió sương như bà, thế nhưng trận bom khốc liệt đã cướp đi tất cả, hy vọng, mơ ước và cả tương lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia chương trình Huyền thoại Truông Bồn.
Ghi nhận sự cống hiến và hi sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn, năm 2008, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sỹ TNXP thuộc Đại đội 317.
Tối 29/10, báo Nhân dân và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Truông Bồn” kỷ niệm 49 năm Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2017). Tham gia chương trình có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại diện nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương tới dự.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao 16 sổ tiết kiệm cho đại diện thân nhân 13 TNXP đã ngã xuống, nhân chứng lịch sử Trần Thị Thông và 2 Đại đội phó Đại đội TNXP 317, mỗi cuốn sổ tiết kiệm trị giá 40 triệu đồng.
49 năm trôi qua, hiện nay Truông Bồn đã trở lại cuộc sống thanh bình. Cả cánh rừng thông bị bom tàn phá nay đã phủ xanh, xoa dịu nỗi đau của những người còn sống.
Tượng đài chiến thắng và bia tưởng niệm các liệt sỹ đã được xây dựng khang trang sạch đẹp. Nhìn khung cảnh này khiến bà Thông dịu lòng, cả cuộc đời bà và đồng đội đã dâng hiến cho nơi đây, xương máu 13 TNXP đang ở đây, những năm cuối đời bà đã có thể nở nụ cười mãn nguyện.