Chợ bán lá dong Trần Quý Cáp (Đống Đa, Hà Nội) không xô bồ, ồn ào như chợ cóc cũng không tấp nập như những siêu thị mới. Nằm cạnh ga Hà Nội và Văn miếu Quốc tử giám cổ kính, chợ cũng trở nên bình lặng nơi góc phố nhỏ.
Bà Thanh (68 tuổi, trú gần ga Hà Nội) giải thích, nét khác biệt đó là bởi đa phần những khách đến chợ lá dong này đã luống tuổi, nhiều khách hàng và chủ hàng đã biết mặt nhau nhiều năm. Nên chuyện mua bán rất yên tâm, không phải xem hàng, mặc cả nhiều.
Chợ nhỏ giữa phố nhỏ nhưng với bà Thanh và nhiều người, đây là chợ đặc biệt nhất khi nó đã đong đầy những kí ức tuổi thơ, gìn giữ vẹn nguyên những hương vị Tết xưa và nay của nhiều người Hà Nội. Chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp cuối năm nên thấy lá dong cũng như thấy hoa đào là thấy Tết.
Từng là nhân viên ga Hà Nội nên bà Hoa hiểu rất rõ về chợ lá dong cổ xưa này. Bà kể lại, cuối những năm 1980, tàu từ Lạng Sơn xuống Hà Nội mang theo rất nhiều nông sản như: măng khô, lá dong, sắn, khoai, lá chuối…để bán buôn. Về sau giá vận chuyển tăng lên, nông sản cũng xuống giá nên dân buôn chỉ còn chuyển lá dong về để phục vụ dịp Tết.
Đây cũng là điểm ga cuối cùng nên các tiểu thương đổ đến lấy hàng hoá, nhiều người tranh thủ bán luôn ngoài ga và chợ lá dong Trần Quý Cáp đã dần dần được hình thành như vậy.
“Khoảng từ Tết ông công ông táo (23 tháng 12 Âm lịch) trở ra, khi kết thúc ca trực thì tôi lại mua lá dong ở chợ về gói bánh chưng. Lá dong huyện Bắc Hà (Lào Cai) được người dân trồng tự nhiên, đúng một năm từ Tết năm nay đến Tết năm sau mới được thu hoạch. Tiểu thương thường gọi là lá dong rừng. Đặc trưng của lá dong vùng cao này là nó sẽ tạo nên lớp vỏ bánh có màu xanh tươi.
Hoa đào, cành mai là thứ hoa quen thuộc tạo nên nét đặc trưng của ngày Tết, nhưng trong giai đoạn khó khăn thì không phải nhà nào cũng có điều kiện để mua hoa. Nhưng bánh chưng thì giàu hay nghèo thì nhà nào cũng đều phải có", bà Thanh hồi tưởng.
Dù đã quá cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng bà Hoà (87 tuổi, trú phố Lê Duẩn) vẫn tận tay ra chợ chọn những bó lá dong đẹp nhất mua để gói bánh. Bà kể: "Đã hàng chục năm sau khi nghỉ hưu, Tết năm nào bà cũng tự tay ra chợ này để mua lá dong. Ngày xưa phải mua ống cây giang, cây nứa về chẻ lạt để buộc nhưng giờ người ta cũng làm sẵn cho rồi.
"Chục năm trở lại đây, Hà Nội phát triển nhanh về kinh tế, nhiều gia đình không còn thời gian gói bánh chưng. Nhưng với tôi thì việc mua, rửa lá dong và gói bánh rồi “trông bánh chưng chờ trời sáng” là điều thiêng liêng và mang đến cho mình cảm giác Tết hơn cả", bà Hòa nói.
Bà Hoà tiết lộ, năm nào cũng vậy sau khi sắp đủ nguyên liệu để gói bánh, tới sáng Chủ nhật bà sẽ gọi con cháu đến nhà. Mọi người quây quần cùng nhau vừa gói bánh vừa tâm sự. Các cháu nhỏ tỏ ra rất thích thú và đây như là cách để bà Hoà duy trì nét truyền thống của Tết, của dân tộc. Nó cũng như sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình sau một năm tất bật.
Có mặt từ ngày 14/1 (tức 20/12 âm lịch) chị Thương (tiểu thương quê Hưng Yên) cho biết, đã khoảng 10 năm nay cứ cận Tết là vợ chồng chị lại đánh ô tô lên Cao Bằng hoặc Lào Cai để nhập lá dong từ các hộ dân trên đó rồi chuyển xuống chợ Trần Quý Cáp để phục vụ dân Thủ đô.
Khoảng từ trước Tết ông táo thì dân buôn và các hộ làm bánh để kinh doanh đã đến lấy, nhiều mối quen thì chị vận chuyển tận nhà cho họ. Hiện tại chủ yếu là bán lẻ cho các hộ dân. Lá dong năm nay bán chậm hơn mọi năm, giá bán cũng như mọi năm giao động từ khoảng 50-70 nghìn đồng/bó một trăm lá.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận của PV tại chợ này.