Trường bắn Cầu Ngà nằm phía sau Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội, cách cổng trại khoảng một cây số. Trường bắn - nơi những kẻ gây tội ác phải đền tội - nằm ở cuối cùng của con đường độc đạo.
Theo thông lệ, các cuộc thi hành án tử hình diễn ra lúc tờ mờ sáng để đến khi mặt trời lên thì mọi việc đã hoàn tất. Thế nên, ở trường bắn, ban ngày yên tĩnh, vắng lặng đến u buồn. Phía góc cuối của trường bắn, hàng chục mộ tử tù xếp thành hàng. Có ngôi mộ đã bị dấu thời gian vùi lấp, không còn nhìn thấy đầy đủ tên họ trên bia.
Trở lại trường bắn Cầu Ngà những ngày này, không khí đã khác xưa rất nhiều, không còn cảm giác u tịch, lạnh lẽo. 2 năm nay, nơi đây không còn vang lên tiếng súng "hành quyết" tử tội, bởi theo quy định mới, việc xử bắn được thay thế bằng tiêm thuốc độc.
Khu đất rộng mênh mông giờ đã được trồng hoa, cây cảnh thành hàng. Cuối giờ làm việc, cán bộ trại ra đây chơi thể thao... Ở giữa trường bắn, ngôi nhà dùng để tiêm thuốc độc đã đi vào hoạt động. Nhà được xây dựng gồm 3 phần: một dành cho thẩm phán, cán bộ trại giam, kiểm sát viên, ủy viên Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y... ngồi theo dõi việc tiêm thuốc; một phần để các bác sĩ chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; phần chính để một giường dạng ghế nằm dành cho tử tù...
Mới đây nhất, ngày 6/8, Nguyễn Anh Tuấn (ở Mê Linh) đã phải trả giá cho tội ác bằng việc là người "xông đất" nhà thi hành án. Theo quy định mới, xác tử tù không chôn trong nghĩa trang của trường bắn mà gia đình phạm nhân được phép mang về.
Trong ký ức của những người từng có nhiều năm gắn bó với công việc áp giải và thi hành án tử hình bằng xử bắn, 20 năm qua có cả nghìn phạm nhân phải chịu hình phạt ở Cầu Ngà.
Mỗi tử tù bị đưa vào đây có số phận, đường sa ngã khác nhau. Sau phiên phúc thẩm bị tuyên án tử hình, họ trở về buồng giam và sống trong tâm trạng chờ đợi lo lắng đến lượt thi hành án. Tử tù thường tập thói quen ngủ ngày, đêm thức chờ cho thời khắc 2h sáng qua đi. Chỉ khi nào nghe tiếng bước chân của quản giáo lướt qua phòng mình và tiếng lách cách mở khóa ở buồng biệt giam bên cạnh, họ mới tạm thở phào, biết được sống thêm một ngày nữa. Thấp thỏm là vậy, nhưng đa phần trong số họ đều âm thầm chuẩn bị tâm lý cho cuộc ra đi.
Nguyễn Văn Hưng (21 tuổi, ở huyện Thạch Thất) có lẽ trở thành tử tù “nổi tiếng” nhất trong lịch sử của trường bắn Cầu Ngà khi ngày 24/6/2011 là người cuối cùng bị xử bắn.
Tội trạng của Hưng được ghi vắn tắt trong hồ sơ lưu trữ, nhưng cũng đủ khiến người đọc phải rùng mình bởi sự dã man, tàn độc. Giữa tháng 6/2008, Hưng bỏ nhà đi lang thang. Không có tiền, anh ta nảy ý định cướp xe ôm. Mấy ngày sau, Hưng mang theo dao bầu, thuê một người chở về huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Tới cánh đồng xã Liên Hiệp, Hưng rút dao khống chế khiến nạn nhân hoảng sợ bỏ chạy. Quyết thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, Hưng đuổi theo đâm 3 nhát... tước đoạt tàn nhẫn mạng sống của người lái xe ôm nghèo khổ.
Ngày ra pháp trường, đa phần tử tội đều trở nên luống cuống. Họ được tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo mới. Sau khi công bố đơn xin ân xá bị bác, họ được trích xuất để làm thủ tục ra pháp trường. Thủ tục nhận dạng, lăn tay, ký vào bản giao quyết định thi hành án xong, tử tù sẽ được phép ăn bữa cuối cùng, viết thư hoặc nhắn tin (qua máy ghi âm) cho người thân.
Một cảnh sát nhớ lại hôm Hưng thi hành án, Hà Nội bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão, trời mưa như trút nước. Hưng lầm lũi bước ra từ chiếc xe thùng đặc chủng, tỏ ra khá bình tĩnh. Trước lúc "dựa cột", nguyện vọng cuối cùng của anh ta là được hút một điếu thuốc lá…
Pháp trường lúc tờ mờ sáng, đìu hiu, quạnh vắng. Cọc gỗ dựng bên huyệt đã được đào sẵn từ đêm trước. Tử tù bị dẫn vào vị trí, chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình công bố tội trạng của người bị xử bắn. Sau câu nói "tử tội cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội" của vị chủ tịch, 5 cán bộ thi hành án cầm súng sắp hàng nghiêm trang. "Tất cả chú ý! Giương súng. Mục tiêu tên tội phạm. Bắn".
Giờ, những loạt đạn đanh thép không còn vang lên trong trường bắn lạnh lẽo. Nhưng những vết đạn loang lổ trên bức tường rào bằng bê tông vẫn còn đó, đã trở thành ký ức.
Theo Anh Thư (Vnexpress)