Chính phủ yêu cầu tổ chức tốt mùa du lịch hè 2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghị quyết nêu rõ, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và các chính sách khác; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội.
Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương trong tháng 6 năm 2024 hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Giá, Luật các tổ chức tín dụng…
Rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các Luật thuế, Luật Dược… và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, gửi Bộ Tư pháp trong tháng 7 năm 2024 để tổng hợp.
Xử lý theo thẩm quyền những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, mỗi bộ, cơ quan, địa phương phải xây dựng đề án chuyển đổi số để kết nối và thực hiện hiệu quả Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; trong đó, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc…
Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách, chi đi công tác nước ngoài, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, mua sắm ô tô...; kiên quyết cắt giảm các khoản dự toán chi thường xuyên đã giao nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024 chưa phân bổ theo đúng Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa mà Chính phủ sẽ triển khai là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…).
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ. Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; đẩy mạnh sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tận dụng, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Trong đó, Bộ VHTTDL tổ chức tốt mùa du lịch hè 2024; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống trên địa bàn.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ để tham gia sâu vào quá trình xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Kịp thời có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại, hạn chế ảnh hưởng đến giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước.
Cần nắm bắt xu hướng du khách, thúc đẩy mùa du lịch
Kết quả hoạt động du lịch của nhiều địa phương trong 6 tháng đầu năm tiếp tục cho thấy những gam màu sáng về lượng khách và doanh thu, khẳng định thương hiệu điểm đến.
Tuy nhiên, trước những thách thức mới như nhu cầu du khách, giá thành nhiều tour ảnh hưởng bởi chi phí một số loại dịch vụ tăng cao, các đơn vị chức năng, từng doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm thu hút du khách trong mùa cao điểm du lịch Hè.
Theo số liệu trên Vietnam+, 6 tháng đầu năm, du lịch Tp.HCM ước đón khoảng hơn 17 triệu lượt du khách trong nước, hơn 2,67 triệu lượt du khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch tăng khoảng 14,6% so cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bạc Liêu với thế mạnh du lịch văn hóa, trải nghiệm sinh thái đón trên 3,1 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng trên 1,2 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Đồng Tháp đón trên 2,8 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 1.130 tỷ đồng, tăng trên 8% so cùng kỳ năm 2023. Du lịch Bến Tre đón gần 1,3 triệu lượt du khách, đạt hơn 52% kế hoạch năm, tăng trên 18% so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt trên 1.590 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang ước đón trên 5,4 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng trên 13.390 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số chuyên gia phân tích thị trường du lịch nhận định hiện nay xu hướng đi du lịch của du khách đã có những thay đổi.
Du lịch Việt kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2023 du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, dẫu vậy đến hết tháng 10 chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra và tăng 17% so với năm ngoái. Với khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã cao gấp hơn 1,5 lần so với chỉ tiêu đặt ra ban đầu (8 triệu lượt) và hoàn thành mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm 2023.
Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), tháng 5/2024, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, tổng lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm nay tăng 3,9% so với thời điểm trước dịch, cho thấy sự phục hồi tích cực của du lịch Việt Nam.
Lượng khách du lịch nội địa tháng 5/2024 đạt 12 triệu lượt, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách có lưu trú. Lượng khách du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng mạnh, là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt. Nhiều thị trường ở châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh do hiệu quả từ chính sách thị thực và xuất nhập cảnh mới áp dụng từ tháng 8/2023.
Tuy nhiên, dù năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng cao, vượt chỉ tiêu ban đầu đặt ra nhưng so với năm 2019, mới chỉ tương đương 69%. Chính vì vậy, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mạnh dạn đề xuất với Bộ VHTTDL đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19 (năm 2019).
Từ những thành tựu đạt được của ngành du lịch, ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, Du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra:
1. Thứ nhất, về tình hình trong nước, chúng ta đảm bảo sự ổn định chính trị, đó là điều kiện quan trọng, tiên quyết. Bên cạnh đó, chúng ta có một môi trường thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh du lịch đang rất sáng so với khu vực và trên thế giới.
2. Thứ hai, chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa đa dạng, phong phú, được quốc tế công nhận. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, là tiền đề để chúng ta thúc đẩy phát triển du lịch.
3. Thứ ba, du lịch Việt Nam trong năm qua đã được quốc tế ghi nhận với rất nhiều giải thưởng. Đó là sự đánh giá rất cao của các tổ chức quốc tế cho sự đóng góp của du lịch Việt Nam với du lịch thế giới. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới và thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế, bởi việc được các tổ chức quốc tế ghi nhận sẽ giúp cho các quốc gia khác tin tưởng và ưu tiên lựa chọn gửi khách sang Việt Nam.
Ngoài ra, trong năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa việc xúc tiến, quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế. Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương trong nước để tạo ra các sản phẩm chất lượng có thể đem đi xúc tiến, quảng bá.
Nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải có sự vào cuộc của tất các các ngành và có sự liên kết, thống nhất của các cơ quan, các địa phương, ông Phạm Văn Thủy cho rằng, nếu các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, cùng với Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nỗ lực để tạo dựng được hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn thì mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
Dự báo, năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Trúc Chi (t/h)