Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ

Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ

ctv ban tk

ctv ban tk

Thứ 5, 27/01/2022 20:00

“Các liệt sĩ đã hy sinh từ khi còn rất trẻ. Tuổi trẻ của họ dường như vẫn đang còn vương vấn ở cây cối, cỏ, đất Cổ Thành. Vì sự linh thiêng đó mà người còn sống cần có sự tôn kính đặc biệt”, chia sẻ của nguyên Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị khi đưa chúng tôi về với đêm xem phim cùng liệt sĩ.

“Những linh hồn xem phim - Thấy bóng mình lao trên màn ảnh”

Ông Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị là “cha đẻ” của ý tưởng chiếu phim cho liệt sĩ xem vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, 40 năm chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vào năm 2012.

Trong chuỗi các hoạt động văn hóa năm đó, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dự định giới thiệu bộ phim điện ảnh Mùi cỏ cháy (đạo diễn: Nguyễn Hữu Mười, biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm - phim nhựa đầu tiên về cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972). Ông Thắng khi đó còn đương chức, được mời ra Cục Điện ảnh để bàn bạc về nội dung này. Ông đề xuất, phim làm về Thành Cổ thì nên công chiếu đầu tiên ở Thành Cổ - để tri ân với các liệt sĩ.

Văn hoá - Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ

Buổi “xem phim cùng liệt sĩ” diễn ra vào đêm 23/4/2012. (Ảnh: Hồ Thanh Thoan).

Ý tưởng này được chấp thuận ngay và giao lại cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Đây cũng là việc làm khác với thông lệ ra mắt phim, vì thường sẽ chiếu cho các lãnh đạo Bộ, ban, ngành xem trước.

“Tôi làm Giám đốc Sở nên thường xuyên vào Thành Cổ. Tôi đã đề nghị tăng thêm các ngày lễ cúng, lễ dâng hương trong năm ngoài các ngày 27/7 (ngày Thương binh liệt sĩ), 22/12 (ngày Thành lập quân đội nhân dân Việt Nam), Tết Âm lịch, thì còn các ngày 30/4 (ngày Giải phóng miền Nam), 16/9 (ngày cuối cùng bộ đội giải phóng rút quân qua sông Thạch Hãn là ngày mất mát và hy sinh nhiều nhất) cũng phải tổ chức cúng. Tất cả các lễ cúng tôi đều có mặt làm chủ lễ.

Mình vái, khấn, mời anh em về, cứ coi như họ (các liệt sĩ - PV) đang còn sống, còn đâu đây, trong không gian của Thành Cổ này, phải mời họ một cách trang trọng. Từng có những câu chuyện tâm linh, hành động không đúng mực như ăn mặc hở hang, nói năng khiếm nhã, thiếu văn hóa, thiếu tôn kính dường như sẽ có sự quở trách của các liệt sĩ.

Từ đó, tôi nghĩ rằng, các liệt sĩ đã hy sinh từ khi còn rất trẻ, tuổi trẻ của họ dường như vẫn đang còn vương vấn ở cây cối, cỏ, đất Thành Cổ. Vì sự linh thiêng đó mà người còn sống cần có sự tôn kính đặc biệt dành cho các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống. Ngoài hương hoa lễ vật thì cần có ghế, có mũ tai bèo để mời họ về, dành cho họ niềm tôn kính linh thiêng”, ông Thắng chia sẻ về ý tưởng có buổi “xem phim cùng liệt sĩ” 10 năm trước.

Vậy là từ ý tưởng, buổi chiếu phim đêm hôm đó có 40 chiếc ghế tượng trưng cho 40 năm kỷ niệm được để lên hàng đầu, chỗ ngồi của các liệt sĩ, đại diện cho các quân đoàn, sư đoàn, các lực lượng dân quân phục vụ chiến đấu đã hy sinh tại Thành Cổ, bên dòng sông Thạch Hãn... Phía sau, là hàng ghế của đại biểu, hội cựu chiến binh và nhân dân cùng dõi theo bộ phim.

Văn hoá - Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ (Hình 2).

Những chiếc ghế dành riêng cho liệt sĩ “xem phim”. (Ảnh: Hồ Thanh Thoan).

Trên ghế, có chiếc mũ tai bèo vắt sau thành ghế, có một bó hoa và một ngọn nến. Nến được thắp lên khi phim bắt đầu chiếu và ánh sáng lung linh mãi đến tận khi màn hình vụt tắt. “Ai cũng rơi nước mắt vì xúc động. Buổi chiếu phim có hàng trăm người, nhưng lại rất nghiêm trang. Bộ phim rất chân thực, ký ức lịch sử 40 năm trước ùa về trong tâm tưởng mỗi người vào đêm đó”, ông Thắng nhớ lại.

Phiến đá Gio An và câu thơ Thành Cổ

Ông Thắng cho biết, sau buổi chiếu phim, nhiều sự kiện khác như đêm nghệ thuật, trình diễn văn nghệ tại Thành Cổ hay trên bờ sông Thạch Hãn, ở các nghĩa trang trong tỉnh, đêm hoa đăng, thì ban tổ chức cũng bố trí ghế, ba lô, mũ tai bèo để các liệt sĩ cùng xem.

Nhiều năm trên cương vị người đứng đầu quản lý văn hóa của địa phương, ông Thắng rất tâm huyết phát triển văn hóa tỉnh nhà một cách đậm đà và bản sắc. Trong rất nhiều những điều tâm huyết, thì ông đặc biệt dành một niềm thành kính cho Thành Cổ.

Văn hoá - Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ (Hình 3).
Văn hoá - Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ (Hình 4).

