Dự báo vàng tăng đạt mức 2.700 USD/ounce
Sau khi đạt 2.500 USD/ounce vào trung tuần tháng 8/2024, giá vàng tiếp tục giữ mức cao sau khi Mỹ công bố dữ liệu thị trường nhà ở thấp hơn kỳ vọng. Vàng kỳ hạn tháng 12/2024 chốt tuần ở mức hơn 2.537 USD/ounce. Kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News cho thấy, phần lớn các chuyên gia, nhà đầu tư bán lẻ tin rằng, giá vàng sắp tới có thể vượt qua mức cao nhất mọi thời đại vừa đạt được.
Theo một chuyên gia lĩnh vực vàng, khi giá vàng đã vượt 2.500 USD/ounce, các nhà giao dịch muốn chờ cơ hội giá giảm để lập tức mua vào. Hiện sẽ không nhiều nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn khi giá vàng ở mức trên, nhưng tương lai không xa, vàng được đánh giá có triển vọng tăng giá.
Giới phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư cá nhân kỳ vọng, giá vàng tiếp tục tăng sau khi lập kỷ lục ở mức trên. Thị trường vàng hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp, nếu Fed giảm lãi suất USD cuối năm. Nhu cầu “trú ẩn” cũng tăng cao gần đây trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông leo thang và chiến sự Nga - Ukraine tiếp diễn.
Ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cho rằng, kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2023, giá vàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Bất ổn địa chính trị thúc đẩy hoạt động mua vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Theo ông Heng Koon How, vàng cho thấy tiềm năng tươi sáng, giá vàng có thể tăng lên 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025 và có khả năng đạt 3.000 USD/ounce trong thời gian dài sau đó. Hai yếu tố chính góp phần vào xu hướng trên kể từ cuối năm ngoái là nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và động thái mua mạnh của các ngân hàng trung ương.
UOB vẫn kỳ vọng, FED sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay. Một khi Fed cắt giảm lãi suất, thì sức khỏe USD sẽ giảm. Khi USD giảm, thì giá vàng sẽ được hỗ trợ tăng cao. Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu mua vàng, là một trong những yếu tố tác động lên giá vàng.
Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất đẩy giá vàng tăng
Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong quý II/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.258 tấn. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53%, lên 329 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC cho biết, nhu cầu từ thị trường OTC tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại đã thúc đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong quý II/2024.
Theo đó, WGC cho biết, nhu cầu vàng của khối ngân hàng trung ương đạt tổng cộng 183 tấn trong quý II/2024, thấp hơn 39% so với quý I, nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng vàng mua vào trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 483 tấn, tăng 5% so với mức kỷ lục 460 tấn ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023.
Các nhà phân tích cho biết, họ nhận thấy ba yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng của giá vàng trong 12 tháng, với trụ cột hỗ trợ đầu tiên đến từ việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất USD. Dù Fed không muốn sớm phát tín hiệu cắt giảm lãi suất do lạm phát vẫn tăng cao, nhưng UBS cho biết, việc lãi suất bắt đầu giảm chỉ là vấn đề thời gian.
Yếu tố thứ hai sẽ hỗ trợ giá vàng là nhu cầu tiếp tục mua vàng từ các ngân hàng trung ương. Các nhà phân tích kỳ vọng, lượng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ đạt mức gần kỷ lục khác trong năm nay. Dữ liệu từ WGC cho thấy, dự trữ vàng chính thức đã tăng hơn 1.000 tấn/năm trong hai năm qua.
Một khi căng thẳng địa chính trị chưa giảm nhiệt, kỳ vọng cắt giảm lãi suất USD, lực mua vào của các ngân hàng trung ương tiếp diễn, giá vàng được dự báo vẫn theo xu hướng đi lên mốc mới trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường vàng cũng sẽ chịu tác động trước bất kỳ thay đổi chính sách liên quan tiềm năng nào.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng 2.000 đơn lên 230.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa). Bên cạnh đó, giá sản xuất của Mỹ tăng nhiều hơn một chút so với dự đoán trong tháng Tám do giá dịch vụ tăng, nhưng số liệu vẫn cho thấy xu hướng lạm phát giảm dần.
Ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành của công ty Allegiance Gold, cho biết các số liệu trên đang tạo điều kiện để FED hạ lãi suất, vì thế vàng đang trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường hiện đang dự đoán khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 17-18/9 là 73% và khả năng giảm 0,5 điểm phần trăm là 27%.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 3,7% lên 29,76 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 3% lên 979,62 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều ngày 12/9, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,50 - 80,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thị trường vàng trong nước hiện được kiểm soát và độc quyền vàng miếng SJC, nên rủi ro cao. Các chuyên gia của UOB cho rằng, việc điều tiết giá vàng nội địa liên quan đến việc cho phép bán vàng ra thị trường, do đó nguồn cung được phần nào giải quyết và đáp ứng tốt cầu.
Do hiện thị trường vàng trong nước không liên thông với giá quốc tế, nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá quốc tế. Đặc biệt, khi NHNN có các biện pháp can thiệp thị trường vàng, khả năng giá vàng trong nước sẽ không còn chênh lệch khá xa so với giá quốc tế.
KHÁNH LINH (t/h)