Ký ức về 'Ông Ké' qua lời kể những người hàng xóm

Ký ức về 'Ông Ké' qua lời kể những người hàng xóm

Thứ 7, 18/05/2013 10:42

Lần theo nguồn sử liệu về những tháng ngày hoạt động bí mật của Bác Hồ tại thủ đô gió ngàn ATK (An toàn khu, Định Hóa, Thái Nguyên), chúng tôi đã tìm gặp lại những người hàng xóm của Người khi còn hoạt động cách mạng bí mật ở khu căn cứ để biết về cuộc sống một "Ông Ké" đầy bình dị, gần gũi.

Ký ức về "Ông Ké"

Chúng tôi vượt gần 100km từ Thủ đô Hà Nội về thành phố Thái Nguyên rồi men theo những ngọn đồi núi Việt Bắc uốn lượn, quanh co, khúc khuỷu khoảng chừng 60km mới tới được ATK.

ATK những ngày tháng 5, cái nắng oi ả của mùa hạ in hằn trên những vệt bụi đường loang loáng phả vào người những đợt bụi nóng. Bất chợt khung cảnh núi non trùng trùng điệp điệp khiến tầm mắt của khách đường xa cảm thấy mát dịu, êm đềm bởi màu xanh. Những dãy núi tua rua, uốn lượn được phủ xanh bởi rừng cọ, đồi chè mơn mởn chạy xa tít tận chân trời. Chính tại nơi đây đã in đậm biết bao kỷ niệm về Bác Hồ và những năm tháng hoạt động bí mật ở ATK này.

Xã hội - Ký ức về 'Ông Ké' qua lời kể những người hàng xóm

Đồi Khau Tý -  nơi Bác Hồ làm việc đầu tiên tại ATK.

Chúng tôi dừng chân tại di tích Khau Tý thuộc xóm Nà Tra, xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa. Đây là địa điểm đầu tiên Bác Hồ đặt chân về mảnh đất ATK vào ngày 20/5/1947 để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bác Hồ đã sống và làm việc tại đây trong thời gian từ 20/5 đến 10/11/1947.

Hình ảnh ngôi nhà sàn hiện ra thật đơn sơ, mà thân thương gần gũi với những kỷ vật quen thuộc của Người hoạt động cách mạng ngày nào. Bước thật chậm lên từng bậc thang của nhà sàn, chúng tôi như cảm thấy dấu chân Người vẫn còn in hằn lên nơi đây. Vào ngồi trong nhà, tôi được ông Trần Văn Thấm, bảo vệ của di tích Khau Tý gần 20 năm nay kể những câu chuyện về vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại.

Theo làn hương thơm ngào ngạt quyện trong làn khói nóng lơ lửng của chén nước chè, ông Thấm chậm rãi kể về vị anh hùng dân tộc rất bình dị: "Mặc dù khi tôi sinh ra, Bác Hồ đã không còn ở ATK nhưng những câu chuyện của Người với đồng bào thôn Nà Tra thì không bao giờ phai nhạt. Những người già vẫn thường kể cho con cháu của mình nghe chuyện về Bác Hồ. Chúng tôi rất tự hào khi đây là vùng đất được vị lãnh tụ vĩ đại chọn làm nơi đầu tiên đặt căn cứ trong kháng chiến chống Pháp. Sở dĩ Bác chọn nơi đây làm căn cứ vì vị trí quan trọng của nó. Từ nơi đây có con đường mòn đi Sơn Dương, xuống Đại Từ, lên Chợ Đồn, ra Phú Lương và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện. Tại Di tích này vẫn còn lán ở của Bác, trong thời gian ở đây Bác đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" và bài thơ "Cảnh khuya" nổi tiếng".

Ông Thấm cũng cho biết thêm, Bác chỉ ở lại Khau Tý làm việc non nửa năm, nhưng hình ảnh của Người mãi mãi in đậm trong lòng đồng bào nơi đây. Ngay khi Bác chuyển đi hơn một năm, nhiều người dân trong vùng trong đó có bố ông Thấm là cụ Trần Văn Mai đã tình nguyện sửa chữa và trông coi căn lán Bác ở. Vì thế khi Nhà nước quy hoạch lại di tích này, người dân vẫn giữ được căn nhà sàn nơi Bác ở gần như nguyên vẹn.

Xã hội - Ký ức về 'Ông Ké' qua lời kể những người hàng xóm  (Hình 2).

Bà Ma Thị Tôm - Người hàng xóm của "Ông Ké" tại đồi Tỉn Keo.

Người hàng xóm ở đồi Tỉn Keo

Lần theo lịch sử, chúng tôi tìm đến khu di tích đồi Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa - nơi đã gắn với những mốc son hào hùng trong lịch sử dân tộc. Năm xưa, nơi này cũng chính là địa điểm hoạt động cách mạng của Hồ Chủ Tịch. Tại đây, Người đã được quần chúng nhân dân che chở. Nhưng chính những người dân nơi đây cũng chỉ biết đó là một vị lãnh đạo cách mạng quan trọng, chứ chưa biết đó là Bác Hồ. Chính vì vậy, hình ảnh về vị lãnh tụ càng trở nên bình dị, gần gũi và thân thương.

