Ký ức Hoàng Sa thời Pháp thuộc của một nhân chứng sống

Ký ức Hoàng Sa thời Pháp thuộc của một nhân chứng sống

Thứ 2, 29/07/2013 20:42

Dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Quân Bảo vẫn tỏ ra rất minh mẫn, nhất là khi đề cập về quãng thời gian gia đình ông sống ở Hoàng Sa.

Ký ức Hoàng Sa

Vốn sinh ra trong một gia đình có cha là sĩ quan hàng hải, chuyên đi các chuyến tàu Viễn dương chạy dọc bờ biển Đông (từ Singapore cho đến Tokyo) nên cuộc sống gia đình ông Trần Quân Bảo khá sung túc. Tuy nhiên thời bấy giờ, Hoàng Sa là điều khá xa lạ với đa phần người dân nên chuyện cả gia đình phải chuyển ra đó sống vừa là thử thách nhưng vừa có thú vị riêng. Trong ký ức của một cậu bé mới lên 5 như ông Bảo lúc bấy giờ, mọi thứ rất lạ lẫm.

Ông kể: "Hồi đó tôi còn nhỏ nên cũng không nhớ được nhiều. Tuy nhiên sau này qua những câu chuyện của cha mẹ kể lại, hình ảnh về Hoàng Sa lại hiện về rõ hơn, sắc nét và đẹp hơn".

Xã hội - Ký ức Hoàng Sa thời Pháp thuộc của một nhân chứng sống

Ông Trần Quân Bảo: “Hồi đó không có người Trung Quốc sinh sống tại Hoàng Sa”

Ký ức cho đến bây giờ ông Bảo nhớ nhất chính là hai cột ăng ten rất cao được xây dựng trên đảo. Ông tâm sự: "Ngày đó vì sợ say sóng nên mẹ tôi yêu cầu các anh em tôi vào khoang ngủ và nếu muốn hít thở không khí trong lành thì ra mở chiếc cửa tròn nhìn ra biển. Tuy nhiên chúng tôi đều bị đánh thức bởi tiếng reo của cha tôi. Khi chúng tôi ra đến boong tàu, cha chỉ tay về một hòn đảo xa xa với những cột rất cao và nói rằng: Hoàng Sa kia rồi". Ký ức đầu tiên của những ngày đầu ra đảo của ông Bảo là như vậy.

Theo ông Bảo, hòn đảo mà ông sinh sống lúc đó được người Pháp gọi là Paracels, là một trong những đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trên đảo có ba công trình được xây dựng rất lớn và kiên cố là trạm vô tuyến điện, nhà của nha khí tượng và một tháp canh rất cao do  người Pháp trông giữ. Trong đó ngôi nhà lớn nhất chính là trạm vô tuyến điện - nơi mà gia đình ông sinh sống ở đó.

Ông Bảo cho biết: "Thời đó trên đảo chỉ có khoảng hơn chục nóc nhà của lính bảo an chứ không nhiều như sau này. Các nhà đều được xây dựng theo mái bằng chứ không theo lối xây dựng như ở quê nên tôi rất hiếu kì. Hỏi cha mẹ thì được biết, ở đây khí hậu khắc nghiệt, không có nước ngọt nên dưới mỗi căn nhà đều có căn hầm rất lớn chứa nước ngọt. Nhà xây theo mái bằng chính để lấy được tối đa lượng nước mưa tự nhiên.

Sau đó nước mưa sẽ được tích dưới những căn hầm đó để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và đổi hàng hóa so với những đảo khác. Ngoài ra thời kì đó ở đảo cũng không có nhiều cây cối, nhất là những loại cây to. Đa phần là những cây mọc ngang tầm người hoặc mọc là là mặt đất. So với những căn nhà được xây dựng thời đó thì cây cối chỉ giống như một bức tranh nền làm nổi rõ hơn những căn nhà mà thôi".

Đang kể ông Bảo bỗng im lặng như đang hồi tưởng, rồi ông tiếp: "Do dân số cả đảo chỉ có khoảng 100 người nên chúng tôi sống với nhau rất tình cảm. Nhất là trên đảo chỉ có hai người phụ nữ, ba đứa trẻ con là ba anh em chúng tôi nên mọi người rất cưng chiều, quý mến. Ở đó mọi người sống chan hòa chứ không phân biệt trên dưới. Cuộc sống những người lao động trên đảo tuy vất vả nhưng không nghèo tình người. Những hôm có thuyền tiếp tế ra, cả đảo vui như ngày hội.

Tất nhiên thỉnh thoảng mọi người vẫn chỉ cho chúng tôi những chiếc thuyền chạy qua đảo nhưng đa phần họ không ghé vào, chỉ trừ khi họ có nhu cầu trao đổi nước ngọt lấy hàng hóa hay gì đó thì mới có thuyền ghé vào. Vì thế ấn tượng về những chiếc tàu với tôi không lớn lắm".

