Khi bác sĩ trẻ Trần Thế Linh vừa vào Tp.Hồ Chí Minh để học Chuyên khoa I, tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch thì dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù, không phải trách nhiệm được giao nhưng bác sĩ Linh vẫn tình nguyện ở lại cùng đồng nghiệp tham gia chống dịch.
Mặc dù, không phải trách nhiệm được giao nhưng bác sĩ Linh vẫn tình nguyện ở lại cùng đồng nghiệp tham gia chống dịch.
Lo lắng những ngày đầu chống dịch Covid-19
Tháng 10/2020, bác sĩ Trần Thế Linh (SN 1989, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) nghỉ làm tại một bệnh viện ở tỉnh Nghệ An để đi học nâng cao trình độ tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (Tp.Hồ Chí Minh). Thời gian này, bác sĩ Linh tranh thủ vừa đi học vừa đi làm thêm ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2, Tp.Thuận An tỉnh Bình Dương - nơi được coi là tâm dịch nặng nề nhất của tỉnh này.
Đến tháng 6/2021, đợt dịch đầu tiên ở Tp.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam bắt đầu xảy ra. Tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh, khó kiểm soát khiến ngành y phải “căng mình” chống dịch. Điều đáng nói, đây là đợt dịch đầu tiên nên các y, bác sĩ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, mọi người cảm thấy khá lo lắng…
Cùng chung tâm lý như những bác sĩ trẻ khác, ban đầu bác sĩ Linh cũng rất lo sợ, anh nghĩ về gia đình, vợ trẻ con thơ ở quê nhà. Lúc này, nhiều người đã lựa chọn rời Bình Dương để về quê tránh dịch, còn bác sĩ Linh, sau khi suy nghĩ anh đã quyết định gác lại “nỗi niềm riêng” để ở lại cùng người dân nơi đây chống dịch.
“Nhìn bạn bè lũ lượt về quê, gia đình thì lo lắng khuyên tôi nên có quyết định phù hợp. Nghĩ về hai con nhỏ, về gia đình và lúc đấy tôi chưa được tiêm mũi vắc-xin nào. Thật sự, tôi đã lưỡng lự… Ý định muốn về chợt thoáng qua”, bác sĩ Linh nhớ lại.
Có lẽ, nguồn động lực lớn để bác sĩ Linh ở lại chống dịch ngoài lương tâm của nghề y thì những lời động viên của vợ, khuyên nhủ của bố, sự cổ vũ lẫn nhau của đồng nghiệp giúp anh thêm mạnh mẽ.
“Bố tôi gọi điện khuyên nhủ rằng, con đã chọn nghề, nghề đã chọn con. Hãy làm sao mình thấy thanh thản. Vợ tôi thì ngày nào cũng gọi điện động viên chồng. Đây là nguồn động lực rất lớn cho tôi”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Sau khi ổn định tâm lý và tiêm vắc-xin được một tuần, bác sĩ Linh đã cùng đồng nghiệp “vào guồng” không quản ngày đêm chống dịch. Những ngày đầu tiên tiếp cận, mọi người cũng rất lo lắng, bỡ ngỡ về loại dịch bệnh này.
Bác sĩ Linh tâm sự: “Bệnh cảnh lạ lẫm, diễn biến quá đột ngột. Những ngày đầu, hôm nào tại bệnh viện cũng cả chục ca trở nặng phải chuyển lên tuyến trên. Rất đông bệnh nhân không kể già trẻ đều nằm thở oxy một cách mệt mỏi. Mỗi y, bác sĩ đều cố gắng tìm hiểu nhanh nhất, nắm bắt cách phát hiện, điều trị Covid-19, kết quả xét nghiệm ra sao, các phương pháp phòng hộ thế nào…..”.
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, tuy nhiên, anh cũng như các đồng nghiệp cũng không lường trước được khi đại dịch đến, có quá nhiều điều khủng khiếp xảy ra. “Không một ai nghĩ nó kinh khủng đến vậy. Kể cả những bác sĩ đã lâu năm trong nghề”, giọng bác sĩ Linh nghẹn lại.
Chạy hết công suất giành giật sự sống cho bệnh nhân
Khi đợt dịch ngày càng lây lan mạnh, nhiều ca trở nặng, bác sĩ Linh cùng đồng nghiệp đã phải chạy đua với thời gian để giành giật lại sự sống cho các bệnh nhân.
Ngày hè nóng nực, nhiều người mặc đồ bảo hộ suốt nhiều giờ đồng hồ, mất mồ hôi nên choáng ngất. Rồi dịch ngày càng nặng nề, hệ thống tư nhân được kêu gọi hỗ trợ điều trị, tiêm chủng. Những ngày này là khoảng thời gian anh và đồng nghiệp thấy khó quên trong đời. Tất cả đều chạy hết công suất. Đội thì tham gia tiêm chủng, đội thì test sàng lọc, đội thì điều trị, luân phiên nhau… Khi hết ca trực, mọi người lại tranh thủ tìm hiểu thêm về Covid-19.
Theo bác sĩ Linh, thời gian đầu khi chưa có vắc-xin, chưa có phác đồ cụ thể, bệnh nhân dễ chuyển biến nhanh chóng, tỉ lệ trở nặng cao. Dù đã được theo dõi sát sao, điều trị tích cực nhưng con số tử vong khá nhiều.
“Nhiều thanh niên khi nhập viện đang tập chống đẩy, thể dục nhưng mấy hôm sau đã cấp cứu, lắp máy thở, chuyển viện… nên mọi người ai cũng phải tập trung cao độ, theo dõi sát tình trạng chuyển biến của bệnh nhân”, bác sĩ Linh cho biết.