Theo sự chỉ dẫn của những người địa phương, chúng tôi tìm gặp bà Ma Thị Tôm, SN 1929 là người hàng xóm của Bác trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Trong hình dung của bà cụ đã 84 tuổi này, "Ông Ké" sống rất gần gũi, thân thương như một vị cha già vậy. Lật giở quãng ký ức khi bà Tôm mới mười chín đôi mươi, bà về làm vợ ông Lương Đình Nam thuộc xã Phú Đình này. Khi ấy, bên hàng xóm của bà có cơ quan "Ông Ké" với 17 người sinh sống. Bà Tôm nhớ lại: "Khu căn cứ hoạt động bí mật trong lòng dân và được quần chúng che chở.

Ngoài "Ông Ké" ra còn có 16 đồng chí sống ở đồi Tỉn Keo, kể cả một vị bác sĩ. Khu căn cứ này được bảo vệ hai vòng. Vòng ngoài có 7 người canh gác gồm những biệt danh: Kiên, Trung, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Vòng trong được bảo vệ gồm: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Các đồng chí cũng sinh hoạt như biết bao gia đình ở Tỉn Keo và thường giúp đỡ gia đình bà. Trong trí nhớ của bà, đó thực sự là những người hàng xóm rất tốt bụng. Theo những lời kể của các cụ trong làng thời bấy giờ, bà Tôm biết được, "Ông Ké" rất yêu thích cảnh vật và thích trồng cây để hòa mình với thiên nhiên cũng như tìm lại những kỷ niệm về tuổi thơ ngày nào để vơi bớt nỗi nhớ quê. "Hồi đó, tôi chỉ đứng từ xa nhìn thấy một ông lão với dáng vẻ khoan thai đang chăm sóc cây ngoài vườn. Người vẫn xắn quần cao rồi gánh nước tưới cây, bắt sâu cho những cây bưởi, cây râm bụt và nhổ cỏ cho những cây cọ ở đồi Tỉn Keo", bà Tôm nhớ lại.

Dẫn chúng tôi lên thăm đồi Tỉn Keo, bà Tôm chỉ cho chúng tôi từng kỷ vật về những người hàng xóm tốt bụng. Nơi ở và nơi làm việc của “những người hàng xóm” này rất đơn sơ. Ngôi lán nhỏ được phủ quanh bởi cây bưởi, đồi cọ, cây râm bụt vẫn còn nguyên đó như chứng tích về cuộc sống giản dị, dân giã. Bà Tôm vẫn không thể quên hình ảnh của "Ông Ké" trước khi rời thủ đô gió ngàn về Hà Nội.

Lúc chia tay, "Ông Ké" có để lại cho bà một con chó trông nhà rất khôn. Ông cũng dặn dò là thỉnh thoảng trông nhà cho ông. Bà Tôm vẫn còn nhớ rõ, khi ấy gia đình bà đã rất bịn rịn với "những người hàng xóm" tốt bụng này. Khi những người hàng xóm đi khỏi, gia đình bà vẫn thay nhau trông coi ngôi nhà của "Ông Ké". Gia đình bà thường xuyên sang dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn cây. Sau này bà mới biết, người mà dân làng thường gọi là "Ông Ké" đó chính là Bác Hồ - vị cha già của dân tộc.

Nơi ra đời những quyết định quan trọng

Theo ông Mai Viết Tục, nguyên Chủ tịch xã thời bấy giờ cho hay: "Bác sống và hoạt động cách mạng bí mật ở đồi Tỉn Keo trong những năm 1948-1953. Lúc đầu, người dân vẫn chưa biết đó là Bác Hồ, chúng tôi chỉ biết đó là một chiến sĩ cộng sản yêu nước hoạt động bí mật. Chính vì vậy, dân chúng hết lòng bảo vệ cho các đồng chí hoạt động cách mạng.

Đặc biệt nhất vẫn là "Ông Ké" với phong thái điềm tĩnh, nếp sống giản dị, gần gũi với quần chúng nhân dân đã để lại ấn tượng sâu sắc về một chiến sĩ cách mạng thân thiết, chúng tôi gọi Người là "Ông Ké". Sau này chúng tôi mới biết đó chính là Bác Hồ. Và nơi đây, Bác đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, quyết định thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954, trong đó có chiến lược cụ thể để đem lại thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy non sông, chấn động địa cầu".                          

"Ông Ké" bình dị và gần gũi

Bác Hồ được biết đến như một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng có đến những nơi Bác từng ở, trò chuyện với những người từng gặp Bác, mới cảm nhận thật cụ thể về một vị lãnh tụ bình dị, thân thiết và gần gũi đối với từng người dân đến nhường nào. Chính vì vậy, những người dân nơi đây đã gọi Người bằng hai tiếng kính trọng "Ông Ké" (tiếng Tày có nghĩa là người già cả, được kính trọng!).   

Hoàng Thế Tào

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.