Ăn đụng lợn ngày Tết
Ăn đụng lợn vốn là một việc làm tự phát của người dân thuộc các vùng nông thôn, nên trong các tài liệu nghiên cứu về văn hóa xưa và nay chưa có ghi chép hay liệt kê việc này vào thành một tục lệ.
Tuy nhiên, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, thì nhà nhà ở các vùng quê lại rôm rả chuyện đụng lợn. Một con lợn tùy vào cân nặng khác nhau, sẽ có số lượng nhà chung mổ khác nhau. Thường thường nếu con lợn tâm 40-50kg sẽ có 2 hay 3 nhà, còn con lợn tầm 70-80kg sẽ có 4-5 nhà. Cách chia phần thịt được gọi theo góc, tức ¼ con lợn. Mỗi nhà một góc, hay nửa góc. Tùy vào số cân nhiều hay ít mà mỗi nhà quy ra thóc hay trả phần tiền tương ứng cho gia chủ.
Trước kia, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không phải nhà nào cũng nuôi được lợn, nên thường là trong gia đình, dòng họ nhà nào nuôi được lợn thì những nhà khác cùng ăn đụng, có sao thì ăn vậy. Nhưng giai đoạn hiện nay thì người ta ăn đụng là phải tìm lợn ngon (lợn được nuôi lâu béo tốt và đặc biệt không cho ăn bằng thức ăn tăng trọng), sau đó chọn một ngày mọi người có thể quây quần để mổ lợn ăn Tết cốt cho vui, đầm ấm, chứ tuyệt nhiên không nặng đắt, rẻ, lỗ, lãi.
Thường lợn được xẻ thịt trước Tết độ hai ngày hoặc sáng sớm ngày cuối năm, để kịp lấy thịt gói bánh chưng, làm giò chả và nấu đông. Lúc đó, không khí Tết mới thật là rộn ràng. Cả chục người nói cười rôm rả. Cánh đàn ông người đun nước, người cạo lông, người làm lòng. Phụ nữ thì chuẩn bị muối mắm, rổ rá, lá chuối đựng phần. Đám trẻ con bắng nhắng chạy quanh, tranh nhau xí phần đuôi với bong bóng lợn.
Sau khi cánh đàn ông mổ lợn xong thì phụ nữ lấy những miếng thịt ba chỉ để gói bánh chưng. Đến tối mọi người lại ngồi quanh lò than, canh nồi luộc bánh, hít hà cái mùi lá dong tỏa ra ngai ngái, mùi gạo nếp thơm, mùi thịt béo ngậy. Trong khi trông bánh, tranh thủ nướng mấy củ khoai lang, khoai tây hay bắp ngô.
Giữa cái rét ngọt của tháng củ mật, ngồi bên bếp than hồng, cời từ trong lò củ khoai vừa chín, nóng hổi, cứ phải chuyển từ tay này sang tay kia cho bớt nóng, vừa thổi, vừa bóc, vừa ăn, vừa hít hà mới thấy khoai nướng sao mà ngon đến thế.
Sự quây quần, sum tụ đông vui khi đụng lợn vì thế như khúc nhạc dạo đầu cho Tết, không khí tưng bừng và háo hức. Cũng ở đây, tính cộng đồng đặc trưng trong văn hóa của người Việt được thể hiện rất rõ đặc biệt là văn hóa làng xã.
Và có lẽ, cũng vì đã thành một phần của tính cách con người Việt, nên ngày nay, dù đời sống người dân đã được nâng lên rất nhiều, xã hội hiện đại cũng khiến cái tôi cá nhân lớn mạnh hơn, nhưng Tết đến, ở những làng quê Việt, người dân vẫn rôm rả cùng đụng lợn.
Ký ức về bong bóng lợn
Câu chuyện mổ lợn cuối năm và trò chơi từ quả bong bóng lợn có thể là câu chuyện xa lạ đối với những bạn trẻ thời công nghệ 4.0. Những đối với thế hệ 8X và đầu 9X thì nó lại là cả một miền ký ức.
Vào những ngày cuối năm đám con nít thường gắng dậy sớm, xúm lại xem mổ lợn và tranh nhau cái bong bóng lợn. Đến cuối cùng cũng chỉ rủ nhau thổi lên và đá bóng chơi nhưng vấn cứ phải tranh giành, ẩu đả một trận mới chịu.
Chiếc bóng lợn đó cũng chỉ chơi một lúc rồi vứt đi nhưng mỗi lần nhà mổ lợn lại không thể kìm lòng mà gắng canh cho được cái "kho báu" đó.
Ở cái thời chân trần đá bóng thì chiếc bong bóng lợn vừa dai vừa êm chính là một báu vật đối với đám con nít.
Ngày nay người ta dùng bong bóng lợn làm thuốc, làm đồ ăn... đám trẻ con cũng không còn ai lấy bong bóng lợn ra đá như ngày xưa nữa. Hình ảnh chiếc bóng lợn giờ đây chỉ còn là ký ức của thế hệ 8X và đầu 9X nhắc họ đã từng có một tuổi thơ dữ dội đến vậy.
Quốc Tiệp