Sau đó, với sự bổ sung những phác đồ điều trị Covid-19 của Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội tại Bình Dương, công tác tiêm vắc-xin được đẩy mạnh. Dịch bệnh dần được khống chế.
Vị bác sĩ gốc Nghệ An cho biết thêm, áp lực nặng nề nhất là chăm sóc những bệnh nhân nặng. Bởi, người bệnh phải thở oxy liên tục, không được phép rời khỏi giường bệnh. Họ như mất hết sức lực, khâu ăn uống, vệ sinh đều cần người hỗ trợ. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế cũng phải làm công tác tâm lý. Khi thì tỉ tê, khi thì ngồi lắng nghe những lo lắng, liên tục thúc giục họ ăn uống, dùng thuốc, tập thở….
“Dù không hề muốn, nhưng có những lúc tôi phải ‘nặng lời’ với người bệnh, để họ có tinh thần lạc quan chống dịch. Cũng một kinh nghiệm khi chúng tôi điều trị, những ca F0 dù già hay trẻ, có bệnh nền hay không, tinh thần lạc quan dường như giúp họ ít trở nặng hơn. Và có bị nặng cũng hồi phục nhanh hơn”, bác sĩ trẻ chia sẻ.
Những tháng ở tâm dịch, điều anh ấn tượng nhất là tình cảm của bệnh nhân dành cho y, bác sĩ. Những bệnh nhân được ra viện, họ mừng mừng tủi tủi cảm ơn bác sĩ. “Họ biết chúng tôi từ miền Trung vào đây hỗ trợ nên rất xúc động. Đặc biệt, sau khi hết bệnh, họ được về nhà còn chúng tôi vẫn chưa biết ngày về vì vậy có bệnh nhân vừa khóc vừa tạm biệt bác sĩ khi rời viện”, bác sĩ Linh trải lòng.
Trước ngày về bất ngờ bị nhiễm Covid-19
Đến khoảng tháng 10/2021, dịch bệnh ở Bình Dương và các tỉnh phía Nam dần được khống chế, số ca nhiễm giảm, các biện pháp phòng dịch bắt đầu chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Thời điểm này, các bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch mới được nghỉ ngơi, được trở về nhà sau bao ngày mong ngóng.
Hòa chung tinh thần ấy, bác sĩ Linh rất vui mừng khi nghe tin… sắp sửa được về quê thăm vợ và hai con nhỏ, sau ngày tháng nhớ mong. Nhưng rồi, một tin không hay xảy đến khiến vị bác sĩ trẻ hụt hẫng, lo lắng khi kết quả xét nghiệm Covid-19 của anh dương tính.
“Khi đang rất háo hức chờ đến ngày được gặp gia đình thì tôi lại là F0, tâm trạng lúc ấy khó diễn tả lắm. Tôi đã giấu gia đình để mọi người không lo lắng. Ban đầu, tôi cũng bình thản đón nhận vì đã tiêm đủ vắc-xin, thì khả năng trở nặng sẽ rất ít. Thế nhưng, sau đó vài ba hôm, khi bắt đầu có triệu chứng ho nhiều, sốt, sổ mũi, tôi cũng khá lo lắng”, anh nhớ lại.
Tuy nhiên, những ngày điều trị Covid-19 cũng là quãng thời gian bác sĩ Linh lại được trải nghiệm thêm cung bậc cảm xúc của những bệnh nhân, được đón nhận tình cảm của những người bệnh mà anh điều trị. Điều đó, khiến vị bác sĩ sinh năm 1989 phần nào giảm bớt sự lo lắng, cũng như tiếp thêm tinh thần lạc quan như những gì mà anh từng làm cho các bệnh nhân.
“Nhiều bệnh nhân tôi từng điều trị khi biết tôi là F0, họ động viên tôi, chia sẻ phần hoa quả, thức ăn mà người thân gửi vào. Đồng nghiệp thì ép tôi ăn liên tục”, bác sĩ Linh niềm nở nhớ lại.
Thế rồi, sau 10 ngày điều trị ở bệnh viện, nhờ kinh nghiệm cũng như sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, bác sĩ Linh đã chiến thắng Covid-19 và được xuất viện ra về. Bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện, anh lại mong muốn thật nhanh để về thăm vợ trẻ và hai con nhỏ đang hằng ngày chờ mong bố.
“Mong sao được trở về để gặp mặt người thân. Được đấm lưng cho mẹ, pha ấm trà cho bố, nấu món ăn yêu thích cho vợ, dẫn cô chị đang mấy hôm nay khoe bố nó về khắp làng trên xóm dưới đi chơi”, mong muốn đơn giản của vị bác sĩ trẻ.
Khi được hỏi nếu sau này xảy ra thêm đợt dịch nữa, anh có tiếp tục lao vào tâm dịch hay không?, bác sĩ Linh vui vẻ trả lời: “Tất nhiên là có vì đó là trách nhiệm, đạo đức với nghề với các bệnh nhân”.
Giờ đây, khi dịch bệnh đã tạm ổn định, những ngày nghỉ ít ỏi ở bên gia đình đã hết, bác sĩ Linh lại quay trở lại Tp.HCM để tiếp tục sự nghiệp học hành nhằm trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm với mong muốn có đủ hành trang để giúp đỡ mọi người, nhưng những ký ức về một giai đoạn gian lao nhưng oai hùng sẽ không bao giờ quên.
Văn Bình