Xã hội - Ký ức Hoàng Sa thời Pháp thuộc của một nhân chứng sống (Hình 2).

Đảo Paracels (nằm trong quần đảo Hoàng Sa) do cha ông Trần Quân Bảo là cụ Trần Văn Phước chụp năm 1938

Cơ may không đến hai lần

Hồi ức bên mẹ ngày ở Hoàng Sa

Ông Bảo còn cho biết, lính bảo an trên đảo rất ít mà chủ yếu là lao động chân tay (khoảng 50 người). Những người này ra đảo chủ yếu có nhiệm vụ khuân đá ở các tàu chở từ đất liền ra để xây dựng cầu tàu và đào móng xây dựng những căn nhà kiên cố. Thời đó, đa phần đảo chỉ là cát chứ rất ít đất và đá. Vì thế có thể coi những người lao động này là những người góp phần ít nhiều vào việc xây dựng đảo Paracels ở quần đảo Hoàng Sa. Ông cũng cho biết thêm: "Ở đảo cứ hàng tuần là những người lính bảo an tiến hành nghi thức chào cờ. Mẹ thường dẫn chúng tôi ra xem. Không khí lúc ấy rất trang nghiêm giữa một bên là lá cờ ba sọc của pháp và cờ một sọc của Bảo Đại, lá cờ tượng trưng cho chủ quyền quốc gia dân tộc ở Hoàng Sa".

Chuyện cả gia đình ông Trần Quân Bảo ra sống ở đảo Paracels là cả một chuỗi sự kiện dài. Nguyên cụ thân sinh ra ông là cụ Trần Văn Phước tuy làm sĩ quan hàng hải cho Pháp nhưng lại là người giác ngộ Cách mạng từ rất sớm. Cụ hoạt động chìm trong lòng địch và nhận nhiệm vụ chuyên chở tài liệu cho Cách mạng từ Trung Quốc về Việt Nam qua con đường hàng hải.

Thực dân Pháp sau nhiều lần theo dõi, nghi ngờ nhưng do không nắm giữ được bằng chứng nên không thể kết tội cụ được. Tuy vậy để đề phòng chúng đã điều chuyển cụ Trần Văn Phước về làm văn phòng trên đất liền tại Hà Nội. Một lần tên chủ sự Fradime đã sỉ mắng người Việt Nam thậm tệ nên cụ Phước đã bạt tai tên đó cho hả giận. Ai ngờ hắn lại kiện lên Sở vô tuyến điện Đông Dương nói rằng không cộng tác với cụ và yêu cầu thay đổi nhân sự. Thực dân Pháp đã điều chuyển cụ Phước ra làm tại Hoàng Sa.

Cũng vì đó mới có chuyện cả gia đình ông Trần Quân Bảo mới theo cha ra sinh sống tại đảo. Mãi đến sau này khi ông Bảo đến tuổi đi học, cha ông mới làm đơn xin chuyển về đất liền để tiện cho con cái học tập và gia đình ông rời khỏi Hoàng Sa, đó là cuối năm 1940.

Gia đình ông Bảo lại là gia đình đầu tiên cũng là gia đình duy nhất được sống ở Hoàng Sa, bởi sau này chính quyền thực dân Pháp đã cấm các công chức Pháp cho cả gia đình ra sinh sống tại nơi này. Nguyên nhân lệnh cấm cũng từ một tai nạn trên đảo. Nguyên công chức phụ trách nha khí tượng trên đảo Paracels khi kết hôn đã xin phép đưa vợ ra Hoàng Sa sinh sống. Tuy nhiên do điều kiện ở đảo rất khó khăn, không có đường sá, trường học, bệnh viện nên vợ của người công chức này đã bị sảy thai. Tin này đến tai chính quyền thực dân, sợ bị ảnh hưởng đến uy tín của mình nên chính quyền thực dân đã quyết định cấm không cho công chức Pháp đưa gia đình ra Hoàng Sa nữa. Chính bởi vậy chuyến ra Hoàng Sa của gia đình ông Trần Quân Bảo chính là chuyến cuối cùng mà một gia đình được phép được phép ra sinh sống tại đó.            

Không có người Trung Quốc sinh sống ở Hoàng Sa

Ông Trần Quân Bảo cho biết: "Khi sống ở Hoàng Sa, tôi còn nhỏ tuổi nên không biết gì nhiều về chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên sau này bố mẹ kể lại và những gì tôi còn nhớ được khi các đội thương thuyền ghé vào đảo thì chỉ có lính Pháp và người Nhật qua lại buôn bán, tuyệt nhiên không có  người Trung Quốc sinh sống trên đảo như giới truyền thông Trung Quốc vẫn đưa".

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.