Bản đồ phủ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi địa danh "xóm Lò Gốm", một trong những làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Dựa vào bản đồ này và qua điều tra thực địa, có thể hình dung xóm Lò Gốm xưa bao gồm các làng cổ Hòa Lục (quận 8) và Phú Định, Phú Lâm (quận 6) và vùng Phú Giáo - Gò Cây Mai (quận 11). Khu vực này bây giờ vẫn còn kênh - rạch Lò Gốm và những địa danh liên quan đến nghề làm gốm như (đường) Lò Siêu, (đường) Xóm Đất, cầu Lò Chén...
Theo nhiều chuyên gia từng nhận định, trong quá trình khai phá vùng đất mới Nam bộ từ thế kỷ 17, các sản phẩm gốm mới cũng được ra đời, khác với gốm Bắc bộ (như gốm Chu Đậu, Bát Tràng...) hay Trung bộ (như gốm Gò Sành...). Gốm Nam bộ, như giới sưu tầm cổ vật hiện nay định danh, là loại gốm sản xuất ở khu vực xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa, trong đó có khu lò Cây Mai nổi tiếng, cùng các lò gốm ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương), niên đại khoảng thế kỷ 18 và phát triển nhất từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Hiện nay, dấu tích khu lò gốm Sài Gòn xưa là Gò Cây Mai (nằm ở sau chùa Cây Mai) vẫn còn. Lò này làm các loại đồ gốm thông dụng kích cỡ lớn, sản phẩm trang trí mỹ thuật, tượng đất nung và đồ sành men màu. Đây là loại gốm cao cấp có men màu khá phong phú như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng gồm nhiều kiểu loại phục vụ cho sinh hoạt như tô, chén, dĩa, muỗng và các dòng gốm trang trí như đôn, chậu kiểng; gốm thờ phụng tôn giáo như lư hương, bát nhang, hiện còn lưu giữ ở nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian và tư gia. Theo các tài liệu nghiên cứu, gốm Sài Gòn là sản phẩm kết hợp giữa sự tinh túy truyền thống mang từ phương Bắc cộng với những kỹ thuật, tài hoa của phương Nam mà những người đi mở cõi học được.
Có thể nhận diện gốm cổ Sài Gòn qua loại hình tiếu tượng, tượng tròn, các vật thờ trong các đình miếu, hội quán ở Nam Bộ và các sản phẩm dân dụng điển hình như: Tượng Giám Trai ở chùa Giác Viên (quận 11), góc dưới bên phải có ghi " Đề ngạn, Nam Hưng Xương, Điếm Tố", "Canh Thìn Trọng Đông Cát Đán Lập" (1880). Chữ Diêu còn gặp ở một số di tích khác như ở đình Minh Hương Gia Thạnh (quận 5), trên quần thể tiếu tượng bằng gốm có ghi " Mai Sơn, Đồng Hòa Diêu Tạo" (lò Đồng Hòa - Mai Sơn tạo)...
Ở miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu hội quán - quận 1), trên quần thể tiếu tượng gốm ở phần sân miếu có những bảng gốm chữ nổi " Lương Mỹ Ngọc điếm tạo" (tiệm Lương Mỹ Ngọc tạo), "Quang Tự Thập Tam Niên" (1887) và " Thạch Loan Mỹ Ngọc tạo" (lò Mỹ Ngọc ở Thạch Loan tạo), "Quang Tự Đinh Hợi Tuế (1887). Cũng ngay trên quần thể tiếu tượng này còn có những bảng gốm khác ghi "Đề Ngạn Bửu Nguyên Diêu tạo" (lò Bửu Nguyên ở Đề Ngạn làm)...
Có thể nói, gốm Sài Gòn đặc biệt phát triển vào nửa sau thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, sản phẩm gốm được sử dụng không những ở Nam Bộ mà còn được ưa chuộng ở khắp mọi miền đất nước. Ngày nay, tại Sài Gòn vẫn còn lưu lại một số địa danh có liên quan đến nghề làm gốm như Kênh- Rạch - Bến Lò Gốm, đường Lò Siêu, đường Xóm Đất... thuộc vùng Chợ Lớn. Phế tích Lò Gốm là một gò cao khoảng 6m theo hướng Bắc Nam, một đầu (phía Bắc) cách kênh Ruột Ngựa khoảng 50m, đầu phía Nam có một con rạch nhỏ chảy ra kênh Lò Gốm. Con rạch này cách đây khoảng 10 năm đã bị cạn, nay chỉ còn dấu vết từng đoạn rạch ngắn. Hai đầu của gò đất đã bị đào phá chỉ còn lại đoạn giữa dài khoảng 40m, chân gò rộng 30m. Cấu tạo gò chính là phần còn lại của những lò gốm với đống phế phẩm và phế liệu dày đặc hai bên sườn gò.
Sài thành bước vào thời kỳ đô thị hóa, hậu duệ của những nghệ nhân xưa nay cũng tản mạn nhiều nơi. Những lò gốm xưa chỉ còn lại nghề làm lò đất là chính. Và những sản phẩm gốm Cây Mai hầu như chỉ còn lưu giữ trong dân gian, ở các đình miếu, hội quán Nam bộ với các sản phẩm dân dụng như: Siêu, bát, bình, lu, hũ, thống có nắp, khạp có nắp, chậu tròn, chóe có quai, đôn tròn, đôn lục giác, lân, gạch trang trí hình vuông...
Quyên Triệu