Một trong hai phiến đá từ ý tưởng của ông Nguyễn Hữu Thắng nay được du khách đến Thành Cổ rất ấn tượng, chụp ảnh lưu niệm.

Những kỷ niệm với Thành Cổ vì thế mà nhiều vô kể trong tâm trí ông. Một trong số đó là trại sáng tác điêu khắc đá. Ý tưởng tổ chức trại sáng tác điêu khắc đá tại không gian di tích Thành Cổ Quảng Trị được hình thành từ năm 2010 nhưng mãi đến năm 2015, ông mới thấy điều kiện chín muồi. Chủ trương và kế hoạch tổ chức được lãnh đạo bộ và tỉnh đồng ý.

Sau 3 lần xét chọn nghiêm túc, kỹ lưỡng và trưng bày lấy ý kiến nhân dân, cựu chiến binh, cuối cùng 22 phác thảo tốt nhất đã được chọn để triển khai, trong đó có tác phẩm của những nhà điêu khắc nổi tiếng như: Phạm Văn Hạng, Vương Học Báo, Nguyễn Hiền, Vương Duy Biên, Phan Đình Tiến...

“Ban điều hành lên sơ đồ, xác định vị trí để đặt tượng. Khi đánh dấu các vị trí, tôi phát hiện có 2 địa điểm còn để trống, đó là hai bên lối vào, ra trước cổng chính trên đường vào sân hành lễ và đài tưởng niệm trung tâm.

Trong đầu tôi chợt loé lên mấy câu thơ của nhà thơ lớn Trần Bạch Đằng: “Hễ có Việt Nam có Cổ thành/ Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/ Huân chương khó đủ từng viên gạch/ Tấc đất, từng giây mỗi lá cành”, cùng bốn câu thơ rất hay trong bài thơ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”. Ý tưởng đó được Thứ trưởng Vương Duy Biên (nay đã nghỉ hưu – PV) và Phó chủ tịch Nguyễn Đức Chính lúc đó - Trưởng ban chỉ đạo trại, đồng ý.

Tổ điều hành trại do kỹ sư Phan Văn Thắng phụ trách được giao nhiệm vụ tìm mua đá đã tìm được 2 phiến đá Gio An rất đẹp, đúng yêu cầu. Ngoài 22 tác phẩm của các nhà điêu khắc lừng danh đã được chế tác, trại có thêm 2 tác phẩm “thơ khắc trên đá” của nhóm tập thể tác giả là thành viên ban tổ chức, ban điều hành trại.

Một bên đi vào thì nhắc nhở mọi người bước nhẹ chân và nói khẽ thôi vì dưới đất Thành Cổ chỗ nào cũng có liệt sĩ nằm. Lối đi ra lại khẳng định để mọi người lắng đọng lại”, ông Thắng kể.

Văn hoá - Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ (Hình 5).
Văn hoá - Ký ức không quên về đêm xem phim cùng liệt sĩ Thành Cổ (Hình 6).

Ông Thắng bên cây sa la trồng tại Thành Cổ.

Mong ngày cây sa la nở hoa

“Tôi sưu tầm được một cây sa la có gốc từ Ấn Độ, một người bạn ở Sài Gòn tặng trồng ở nhà. Khi sắp về hưu, tôi mang đến Thành Cổ. Giờ nó cũng lớn lắm rồi. Tôi vẫn thường vào Thành Cổ để tri ân và thăm viếng, mong ngày thấy cây nở hoa. Những việc làm nhỏ nhỏ thôi nhưng với tôi, đó là tri ân với các chiến sỹ Thành Cổ”, ông Nguyễn Hữu Thắng nói.

 

Xem phim cùng liệt sĩ (bài thơ của tác giả Nguyễn Hữu Thắng)

Đêm hôm ấy trong lòng Thành cổ

Có một buổi chiếu phim

Màn hình được dựng lên

Dưới chân đài tưởng niệm

 

Những hàng ghế nối dài, yên lặng

Mũ tai bèo vắt chéo sau lưng

Những ngọn nến lung linh

Hương trầm thơm gió thoảng

Không gian chìm vào dĩ vãng

Chỉ những linh hồn mới nhận biết nhau thôi

 

Về đây các anh ơi

Đêm chiếu phim dành cho liệt sĩ

Không đủ ghế thì ngồi trên cỏ

81 ngày đêm ghế nào cho đủ

Buổi xem phim góp mặt mấy sư đoàn

 

Hàng ghế này chốt thép Long Quang

Hàng ghế này Nhan Biều, Bến Vượt

Hàng ghế này... tên không nhớ được

Lính vào thành chưa kịp nhận mặt nhau

 

Đồng đội ơi, ở đâu

Sư 320 hay Trung đoàn 27

K10 đặc công hay mật danh Triệu Hải

Lính sinh viên mới được tăng cường...

Tất cả hướng lên màn hình

Bộ phim Mùi cỏ cháy

Nhân vật trong phim cũng là lính đấy

Những binh nhì đang tuổi mộng mơ

Bom rơi dày như mưa

Đạn nhiều như vãi trấu

Gạch Cổ Thành đỏ bầm như máu

Thạch Hãn trôi áo mũ bập bềnh...

 

Những linh hồn xem phim

Thấy bóng mình lao trên màn ảnh

81 ngày đêm, hàng trăm trận đánh

Phim chỉ dài một tập thế thôi...

 

Buổi chiếu kết thúc rồi

Ánh sáng trên màn hình vụt tắt

Những ngọn nến vẫn đều tăm tắp

Sáng lung linh bốn phía tượng đài”.

Dương Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.