Dù đã ở tuổi 90, hầu như không thể đi lại bình thường nhưng Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn vẫn rất minh mẫn. Ông mở cho tôi xem quyển album ảnh bài báo và các tài liệu về quá trình công tác và hoạt động của ông tại Lào từ hơn nửa thế kỷ trước. Ký ức ùa về, ông kể cho tôi nghe những chiến công của tình đoàn kết Việt- Lào trước sự xâm lăng của đế quốc Mỹ.
Nheo mắt nhìn vào từng bức ảnh, Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn bồi hồi nhớ lại: “Sau cuộc đảo chính của Coong- le, ngày 20/1/1961, tôi chỉ huy đơn vị pháo binh đổ bộ xuống cánh đồng Chum. Khi đó, Thiếu tướng Chu Huy Mân và Thiếu tướng Hoàng Sâm trực tiếp giao cho tôi nhiệm vụ chỉ huy kiêm cố vấn cho pháo binh Pathet Lào và pháo binh Thanh niên Vương quốc Lào (lực lượng tiến bộ). Địa bàn tôi phụ trách rộng lớn từ Văn Viêng, Xiêng Khoảng, Mường Xủi, cánh đồng Chum tới Bản Ban.
Nhiệm vụ chính của tôi là vừa chiến đấu vừa huấn luyện cho bộ đội nước bạn, bảo vệ bầu trời và địa bàn của Thủ đô kháng chiến, bảo vệ các cơ quan đầu não, tổng hành dinh, đài phát thanh, sân bay. Quan hệ với các cơ quan Đại sứ quán Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc... để đề phòng địch tập kích. Cụm pháo binh Fonxavan gồm 10 đại đội pháo các loại có nhiệm vụ luân phiên đi chiến đấu và tổ chức huấn luyện cho bạn kịp thời thay thế được cho ta”.
Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn cho hay, đơn vị pháo binh mà ông chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, diệt được nhiều quân địch. Do vậy, theo đề nghị của Hoàng thân và Chính phủ Lào, ông được giao nhiệm vụ tập huấn đặc biệt cho cán bộ, tướng lĩnh Lào trong những ngày cuối tuần để giới thiệu cách đánh của binh chủng hợp thành, của pháo binh cũng như tính năng của các loại pháo mặt đất và cao xạ.
“Nhiệm vụ này rất nặng nề nhưng cũng hết sức vinh dự. Tôi còn may mắn được đồng chí Tổng bí thư Kaysone Phomvihane và đồng chí Hoàng Sâm đến gặp động viên trước ngày khai mạc. Đồng chí Hoàng Sâm giới thiệu tôi với đồng chí Kaysone: “Đồng chí Cẩn đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao giải thưởng thi bắn giải nhất toàn quân đầu năm nay”. Sau đó, đồng chí Kaysone nắm chặt tay tôi, cười vui vẻ”, Đại tá Cẩn nhớ lại.
Năm 1961, trong thời gian tập huấn, một chiếc máy bay F101 của Mỹ bay qua cánh đồng Chum về phía biên giới Việt Nam. Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn chủ động ra lệnh cho đại đội cao xạ pháo 37 ly của Pathet Lào ở Fonxavan và cao xạ của lực lượng thanh niên Vương quốc Lào ở Khang Khai đồng loạt nổ súng kịp thời, chính xác, bắn rơi máy bay địch.
“Các đại đội cao xạ đã bắn rơi máy bay ở bản Len với số đạn ít nhất. Tên giặc lái bị cháy thui, ta bắt sống một tên nhảy dù bị thương, đưa về bệnh viện Hồng Thập Tự. Đây là chiếc máy bay phản lực đầu tiên bị bắn rơi trên chiến trường Đông Dương và tên tù binh Mỹ đầu tiên ở Lào do liên quân Việt - Lào bắt sống”, Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn nhớ lại kỷ niệm hào hùng.
Đó là một chiến công vẻ vang, là vinh dự của đại đội pháo cao xạ và của hai quân đội, hai dân tộc Việt – Lào. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội hai quốc gia đã động viên kịp thời các cán bộ, chuyên gia và các chiến sĩ Việt Nam và Lào.
Sau sự kiện đáng nhớ trên, các Đại sứ Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc đều tới chỉ huy sở của cụm để chúc mừng, tặng quà. Nhân dân xa gần cũng nô nức mang quà bánh tới trận địa và cùng tổ chức ca hát, nhảy điệu lăm-vông mừng chiến công như ngày hội lớn.
“Nhân dịp này, Hoàng thân Lào Xuvanna Phuma đã tặng thưởng cho tôi một chiếc đồng hồ Wyler - kỷ vật linh thiêng mà tôi giữ gìn mấy chục năm qua và hiện vẫn còn chạy tốt. Nay chiếc đồng hồ đã được tặng lại cho Bảo tàng Pháo binh Việt Nam.
Chính phủ Lào còn tổ chức cho cả lớp tập huấn tới một ngôi chùa lớn ở chân núi Khang Khai. Trong tiếng trống, tiếng chiêng và nghi ngút khói hương, trước tượng Phật, mọi người cùng cầu hạnh phúc, may mắn, chúc tình hữu nghị Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”, Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn xúc động nói.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Lào đã trở thành niềm tự hào của những người lính cụ Hồ, là biểu tượng cho tình đoàn kết keo sơn và tinh thần quốc tế của Việt Nam trong thời đại mới, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Giúp bạn là tự giúp mình”.
Xem thêm: Đêm B52 Mỹ dội bom Khâm Thiên 1972 qua lời người ở lại